01/10/2015 15:00 GMT+7

Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh: những xúc cảm... không thường thấy

CÁT KHUÊ (catkhue@tuoitre.com.vn)
CÁT KHUÊ ([email protected])

TT - Hiếm có phim nào được chờ đợi một cách... bất thường như Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh!

Các diễn viên nhí Trần Thịnh Vinh (vai Thiều), Bùi Trọng Khang (vai Tường) và Lâm Thanh Mỹ (vai Mận) đã cùng dệt nên một thế giới tuổi thơ trong trẻo và đầy chất thơ cho những khung hình của đạo diễn Victor Vũ - Ảnh: ĐPCC
Các diễn viên nhí Trần Thịnh Vinh (vai Thiều), Bùi Trọng Khang (vai Tường) và Lâm Thanh Mỹ (vai Mận) đã cùng dệt nên một thế giới tuổi thơ trong trẻo và đầy chất thơ cho những khung hình của đạo diễn Victor Vũ - Ảnh: ĐPCC

Khán giả đứng lên khi phim vừa hết, vỗ tay vang rền khi chuẩn bị rời rạp, rồi đứng lại, im phăng phắc, một lần nữa chìm vào màn ảnh để vỗ tay thêm lần hai...

Nói là bất thường bởi lẽ phim không có ngôi sao. Không có Thái Hòa - Hoài Linh - Trường Giang đã, đang làm mưa làm gió phòng vé phim Việt! Không có Johnny Trí Nguyễn, Ngô Thanh Vân! Cả dàn diễn viên cũng chẳng có cái tên nào đình đám.

Nghĩa là thói quen ngó ngôi sao để “bảo kê” cho doanh thu của nhà phát hành phải dẹp sang một bên. Nghĩa là thói quen ngó tên nhìn mặt quen để xem phim của khán giả cũng phải dẹp sang một bên.

Tất nhiên, sẽ có rất đông người chờ đợi phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh bởi họ là độc giả của cuốn sách được tái bản ngay từ ngày đầu tiên phát hành (ngày đầu tiên phát hành là 17.000 bản). Cũng có rất nhiều khán giả yêu quý Victor Vũ chờ đợi ở anh một bước chuyển hứa hẹn bất ngờ... Chờ phim bởi vì sách, chờ phim vì đạo diễn, hai khái niệm này ít nhiều còn hơi xa lạ với thị trường điện ảnh Việt hiện tại.

102 phút phim chầm chậm dẫn người xem ngược về một ký ức thơ bé, theo bước chân chạy mải miết trên con đường làng của Thiều (Thịnh Vinh), theo gương mặt buồn và thường xuyên đẫm nước mắt của Mận (Thanh Mỹ), theo sự hồn nhiên dễ thương vô điều kiện của Tường (Trọng Khang). Những khuôn hình xanh mướt mát, Phú Yên - bối cảnh chính của hơn 50 ngày quay Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh - hiện lên trên màn hình chưa bao giờ đẹp, quyến rũ đến “bất thường” như thế!

Không có... sex, không có... bạo lực (có ác, nhưng cái ác hồn nhiên), không có đồng tính, cũng chẳng có tấu hài, không hành động, không kinh dị, có nhát ma nhưng là nhát ma con nít... vậy mà Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh khiến khán giả vừa cười lên thích thú đấy, lại vừa rơm rớm nước mắt.

Câu chuyện tuổi thơ trong trẻo và khơi gợi ký ức mỗi người...

“Tôi cảm thấy chưa bao giờ gần gũi Việt Nam đến thế... Tôi thấy cả một thế giới trong trẻo, hồn nhiên mà người lớn như chúng ta đã quên mất rồi... Tôi rất mong mọi người hãy đến rạp thưởng thức bộ phim này

Nhà sản xuất phim, đạo diễn Timothy Linh Bùi

Khi khán giả còn đang tấp nập kéo vào rạp, một nhà báo nói đùa: “Đi ra mắt phim Việt vui ghê ha, lúc đầu khi nào cũng vui hết, mà chiếu xong phim toàn trốn thật nhanh không à! Sợ bị hỏi phim sao thì không biết nói chi!”. Nhưng hết buổi chiếu, vài chục phút sau đó vẫn còn rất đông người nán lại, sảnh ngoài phòng chiếu chật kín người.

Đạo diễn Victor Vũ gần như dính vào tường trước cả rừng micro, máy ảnh, máy quay phim. Những gương mặt rạng rỡ vây quanh anh, là những đồng nghiệp tên tuổi đầy hãnh diện. Đạo diễn Việt Linh cười nhẹ nhõm. Đạo diễn Hàm Trần, Timothy Linh Bùi, Charlie Nguyễn, Lê Bảo Trung, Jenni Trang Lê... ai cũng vui!

Victor Vũ và êkip Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh đã phá được tảng băng buồn của điện ảnh Việt trong năm qua, khi nói như một nhà phê bình, hầu hết các tin thường là tin xấu!

Còn hơn thế nữa, Victor Vũ cũng thắng được chính mình bởi gần đây có nhiều ý kiến cho rằng anh đang theo một lối mòn với những phim nặng tính thương mại, thì “nước cờ” này Victor Vũ đã chiếu tướng được khán giả, không bằng các chiêu trò đã dần quen thuộc, mà bằng một cách bất thường đầy... hư chiêu!

Thường thì khi chờ đợi quá, người ta hay bị thất vọng chính bởi quá kỳ vọng. Nhưng cảm xúc ấy không phải là cảm xúc “bị có” với Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh. Tất nhiên, chín người thì mười ý, sẽ có không ít người chưa hài lòng, chưa đồng cảm, chưa thích và muốn chê với phim này.

Nhưng khó mà phủ nhận những gì Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh gây ra từ lúc trailer “lên sóng” cho đến hết đêm ra mắt, ngay cả việc ngày công chiếu cũng phải đẩy lên sớm một ngày (1-10 thay vì 2-10) trước “áp lực” của dư luận... chẳng phải là những dấu hiệu bất thường rất tích cực đấy ư?

Cảnh trong phim.

Thậm chí là quá đẹp, nhưng...

Có quá nhiều điều để khen về Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh phiên bản điện ảnh của Victor Vũ. Tài năng và tay nghề của anh với điện ảnh là điều không còn gì để bàn cãi.

Victor Vũ gần như là đạo diễn duy nhất trong số các đạo diễn Việt Nam hiện nay có thể bay nhảy thoải mái giữa nhiều thể loại phim khác nhau, từ hình sự đến kinh dị, từ hài hước đến võ hiệp dã sử, anh đều rất thuần thục.

Và với Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Vũ gần như khước từ những thể loại đã làm nên tên tuổi để mạo hiểm chơi ở một thể loại hoàn toàn mới: những hồi ức tuổi thơ trong trẻo và đầy biến động (nhất là về mặt nội tâm) của những đứa trẻ đang bắt đầu lớn ở một làng quê miền Trung Việt Nam những năm cuối thập niên 1980.

Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh đẹp, thậm chí là quá đẹp. Nhưng đôi khi sự lạm dụng cái đẹp phong cảnh trở thành con dao hai lưỡi, nó nịnh mắt nhưng chưa hẳn đã chạm được vào trái tim. Nó mải mê cái toàn cảnh mà thiếu đào sâu vào nội tâm nhân vật, nhất là với Thiều, một đứa trẻ mới lớn với cuộc chiến chống lại cái ác trong bản thân.

Cái đẹp của phong cảnh đôi lúc cũng vô hình trung làm mượt mà hóa cái đói nghèo của người dân miền Trung, cái khốn khó nhưng lạc quan của “Còn da lông mọc còn chồi nảy cây” trong bài ca dao 10 quả trứng.

Vì thế mà những cảnh mô tả về sự nghèo đói, lũ lụt, cháy nhà... khán giả không thấy được sự khốn khó kiệt cùng, mà chỉ là những hồi ức đẹp.

Ngoài những thành công đáng ghi nhận, cái đáng tiếc nhất của Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh chính là việc Victor Vũ khoác một chiếc áo hồi ức cho quá khứ chứ không phải là trải nghiệm của người từng đi qua nó.

Cái đẹp trong phim của anh, đôi lúc giống như gánh quà quê người ta bày trong resort. Đẹp đấy, ngon đấy, nhưng nó là cái đẹp và cái ngon của sự dụng công sắp đặt!

LÂM LÊ

Những cảnh phim thân thương lạ lùng...

Nhiều trò chơi dân gian của một thế hệ tuổi thơ được tái hiện trong phim khiến khán giả người lớn không khỏi bồi hồi. Trong ảnh: Tường (Trọng Khang) và Mận (Lâm Thanh Mỹ) chơi trò hình nhân quay - Ảnh: ĐPCC
Nhiều trò chơi dân gian của một thế hệ tuổi thơ được tái hiện trong phim khiến khán giả người lớn không khỏi bồi hồi. Trong ảnh: Tường (Trọng Khang) và Mận (Lâm Thanh Mỹ) chơi trò hình nhân quay - Ảnh: ĐPCC

Hoa vàng ngập đầy những chi tiết tuổi thơ. Đó là tuổi thơ mà Victor Vũ không được trải qua, nhưng là ký ức của rất nhiều người thuộc thế hệ 8X, 9X. Những trò chơi dân gian như đá cỏ gà, thả diều, hình nhân quay, nhảy dây… hiện lên giản dị và thân thuộc.

Chính tôi đã từng chơi những trò chơi ấy, và các cảnh trò chơi trong Hoa vàng khiến tôi bồi hồi hơn nhiều khi xem Toy story 3. Những đứa trẻ nghèo làm gì có tiền mua đồ chơi để có kỷ niệm? Chúng tự tạo ra đồ chơi. Victor Vũ rất tỉ mỉ, một cách tự nhiên, để tạo ra thế giới tuổi thơ không phải của chính mình.

Tôi nghĩ nhiều khán giả sẽ xúc động ở một hoặc nhiều chi tiết ấy. Có thể là khung cảnh lớp học với áo trắng quần xanh, khăn quàng đỏ. Có thể là cảnh Thiều ngồi học dưới ánh đèn dầu, cạnh những tập sách dày ố vàng.

Có thể là đêm Trung thu giữa sân đình với đèn lồng kiếng đỏ soi sáng những gương mặt ngây ngô. Những cảnh phim sao mà thân thương lạ lùng...

Hoa vàng là trải nghiệm điện ảnh tuyệt vời nhất mà tôi từng có với phim Việt trong rạp chiếu bóng. Nhưng điều khiến tôi vui mừng hơn nữa là cảm giác đang trải qua một thời khắc bước ngoặt. Rằng điện ảnh Việt đã đủ sức để làm nên những phim chất lượng như thế này.

Chất lượng ở cả kỹ thuật, với hình ảnh, âm thanh, với các cảnh quay chậm được sử dụng hợp lý để đẩy cao trào. Chất lượng ở việc Victor Vũ không hề dễ dãi ở các chi tiết gợi, như đoạn kết. Không có bất kỳ sự giảng giải dài dòng nào để khán giả dễ hiểu hơn.

Họ phải tự tìm lấy, là nghệ thuật ở đúng nghĩa của nó. Tôi có cảm giác như cuối cùng phim Việt đã tiến lên được một mốc mới tiến bộ hơn, gần với thế giới hơn, nhưng lại đậm bản sắc hơn...

Và không có niềm mong ngóng nào bằng nó sẽ được khán giả đón nhận nhiệt thành, hơn những bộ phim hài nhảm hay cháy nổ vô nghĩa. Để rồi các nhà làm phim khác sẽ biết cách làm một phim nghiêm túc, gần gũi, mà vẫn ăn khách và thu hút được tình cảm của khán giả.

(Trích bài viết của tác giả Hoài Nam trên trang http://35mm.vn/)

 

CÁT KHUÊ ([email protected])
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp