Từ đầu năm đến nay, tiêu thụ tôm của Việt Nam thuận lợi hơn so với năm trước do nhu cầu thị trường chính (Mỹ, EU) tăng trong khi nguồn cung giảm.
Theo báo cáo của các địa phương, tính đến hết tháng 9/2016, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng trên cả nước ước đạt 80.000 ha, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước, sản lượng ước đạt 200.000 tấn, tăng 4,2%. Diện tích tôm sú của cả nước đạt gần 583.000 ha, tăng 0,6% so vời cùng kỳ với sản lượng trên 174.000 tấn, giảm 2,5%.
Tuy nhiên, dù có thuận lợi về thị trường tiêu thụ song các doanh nghiệp xuất khẩu tôm phải đối mặt với việc kiểm tra nghiêm ngặt hơn về chất lượng.
Những năm trước, nếu như con tôm chỉ bị kiểm tra các loại kháng sinh cấm thì năm nay, trong danh mục kiểm tra của các nước có thêm các loại kim loại nặng, độc tố sinh học, đồng nghĩa với đó là việc xuất khẩu tôm của Việt Nam đã khó khăn lại càng khó khăn hơn.
Mới đây, Hàn Quốc thông báo sẽ kiểm tra 10% những lô hàng tôm nhập từ Việt Nam từ ngày 5/9 đến hết năm nay để xem trong mỗi con tôm có hóa chất kháng sinh Nitrofurans hay không.
Đây không phải lần đầu, tôm xuất sang Hàn Quốc bị cảnh báo có kháng sinh cấm. Năm 2013, tôm xuất sang Hàn Quốc cũng bị kiểm tra chất ethoxyquin, thời gian kiểm tra đúng 1 năm (từ 1/1/2013 đến ngày 31/12/2013).
Một thị trường thường xuyên có thông báo kiểm tra 30% rồi lên 100% lô hàng tôm nhập từ Việt Nam là Nhật Bản và theo thời gian, danh sách các loại kháng sinh cấm bị Nhật Bản kiểm tra ngày càng nhiều. Trước đây, chỉ có một chất Enrofloxacin thì nay trong danh mục kiểm tra đã có thêm bốn chất nữa là Chloramphenicol (CAP), Sulfadiazine, Sulfamethoxazole, Furazolidone.
Đáng chú ý, trước đây, các nước nhập khẩu tôm của Việt Nam chỉ tập trung vào kiểm tra các loại kháng sinh cấm thì nay kiểm tra thêm kim loại nặng, độc tố sinh học nằm trong danh mục phải kiểm tra của nhiều quốc gia khác nhau.
Nếu như hai thị trường châu Á là Nhật Bản và Hàn Quốc kiểm tra kháng sinh cấm, thì EU đưa con tôm nói chung, thủy sản nói riêng vào danh mục kiểm tra kim loại nặng. Ở châu Đại Dương và Australia, quốc gia nhập khẩu tôm lớn nhất từ Việt Nam trong 5 năm qua cũng có thông báo sẽ kiểm tra 100% lô hàng để kiểm tra độc tố sinh học và vi sinh trong sản phẩm tôm và một số sản phẩm thủy sản khác. Trong lúc đó, EU đưa chỉ tiêu kim loại nặng như một yếu tố phải kiểm tra bắt buộc vào thời điểm này.
Trước tình hình này, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (NAFIQAD) đã đưa ra khuyến cáo các doanh nghiệp chế biến thủy sản, trong đó có tôm, xuất khẩu vào EU rà soát chương trình quản lý chất lượng, thiết lập, thực hiện các biện pháp tăng cường kiểm soát mối nguy kim loại nặng. Trong số đó đặc biệt lưu ý đến việc kiểm soát nguồn gốc nguyên liệu thủy hải sản nhập về nhà máy để chế biến.
Các Trung tâm Chất lượng nông lâm thủy sản vùng tiếp tục triển khai chặt chẽ hoạt động kiểm tra, chứng nhận lô hàng thủy sản xuất khẩu, trong đó lưu ý, lưu ý kiểm tra việc kiểm soát mối nguy kim loại nặng tại các cơ sở chế biến thủy sản xuất khẩu trên địa bàn trong quá trình kiểm tra điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm.
Bên cạnh những khuyến cáo đối với doanh nghiệp xuất khẩu tôm, Bộ NN&PTNT đã ban hành Kế hoạch giám sát chuỗi sản xuất tôm an toàn dịch bệnh phục vụ xuất khẩu.
Mục tiêu nhằm xây dựng thành công các cơ sở nuôi tôm có chuỗi sản xuất được chứng nhận an toàn dịch bệnh theo quy định của Tổ chức Thú y thế giới (OIE) và theo yêu cầu của nước nhập khẩu để có thể xuất khẩu tôm nguyên con và các sản phẩm tôm của Việt Nam đi các nước trên thế giới.
Mục tiêu, kết thúc năm 2017, có ít nhất 10% số cơ sở sản xuất tôm giống có quy mô sản xuất mỗi năm trên 1 tỷ tôm post (tôm giống hậu ấu trùng) đăng ký chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh theo quy định.
Bên cạnh đó, nghiên cứu, tổng hợp, phổ biến và hướng dẫn các doanh nghiệp nuôi tôm về các quy định của OIE và các nước, nhất là các nước có quy định nghiêm ngặt về thú y đối với tôm nhập khẩu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận