23/05/2011 06:45 GMT+7

Tôm chết, người nuôi trắng tay

H.T.D.
H.T.D.

TT - Chưa năm nào người nuôi tôm sú ở khu vực ven biển ĐBSCL như Sóc Trăng, Bạc Liêu... lại thất bát đến mức thảm hại như vậy. Thời tiết bất lợi, con giống kém chất lượng khiến hàng chục ngàn hecta nuôi tôm bị thiệt hại.

Yf5cpjNt.jpgPhóng to
Cán bộ kỹ thuật kiểm tra nguồn nước tại ao nuôi tôm ở Sóc Trăng - Ảnh: Khắc Tâm

Tại Sóc Trăng, nhiều hộ nuôi tôm lâu năm cho biết hiện tượng tôm chết bất thường chưa từng xảy ra đối với người nuôi tôm công nghiệp.

Đau đầu vì tôm chết

Đầu tháng 4-2011, ông Nguyễn Văn Sanh (ấp Tổng Cáng, xã Liêu Tú, huyện Trần Đề) cải tạo hơn 3ha đất để đầu tư sáu ao nuôi tôm theo mô hình công nghiệp. Tuy nhiên, tôm mới vừa thả được hơn hai tuần đã chết sạch. “Gần 50 triệu đồng đầu tư ban đầu đã trôi sông trôi biển. Bây giờ chẳng còn vốn liếng đâu để cải tạo ao, mua con giống nuôi lại” - ông Sanh than thở. Là người có kinh nghiệm hơn mười năm trong nghề nuôi tôm sú nên ông Sanh rất thận trọng trong việc cải tạo, xử lý ao nuôi đến việc chọn con giống và thời điểm lấy nước vào ao. Tuy vậy tôm nuôi của ông vẫn không qua được ải “chết non”.

Phác đồ phòng bệnh

Chưa có thuốc trị căn bệnh này trên tôm nhưng Trung tâm Khuyến nông - khuyến ngư tỉnh Bạc Liêu đã đưa ra phác đồ phòng bệnh.

Theo phác đồ, sẽ lấy một tấc nước vô ao nuôi tôm rồi dùng clorin 40pp để xử lý vi sinh, ký sinh trùng, giáp xác ở đáy ao. Xả bỏ nước này, bơm vô ao 1,2m nước, đánh clorin 30pp, thả tôm. Khi thả tôm cho ăn thức ăn bổ sung ngừa bệnh gan, men tiêu hóa đường ruột và ßglucan để tăng sức đề kháng cho tôm.

Tương tự, anh Lâm Tấn Cường (ấp Đào Viên, xã Thạnh Quới, huyện Mỹ Xuyên) cho biết năm nay thời tiết diễn biến quá bất thường. Ban ngày nhiệt độ quá cao, ban đêm xuống thấp khiến tôm chết la liệt. Đặc biệt, tôm chết năm nay cũng khá lạ. Tôm mới thả đều đâm đầu vào bờ chết. “Những năm trước, tôm thường chết sau hai tháng thả nuôi và tập trung vào mô hình quảng canh do điều kiện đầu tư chưa tốt. Tuy nhiên, vụ này tôm được hơn ngày tuổi thì lủi đầu vào bờ chết không còn một con” - anh Cường cho hay.

Theo ông Mã Thanh Sơn - chủ tịch UBND xã Gia Hòa 1, huyện Mỹ Xuyên, thống kê sơ bộ cho thấy có gần 70% hộ nuôi trong vùng bị thiệt hại, tương đương 1.900ha.

Tại Bạc Liêu, tình hình tôm chết cũng bi đát không kém. Tôm chết, người nuôi lấp vụ, tôm lại chết. Cái vòng “nuôi - chết - nuôi” cứ vần vũ trên ao tôm. Ông Lương Ngọc Lân, giám đốc Sở NN&PTNT Bạc Liêu, ước tính toàn tỉnh có khoảng 11.000ha nuôi tôm bị thiệt hại, trong đó có 6.000ha nuôi tôm công nghiệp. TP Bạc Liêu và huyện Hòa Bình bị tổn thất lớn nhất tỉnh.

Tôm chết nhiều nhất khi ở giai đoạn 20-30 ngày tuổi khiến nông dân thiệt hại nặng nề về tiền cải tạo ao, con giống, thức ăn, công chăm sóc, bảo vệ... Theo ông Trần Thanh Tuấn - ấp Rạch Rắn, xã Vĩnh Trạch, TP Bạc Liêu, một trong những hộ nuôi tôm lâu năm, bình quân mỗi hecta ao tôm bị chết thiệt hại khoảng 40 triệu đồng.

Do bệnh vi bào tử

Trên 40.000ha tôm bị chết

Thống kê sơ bộ của ngành nông nghiệp các địa phương ven biển ĐBSCL cho thấy diện tích tôm nuôi bị chết đến nay đã hơn 40.000ha, thiệt hại trên 1.500 tỉ đồng. Ngoài Sóc Trăng và Bạc Liêu, tính đến thời điểm này trong 1,63 tỉ con tôm sú giống thả nuôi trên địa bàn tỉnh Trà Vinh đã có hơn 330 triệu con chết với gần 6.200ha nuôi tôm, thiệt hại hàng chục tỉ đồng.

Trước tình hình dịch bệnh, thay đổi về môi trường, người dân nuôi tôm tại các huyện Trà Cú, Duyên Hải, Châu Thành... phải thu hoạch sớm hơn 1.000ha tôm sú nuôi mới đạt trọng lượng 100-120 con/kg bán giá rẻ...

Ông Phạm Hoàng Giang, chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh Bạc Liêu, cho biết nguyên nhân dẫn đến tôm chết hàng loạt ở các tỉnh trong khu vực

thời gian gần đây ngoài lý do bệnh virut đốm trắng, đầu vàng thì chủ yếu do bệnh vi bào tử. Bệnh này gây tổn thương tế bào gan tụy trên tôm sú dẫn đến tôm chết hàng loạt. Hiện chưa có thuốc đặc trị bệnh mà chỉ phòng ngừa bằng cách chọn con giống qua xét nghiệm không nhiễm vi bào tử.

Trước mắt, theo ông Võ Văn Bé - phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông - khuyến ngư Sóc Trăng, bà con nông dân cần cải tạo ao đạt yêu cầu trước khi thả giống và chỉ nên thả nuôi với mật độ thưa.

Để giảm bớt thiệt hại, UBND tỉnh Sóc Trăng đã chỉ đạo ngành nông nghiệp và các địa phương tập trung thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh lây lan và khắc phục thiệt hại. Sóc Trăng dự kiến phải trích ngân sách khoảng 20 tỉ đồng giúp các hộ nuôi tôm cận nghèo và hộ nghèo có điều kiện tiếp tục sản xuất.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Khởi - phó giám đốc Sở NN&PTNT Sóc Trăng, cái khó hiện nay là ngoài bệnh đốm trắng, đầu vàng trên tôm, bệnh do nhóm vi bào tử trùng không nằm trong danh sách công bố dịch. Do vậy để nhận được hỗ trợ của trung ương, Sóc Trăng đã có văn bản gửi Bộ NN&PTNT xin ý kiến, làm cơ sở công bố dịch và có chính sách hỗ trợ nông dân.

Nhà máy sẽ thiếu nguyên liệu

Điều đáng lo ngại là diện tích nuôi tôm bị thiệt hại đang lan rộng. Chỉ riêng tại Sóc Trăng có khoảng 20.000/25.000ha tôm đã thả nuôi bị chết, thiệt hại trên 1.000 tỉ đồng. Riêng Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh (Sóc Trăng), vụ này 165 hội viên thả nuôi khoảng 2.000ha. Đến nay, diện tích tôm chết gần như hoàn toàn, trong khi đó tỉ lệ thiệt hại của những năm trước không đáng kể.

Ông Triệu Công Danh, trưởng Phòng NN&PTNT huyện Trần Đề, lo lắng: “Dấu hiệu tôm chết vẫn chưa giảm. Toàn huyện thả nuôi gần 2.500ha thì có hơn 80% diện tích bị thiệt hại”. Theo ông Võ Văn Phục - tổng giám đốc Công ty CP

Thủy sản sạch Việt Nam (Khu công nghiệp An Nghiệp, Sóc Trăng), tình hình tôm chết hàng loạt ở Sóc Trăng chắc chắn sẽ ảnh hưởng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến, do vậy một số doanh nghiệp chưa dám ký hợp đồng với các nhà nhập khẩu.

H.T.D.
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp