Du khách thích thú chiêm ngưỡng con tôm hùm xanh ngọc bích - Ảnh: MINH CHIẾN
Theo đại diện Bảo tàng Hải dương học, con tôm hùm Mỹ màu xanh ngọc bích này được bảo tàng tiếp nhận vào ngày 10-3, do Công ty TNHH thương mại quốc tế Hải Sản Hoàng Gia (TP.HCM) trao tặng. Tôm hùm có chiều dài lên đến 48cm, trọng lượng 3,9kg được nhập khẩu từ Canada về Việt Nam đầu tháng 3-2022.
Trong thư ngỏ gửi Viện Hải dương học, ông Trần Văn Trường - đại diện Công ty TNHH thương mại quốc tế Hải Sản Hoàng Gia, chia sẻ đây là lần đầu tiên công ty phát hiện được một con tôm hùm có màu sắc độc đáo đến vậy sau hàng nghìn tấn tôm được nhập về từ Canada trong nhiều năm qua. Một khách hàng ngỏ ý mua lại với giá 50 triệu đồng nhưng công ty không bán; thay vào đó, tặng cho Viện Hải dương học để phục vụ trưng bày, nghiên cứu khoa học.
Trước đó, tháng 10-2021, trong lô hàng cua hoàng đế nhập từ Na Uy về Việt Nam, công ty cũng đã phát hiện một con cua hoàng đế tím nặng 2,8kg, dài 85cm và tặng con cua này cho Viện Hải dương học để trưng bày, nghiên cứu.
Con tôm hùm màu xanh ngọc bích này có chiều dài lên đến 48cm, trọng lượng 3,9kg - Ảnh: MINH CHIẾN
Tôm đang sinh trưởng tốt trong bể kính của viện - Ảnh: MINH CHIẾN
Ông Hồ Sơn Lâm - phó trưởng phòng kỹ thuật nuôi sinh vật biển - Viện Hải dương học - cho biết, tôm hùm Mỹ (còn được gọi là tôm hùm Alaska) có tên khoa học Homarus Americanus; phân bố chủ yếu ở vùng biển Đại Tây Dương - Bắc Mỹ. Tôm thường có màu cam xanh, nặng khoảng 300g đến 2,5kg, dài 30-40cm. Tháng 5-2016, hai ngư dân Canada bắt được hai con tôm hùm mang màu xanh neon ở vịnh Nova Scotia, tuy nhiên kích thước 2 con tôm này nhỏ hơn nhiều so với con tôm vừa được tặng cho Viện Hải dương học.
Tôm hùm Mỹ phát triển mạnh ở những vùng nước lạnh, nơi có nhiều đá và rạn san hô để ẩn náu khỏi những kẻ săn mồi. Ấu trùng tôm hùm khi được sinh ra sẽ liên tục thay vỏ để trưởng thành, tỉ lệ sống là 1/1.000 đến giai đoạn trưởng thành. Tôm hùm trưởng thành chìm xuống đáy đại dương để tiếp tục phát triển theo lối sống sinh vật đáy. Cường độ thay vỏ chậm dần, từ 10 lần/năm đến 1 lần/nhiều năm. Một cá thể có thể thay vỏ từ 25-27 lần trong đời.
Giải thích về màu sắc độc đáo của chú tôm, ông Lâm cho biết tôm hùm có màu xanh ngọc xuất phát từ 1 trong 2 nguyên nhân đột biến gene hoặc do môi trường sống tác động.
"Con tôm này được nuôi để nghiên cứu và trưng bày, nếu trong lần lột vỏ tiếp theo tôm vẫn giữ được màu xanh ngọc thì màu sắc đặc biệt của con tôm này là do đột biến gene, còn nếu thay đổi màu sắc thì màu xanh ngọc được tạo ra do quá trình thích ứng với môi trường sống ở tự nhiên, khi thay đổi môi trường sống thì màu sắc cũng thay đổi theo" - ông Lâm nói.
Tôm sẽ được nuôi trong bể kính với nhiệt độ từ 5 - 10 độ C, và cho ăn các loại cá mực tôm sò nhỏ.
Quan sát con tôm hùm xanh ngọc bích trong bể, chị Hoàng Thanh Mai (du khách Hà Nội) cùng con gái thích thú: "Lần đầu tiên tôi thấy một con tôm hùm to và có màu sắc độc đáo như vậy. Tôi mong rằng bảo tàng sẽ có biện pháp nuôi dưỡng hay nhân giống loại tôm này và công bố thêm nhiều loài sinh vật biển mới, để du khách có cơ hội được xem các loài vật lạ của đại dương".
Con tôm hùm xanh độc đáo này được vận chuyển trực tiếp bằng đường hàng không - Ảnh: cắt từ clip của VHDH
Tôm được nuôi trong bể kính với nhiệt độ nước từ 5 - 10 độ C - Ảnh: cắt từ clip của VHDH
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận