02/10/2017 18:42 GMT+7

Tôm chết, lúa nhiễm bệnh do mưa

LÊ DÂN - KHẮC TÂM - HẠNH NGUYỄN
LÊ DÂN - KHẮC TÂM - HẠNH NGUYỄN

TTO - Mưa lớn và kéo dài mấy ngày qua tại miền Tây đã làm tôm chết, lúa nhiễm bệnh, giá lúa giảm… gây thiệt hại lớn cho nông dân.

Tôm chết, lúa nhiễm bệnh do mưa - Ảnh 1.

Mưa lớn gây ngập úng trên diện rộng làm gia tăng mạnh bệnh sốt rét, sốt xuất huyết và tay chân miệng ở Vĩnh Long - Ảnh: HẠNH NGUYỄN

Gần một tuần nay, trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng ngày nào cũng có mưa, có hôm mưa từ sáng kéo dài đến mịt tối. 

Theo Chi cục Thủy sản tỉnh, thời tiết bất thường, mưa kéo dài nhiều ngày đã làm trên 171ha tôm ở thị xã Vĩnh Châu bị thiệt hại, tập trung ở các xã Vĩnh Tân, Vĩnh Hiệp, Khánh Hòa. 

"Tôm của tôi được trên 40 ngày tuổi. Tưởng mọi chuyện sẽ xuôi buồm thuận gió, nào ngờ bị mưa dầm, môi trường thay đổi khiến 500.000 con giống đột ngột về chầu trời, thiệt hại trên 200 triệu đồng" - ông Trần Cảnh, nông dân nuôi tôm xã Vĩnh Tân, xót xa. 

Trong khi đó, nông dân trồng lúa cũng đứng ngồi không yên khi nhiều diện tích lúa hè thu sắp thu hoạch bị đổ ngã, giá bán giảm mạnh. 

Ông Trần Văn Sô (xã Thuận Hưng, huyện Mỹ Tú) cho biết mưa dầm những ngày qua khiến ông mất gần 5 triệu đồng. 

Tuần trước, thương lái đến nhà đặt cọc mua lúa giá 5.000 đồng/kg, đến ngày thu hoạch gặp mưa cả ngày nên thương lái chỉ đồng ý cân với giá 4.500 đồng/kg. 

"Lúa thu hoạch để ngoài đồng, ướt như ngâm nước, không bán để hôm sau coi như bỏ nên đành ngậm ngùi bán 10 tấn lúa, mất toi 5 triệu đồng chênh lệch giá" - ông Sô tiếc rẻ.  

Tại Vĩnh Long, mưa lớn đang gây ra dịch bệnh cho cây lúa. 

Theo TS Huỳnh Kim Định, chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long), tính tới cuối tháng 9 toàn tỉnh đã ghi nhận 7.072ha lúa thu đông bị gây hại. 

Ảnh hưởng của thời tiết mưa bão nên tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh đạo ôn, lem lép hạt, cháy bìa lá và diện tích nhiễm rầy nâu trên trà lúa đòng trổ chín tăng diện tích nhiễm. 

Thiệt hại nhiều nhất là tại huyện Trà Ôn với diện tích nhiễm bệnh 2.014ha, tăng 339ha so với tuần trước, nhiễm nhẹ với tỉ lệ phổ biến 5-15%, trên trà lúa đẻ nhánh đòng trổ. 

"Tình hình thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp do ảnh hưởng của mưa lớn trong thời gian tới được dự đoán sẽ tiếp tục phát sinh, phát triển trên trà lúa giai đoạn đẻ nhánh, làm đòng. Đặc biệt cần lưu ý các đối tượng có thể phát sinh gây hại mạnh như bệnh thối bẹ do vi khuẩn, muỗi hành, chuột, ốc bươu vàng trên trà lúa thu đông chính vụ", TS Định dự đoán.

Dịch bệnh gia tăng 

Theo báo cáo của Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long, trong tháng 9-2017 đã có 220 ca bệnh sốt xuất huyết, trong đó có 168 trường hợp ghi nhận tại các bệnh viện trong tỉnh, còn lại 52 ca ở các bệnh viện ngoài tỉnh, tăng 163 ca (285,96%) so với tháng cùng kỳ năm 2016, bệnh truyền nhiễm này cộng dồn từ đầu năm đến nay là 1.337 ca (tăng gần 100%). 

Ngoài ra, ngành y tế Vĩnh Long cũng đang giám sát chặt những ca bệnh và phun xịt thuốc khống chế nhiều ổ dịch bệnh tay chân miệng trước tình hình dịch bùng phát hết sức phức tạp. 

Có thời điểm ngành y tế Vĩnh Long đã phát hiện trong một tuần có hơn 60 ca mắc bệnh truyền nhiễm này, nâng tổng số ca mắc bệnh tay chân miệng được phát hiện trên toàn tỉnh lên trên 1.300 ca, tăng gần 2,5 lần so với cùng kỳ năm trước.

Kỹ sư Phan Hải Dương, dự báo viên khí tượng Đài khí tượng thủy văn TP Cần Thơ, cho biết khu vực Nam Bộ có mưa lớn do chịu ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới hoạt động mạnh nối với vùng xoáy thấp khu vực ven biển Nam Trung Bộ và Nam Bộ gây thời tiết xấu cho khu vực.

Tại TP Cần Thơ, lượng mưa đo được tối 1-10 là 53mm.

Những ngày qua tại TP Cần Thơ còn xuất hiện tình trạng sương mù dày đặc, theo kỹ sư Dương, đó là loại sương mù bức xạ.

Sương mù bức xạ giữ lớp khói bụi trong không khí là đà gần mặt đất, sương mù xuất hiện lúc không khí ô nhiễm, chất độc hại càng nhiều mức ô nhiễm càng cao, có thể ảnh hưởng trực tiếp đến hệ hô hấp con người.

"Độ ẩm trong không khí tăng sẽ phát sinh nấm, rầy nâu, đạo ôn lá phát triển nhanh và dễ dàng lây lan ra diện rộng.

Đặc biệt, với một số cây trồng không ưa độ ẩm cao như cây có múi, tiêu, sầu riêng, cao su, lúa, bắp… rất dễ mắc bệnh" - kỹ sư Dương cho biết.

LÊ DÂN - KHẮC TÂM - HẠNH NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp