Đại diện cộng đồng trao tặng 18.000 hạc giấy tới các nhà tài trợ, đối tác và khách mời tham dự - Ảnh: DƯƠNG LIỄU
Anh Chu Thái Sơn (43 tuổi, trú tại tỉnh Hải Dương) đã chia sẻ thật lòng tại sự kiện gây quỹ cho Quỹ Toàn cầu phòng chống HIV/AIDS, lao và sốt rét chiều 29-8 tại Hà Nội. Sự kiện do Đại sứ quán Thụy Điển, Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam đồng tổ chức.
Cứu hàng ngàn bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS và lao
16 năm trước, anh Sơn phát hiện mình nhiễm HIV/AIDS. Nhờ sự giúp đỡ của Quỹ Toàn cầu phòng chống HIV/AIDS, lao và sốt rét, giờ đây anh vẫn sống khỏe mạnh và điều trị thường xuyên. Anh có một gia đình nhỏ hạnh phúc của riêng mình.
Anh Sơn chỉ là một trong hàng ngàn bệnh nhân được Quỹ Toàn cầu phòng chống HIV/AIDS, lao và sốt rét hỗ trợ điều trị và thay đổi cuộc đời.
Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh rằng Việt Nam đánh giá cao và ghi nhận những đóng góp của các nhà tài trợ quốc tế, đặc biệt là Quỹ Toàn cầu cho ngành y tế.
Thứ trưởng Bộ Y tế nói kể từ năm 2004, Quỹ Toàn cầu đã cung cấp cho Việt Nam khoản viện trợ không hoàn lại trị giá khoảng 698 triệu USD cho cuộc chiến chống HIV/AIDS, lao và sốt rét.
Bên cạnh đó, thông qua các chương trình do Quỹ Toàn cầu tài trợ vào năm 2020 đã điều trị cho khoảng 100.000 người mắc lao, đưa gần 156.000 người tiếp cận điều trị bằng thuốc kháng vi rút HIV và phát 181.186 màn nhằm chống sốt rét.
Với nguồn tài trợ này, Quỹ Toàn cầu đã giúp Việt Nam triển khai nhiều hoạt động can thiệp nhằm kiểm soát hiệu quả HIV/AIDS, lao và sốt rét.
Trong cuộc chiến chống HIV/AIDS, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng kể được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Việt Nam là 1 trong 4 nước cùng với Anh, Đức và Thụy Sĩ có chất lượng điều trị HIV/AIDS tốt nhất thế giới.
Tỉ lệ người nhiễm HIV được điều trị ARV có tải lượng vi rút dưới ngưỡng ức chế đạt 96%. Số người nhiễm mới HIV và tử vong do HIV/AIDS đã giảm 2/3 trong 10 năm qua.
Về tiến độ giải quyết bệnh lao, Việt Nam là 1 trong 9 quốc gia đạt được cả ba chỉ số của Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ về bệnh lao. Việt Nam cũng là 1 trong 3 quốc gia (Việt Nam, Brazil và Nam Phi) đi đầu trong việc thực hiện nghiên cứu loại trừ bệnh lao của WHO và là nước tiên phong trong việc thực hiện chiến lược chấm dứt bệnh lao của WHO.
Đối với bệnh sốt rét, trước đây, bệnh sốt rét là gánh nặng cho ngành y tế Việt Nam. Ngày nay, bệnh sốt rét đã được kiểm soát tốt, số ca mắc và tử vong giảm đáng kể từ hơn 1 triệu ca và 4.646 trường hợp tử vong năm 1991 xuống còn 467 trường hợp và không có trường hợp tử vong năm 2021.
Dự kiến đến cuối năm 2022, 42/63 tỉnh thành sẽ loại trừ bệnh sốt rét, với dân số có nguy cơ mắc bệnh khoảng 7 triệu người.
"Những thành tựu này có sự đóng góp to lớn của Mỹ, Thụy Điển và Quỹ Toàn cầu phòng chống HIV/AIDS, lao và sốt rét, các tổ chức và đối tác quốc tế. Trong điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay, gánh nặng về AIDS và lao ở Việt Nam vẫn còn rất cao so với mục tiêu đề ra.
Để duy trì tiến độ đã đạt được trong những năm qua, Việt Nam mong muốn tiếp tục hợp tác chặt chẽ với tất cả các đối tác và Quỹ Toàn cầu nói riêng để chống 3 căn bệnh này trong các đợt tài trợ tiếp theo", ông Nguyễn Trường Sơn kỳ vọng.
Nỗ lực trong công tác phòng chống HIV/AIDS, lao và sốt rét
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, đại diện Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ tại Việt Nam đánh giá cao những tiến bộ và đầu tư của Việt Nam đối với phòng chống HIV/AIDS, lao và sốt rét.
"Đặc biệt trong hai năm qua Việt Nam phải phòng, chống COVID-19, vì vậy công tác phòng, chống các bệnh khác cũng gặp khó khăn hơn. Đối với HIV/AIDS và lao, Việt Nam đã làm rất tốt việc giảm kỳ thị và phân biệt, để người bệnh có thể an tâm đến các cơ sở y tế và nhận được sự chăm sóc sức khỏe phù hợp.
Năm 2023 sẽ đánh dấu 25 năm CDC Hoa Kỳ có mặt tại Việt Nam. Thời gian tới, chúng ta không biết sẽ phải đối diện với dịch bệnh nào nữa, bởi vậy chúng ta cần có những kế hoạch, nâng cao năng lực y tế dự phòng để sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh và tiếp tục cần thêm sự hỗ trợ của quỹ", đại diện CDC Hoa Kỳ nói.
Đại diện cộng đồng trao tặng 18.000 hạc giấy tới các nhà tài trợ, đối tác và khách mời tham dự - Ảnh: DƯƠNG LIỄU
Theo đại diện Quỹ Toàn cầu, sự kiện gây quỹ năm nay là đợt huy động tài trợ lần thứ 7 của quỹ. Từ năm 2002, Quỹ Toàn cầu đã sử dụng gần 55 tỉ USD cho cuộc chiến chống AIDS, lao và sốt rét. Quỹ thực hiện xây dựng các hệ thống y tế thích ứng và bền vững, sẵn sàng ứng phó với đại dịch, củng cố hệ thống cộng đồng, thúc đẩy và bảo vệ quyền con người và bình đẳng giới.
Sự hợp tác của Quỹ Toàn cầu đã cứu sống 44 triệu người, vào năm 2020, đưa 21,9 triệu người tiếp cận điều trị bằng thuốc kháng vi rút HIV, điều trị cho 4,7 triệu bệnh nhân lao và phát 188 triệu màn chống muỗi.
Quỹ Toàn cầu phòng chống HIV/AIDS, lao và sốt rét đặt mục tiêu quyên góp 18 tỉ USD trong khoảng thời gian 2024 - 2026.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận