Sinh viên trong giờ học giáo dục thể chất - Ảnh: NHƯ HÙNG
Đó là một trong nhiều quy định được nêu trong dự thảo thông tư quy định về chương trình đào tạo, giáo trình, tài liệu giảng dạy, học tập và tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ, số lượng, cơ cấu đội ngũ giảng viên khi đăng ký hoạt động đào tạo trung cấp, cao đẳng nhóm ngành vừa được Bộ GD-ĐT công bố.
Theo đó, đội ngũ giảng viên cơ hữu phải bảo đảm về số lượng, chất lượng, trình độ và cơ cấu đủ điều kiện đăng ký hoạt động đào tạo, cùng lý lịch khoa học và bản sao văn bằng, chứng chỉ của giáo viên, giảng viên cơ hữu.
Đối với đào tạo trung cấp, trường phải có ít nhất 5 giáo viên cơ hữu có trình độ thạc sĩ trở lên, trong đó có ít nhất 2 thạc sĩ hoặc 1 thạc sĩ và 2 cử nhân cùng ngành với ngành đăng ký hoạt động đào tạo.
Đào tạo cao đẳng, trường phải có ít nhất 7 giảng viên cơ hữu có trình độ thạc sĩ trở lên, trong đó có ít nhất 3 thạc sĩ hoặc 1 tiến sĩ và 1 thạc sĩ cùng ngành.
Đối với đào tạo cao đẳng các ngành: sư phạm âm nhạc, sư phạm mỹ thuật và giáo dục đặc biệt, trường phải có ít nhất 5 giảng viên cơ hữu có trình độ thạc sĩ trở lên, trong đó có ít nhất 2 thạc sĩ hoặc 1 thạc sĩ và 2 cử nhân cùng ngành.
Đào tạo cao đẳng các ngành sư phạm tiếng dân tộc, trường phải có ít nhất 5 giảng viên cơ hữu có trình độ thạc sĩ trở lên, trong đó có ít nhất 1 thạc sĩ hoặc 2 cử nhân cùng ngành.
Số lượng giảng viên cơ hữu phải đủ để đảm nhận ít nhất 70% khối lượng chương trình đào tạo của ngành đăng ký đào tạo; tỉ lệ giảng viên có trình độ thạc sĩ trở lên không ít hơn 50% tổng số giáo viên thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên của trường trung cấp và không ít hơn 70% tổng số giảng viên thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên của trường cao đẳng.
Bên cạnh đó phải đảm bảo tỉ lệ học sinh, sinh viên trên 1 giảng viên tối đa là 15 đối với các ngành năng khiếu và tối đa là 25 đối với đào tạo giáo viên các ngành khác.
Với chương trình đào tạo phải phù hợp với yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, vùng, miền và cả nước; phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ sở đào tạo giáo viên.
Chương trình đào tạo phải bảo đảm chuẩn kiến thức, kỹ năng của người học sau khi tốt nghiệp và đáp ứng yêu cầu liên thông giữa các trình độ và các chương trình đào tạo khác.
Về giáo trình, tài liệu giảng dạy, học tập phải cụ thể hóa yêu cầu về nội dung kiến thức, kỹ năng của từng học phần, môn học, tín chỉ trong chương trình đăng ký đào tạo, tạo điều kiện để thực hiện phương pháp dạy học tích cực.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận