30/09/2011 02:36 GMT+7

Tôn tạo 2 dinh thự của Đà Lạt

N.H.T.
N.H.T.

TT - Chiều 28-9, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trương Văn Thu xác nhận tỉnh đang chủ trương cho tôn tạo, nâng cấp hai tòa kiến trúc được chú ý nhiều nhất ở TP Đà Lạt là dinh I và dinh tỉnh trưởng.

Ydjb4PZX.jpgPhóng to

Dinh tỉnh trưởng nằm trên đường Lý Tự Trọng, P.2, TP Đà Lạt - Ảnh: N.H.T.

Dinh I nằm độc lập trên một ngọn đồi thông phủ về hướng đông thành phố, xây dựng khoảng năm 1925-1928, được thiết kế cầu kỳ và sang trọng theo phong cách kiến trúc dinh thự của giới quý tộc Pháp.

Trong quá khứ, khi về nước lập “Hoàng triều cương thổ”, vua Bảo Đại đã mua lại tòa kiến trúc này của một người Pháp. Từ năm 1956, dinh I là nơi làm việc và nghỉ ngơi của Ngô Đình Diệm khi công cán lên cao nguyên... Sau này, dinh được giao cho đơn vị du lịch địa phương quản lý.

Còn dinh tỉnh trưởng nằm trên một ngọn đồi cao nhất ngay giữa trung tâm thành phố, được giới phong thủy xem là “cao điểm long mạch” của đô thị Đà Lạt. Theo nhà nghiên cứu đô thị Đà Lạt Lê Phỉ, đây là công trình đồ sộ xây dựng sớm nhất ở Đà Lạt, khoảng trước năm 1910, trước cả khách sạn Palace, với kiến trúc khá cao sang, cầu kỳ, trong quá khứ là nơi ở và làm việc của thị trưởng Đà Lạt - cũng là tỉnh trưởng Tuyên Đức của chế độ cũ.

Sau giải phóng, dinh này từng được dùng làm Bảo tàng tỉnh Lâm Đồng. Cho đến nay, tên gọi “dinh tỉnh trưởng” vẫn được người dân ở Đà Lạt lẫn chính quyền sở tại dùng để chỉ công trình kiến trúc này.

Cả hai dinh hiện tại đều trong cảnh hoang tàn, niêm đóng cửa kéo dài lâu nay, nhiều bộ phận kiến trúc xuống cấp nặng; trong khi ngọn đồi cùng không gian cảnh quan vốn diễm lệ bên ngoài bị xâm lấn dữ dội suốt mấy chục năm qua.

Trong cuộc tham vấn các ban ngành trong tỉnh cho “số phận” hai dinh thự đặc thù này ở trụ sở UBND tỉnh Lâm Đồng chiều 27-9, nhiều đề xuất cho rằng cần gìn giữ nguyên vẹn kiến trúc và không gian bên ngoài để tiến hành tôn tạo, trùng tu, biến hai dinh thự này thành điểm tham quan du lịch, bán vé vào xem; không nên khai thác lưu trú như khách sạn vì Đà Lạt không thiếu khách sạn; cả hai tòa kiến trúc đều là “một phần sự thật lịch sử Đà Lạt và đủ hấp dẫn để du khách có nhu cầu tìm đến”.

N.H.T.
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp