24/11/2012 02:02 GMT+7

Tôi thi "trường đời"

LÊ HỨA HUYỀN TRÂN (SP văn K.33 - ĐH Quy Nhơn)
LÊ HỨA HUYỀN TRÂN (SP văn K.33 - ĐH Quy Nhơn)

AT - Khi viết về ngôi trường của mình, người ta hay viết về những gì đã gắn bó lâu năm hay về một ký ức xa xôi nào đó. Tôi cũng có những ngôi trường và những người thầy đã dạy dỗ tôi từ khi tấm bé đến lúc trưởng thành. Thật không bút mực nào có thể diễn tả hết lòng kính yêu và sự biết ơn tôi dành cho họ. Nhưng tôi lại muốn viết về một ngôi trường, nơi tôi học chỉ vỏn vẹn có hai tuần, đã tạo nên một bước ngoặt lớn trong cuộc đời tôi. Chính ở nơi đó tôi mới thực sự trưởng thành. Ngôi trường đó là Trường Quân sự Quân đoàn 3 (Phù Cát, Bình Định).

Ai đi học quân sự về cũng không thể nào quên được những ngày tháng nơi đây, cực nhưng vui. Đó là khoảng thời gian chúng tôi trưởng thành cả về suy nghĩ lẫn cách sống. Đi học đại học, với chúng tôi đã là những năm tháng gian khổ khi phải xa nhà, xa mẹ cha, bạn bè quen thuộc... Những tưởng bao nhiêu cái cực khổ ấy đã là “gánh nặng oằn vai” khi chúng tôi đang chập chững bước vào đời. Nhưng học quân sự chúng tôi "được" cực khổ theo một cách rất riêng: cực khổ theo kiểu “rất quân đội”.

Nếu những giờ học ở trường, lũ sinh viên lười biếng chúng tôi vẫn hay tranh thủ “nướng” thêm vài phút, thì khi học quân sự tất cả đều được quy định chặt chẽ. Giờ thức dậy, giờ ngủ, giờ ăn, giờ uống, thậm chí cả giờ tắm giặt, vệ sinh... chúng tôi đều phải tuân thủ một cách nghiêm túc. Ban đầu tôi không quen, vì có thể nói tôi là một cô nhóc khá lười biếng, mọi việc với tôi đều trễ nãi. Với tôi, dang mình giữa trời nắng hay ăn uống kham khổ là những gì tôi không thể chịu đựng được. Giờ tôi mới thấy, đời sống sinh viên dù khổ cực nhưng chẳng thấm gì so với những gian khổ nơi đây. Vậy mà đến khi cất bước lên xe trở lại nhà, tôi lại nhớ biết bao những ngày tháng nơi đây...

Cả lớp chúng tôi được dịp xích lại gần nhau hơn cũng nhờ việc... đi tắm! Lớp đông, hòa nhập khó, chúng tôi chỉ giao tiếp như những người bạn bình thường không thân thiết. Nhưng do điều kiện quá thiếu thốn, chúng tôi đã chia nhau từng miếng xà bông, từng bịch dầu gội đầu, từng cái xô múc nước, và thật vui với những khoảnh khắc đùa nghịch bên bồn nước. Nơi đây đã dạy chúng tôi biết sẻ chia.

Chúng tôi phải ăn uống đúng giờ, thức dậy đúng giờ, đi ngủ đúng giờ... Tất cả mọi sinh hoạt đều theo một “thời khóa biểu” nhất định, và không chấp nhận sự trễ nãi dù chỉ một phút. Nơi đây dạy chúng tôi tính nề nếp và kỷ luật.

Những buổi tối chúng tôi đều phải tập hợp điểm danh, xếp thành hàng ngũ. Cũng như khi ăn cơm, phải xếp hàng và đi theo hàng rất nghiêm túc, nếu thiếu một người hay một người không làm đúng những gì quy định, chúng tôi phải chấp nhận chờ đợi cho đến khi tất cả đã đúng với quy định. Nơi đây chúng tôi được dạy về tinh thần trách nhiệm.

Những bài tập lăn - lê - bò - lết, những buổi học bắn súng, thực hành bản đồ hay lý thuyết quân sự... thật chi tiết và chính xác. Những ngày học tập dưới cái nắng cháy da hay quần áo lấm lem bùn cát. Những ngày mệt mỏi và phát bệnh vì không quen nắng gió... Ở đây dạy cho chúng tôi sự vượt qua gian khổ để rèn luyện bản lĩnh.

Những bữa cơm do chính tay mình nấu, những hôm học tập mệt nhừ vẫn phải đi dọn bàn, hay lúc đi thu hoạch những nguyên liệu do chính tay mình trồng để chế biến thức ăn... Rồi khi ăn những món ăn mà những ngày đầu chúng tôi tưởng chừng không nuốt nổi vì quá khô khan và chưa quen. Ở đây dạy chúng tôi biết trân trọng những thành quả do mình làm ra.

Và những lúc chúng tôi chia nhau từng gói mì tôm, từng chai nước suối, những lúc đi hái chanh hay ớt trong vườn về chia hết cho mấy đứa từng mẩu nhỏ, những khoảnh khắc đút cháo cho bạn ăn khi bạn bệnh, những cái ôm cổ vũ động viên nhau khi vượt qua kỳ thi, những giọt nước mắt nuối tiếc khi phải rời xa nơi này... Ở đây dạy cho chúng tôi biết yêu thương.

Vỏn vẹn hai tuần. Chỉ hai tuần thôi, nhưng những gì chúng tôi dành cho nhau và cho ngôi trường này đã thành những dấu ấn không thể xóa nhòa. Chúng tôi đi rồi, ngôi trường sẽ đón nhận những sinh viên mới, sẽ dạy cho họ những gì đã dạy chúng tôi, để dù gian khổ khó khăn nhưng chúng tôi vẫn tràn trề nhựa sống khi bước ra khỏi trường. Tôi nghĩ, mình đã được rèn luyện hai tuần trong một “trường đời”, và giờ đây tôi vững vàng và tự tin để bước vào đời.

11XClg67.jpgPhóng to

Áo Trắng số 21 ra ngày 15/11/2012 hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

LÊ HỨA HUYỀN TRÂN (SP văn K.33 - ĐH Quy Nhơn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp