Phóng to |
Nghệ sĩ Đức Minh đi biểu diễn cho đồng bào dân tộc - Ảnh: CTV |
Suốt sáu năm ròng đắm mình bên những chiếc đàn môi để hôm nay nhiều người nhận ra chàng “Minh môi” (biệt danh của bạn bè đặt cho) ngày nào trở thành người thanh niên duy nhất của VN nghiên cứu, bảo tồn và phát triển loại nhạc cụ này.
Bén duyên... đàn môi
Năm 2000, một lần về Lai Châu thăm quê, Đức Minh tình cờ và trót... bén duyên với tiếng đàn môi - một loại âm nhạc còn rất xa lạ với đa số người dân VN. Từ lần đi đó, Minh đã trở thành người nghệ sĩ tình nguyện. Anh đi khắp các vùng miền Tây Bắc để mang những âm thanh của núi rừng về với đồng bằng, phố thị. Từ những miền đất nghe rất đỗi xa xôi như Mù Khương, Cô Mạ, Chiêng Pốc... đến những miền đất tưởng chừng ở đó chỉ có nắng và gió như A Lưới (Gia Lai) đều có dấu chân của “Minh môi”.
Cấu tạo cây đàn môi bao gồm thân và lưỡi đàn. Lưỡi đàn chính là bộ phận rung. Khi chơi, phần lưỡi đàn rung trong khoang miệng. Lúc đó khoang miệng trở thành hộp cộng hưởng khiến âm rung và vang. Trong thao tác, người chơi đàn gẩy vào lưỡi đàn sao cho cổ tay và các ngón tay lắc đều nhịp; phối hợp cùng lúc là việc khép mở khoang miệng để tạo phổ bồi âm. Ngoài kỹ thuật dùng tay, người chơi phải chú ý kỹ thuật lấy hơi một chiều và hai chiều - hơi hai chiều có tốc độ nhanh gấp đôi. |
Minh tâm sự: “Ngay từ lần đầu nghe đàn môi tôi đã bị tiếng đàn lạ này chinh phục. Thứ âm thanh mang vẻ giản dị và hoang dã đến lạ lùng khiến tôi say mê và muốn chiếm lĩnh nó bằng được”.
Những kỳ nghỉ hè, chàng sinh viên nhạc viện Nguyễn Đức Minh lặn lội khắp các vùng miền Tây Bắc để được “ba cùng” (ăn, uống, ngủ) với bà con dân tộc. Cũng chính nhờ những lần “ba cùng” đó mà bí mật của những chiếc đàn môi đã dần được Minh khám phá.
“Đàn môi được làm bằng rất nhiều chất liệu khác nhau: vàng, bạc, đồng, ngà voi, tre, khi vang lên chúng đều có những sắc thái rất khác nhau” - Minh cho biết.
Đàn môi của người Mông không chỉ xuất hiện ở các lễ hội, trong cuộc sống lao động hằng ngày mà loại nhạc cụ này là phương tiện để những đôi trai gái tỏ tình, giao duyên với nhau. Nếu người con trai thích một người con gái, anh ta sẽ thổi đàn môi nhắn nhủ những lời tỏ tình tha thiết. Còn ở các vùng miền Tây nguyên, thứ nhạc cụ này như người bạn để thổ lộ những suy nghĩ, tâm trạng vui buồn của mình...
Hiện nay Minh đã sưu tầm và sử dụng được hơn 30 loại đàn môi của VN, Đức, Nga, Na Uy, Thụy Điển, Trung Quốc, Nhật Bản... Để có và sử dụng được những loại nhạc cụ này, “Minh môi” phải ăn ở lang bạt khắp đây đó và trải qua nhiều thử thách khác nhau như tài chính thiếu thốn, chơi đàn đến chảy cả máu vì sử dụng không đúng kỹ thuật...
Những khát vọng về đàn môi
Kể từ khi đoạt giải Nghệ sĩ đàn môi xuất sắc nhất thế giới (tháng 7-2006), Minh luôn trăn trở: Đàn môi có ở khắp thế giới và được người dân rất ưa chuộng. Tại các nước châu Âu, mỗi nước chỉ có duy nhất một loại đàn môi nhưng họ đều có các trường dạy về đàn môi, thậm chí ở Nga có cả một bảo tàng dành cho loại nhạc cụ này.
Trong khi đó, VN được xem là một trong những nước có nhiều đàn môi nhất thế giới (theo tài liệu nghiên cứu của Viện Nghiên cứu quốc gia Pháp, VN có trên 10 loại), độ chuẩn trong kỹ thuật cao cũng như sự thể hiện trong văn hóa rất rõ nét..., nhưng người dân chưa biết nhiều đến loại nhạc cụ này.
Hơn 10 loại đàn môi khác nhau nhưng suốt sáu năm qua nghệ sĩ Đức Minh chỉ phát hiện năm loại ở năm dân tộc khác nhau: Mông, Giáy, Thái, Nùng, Ê Đê. Những loại còn lại như toung của dân tộc Ba Na, atling của dân tộc Gia Rai... chàng nghệ sĩ trẻ này cho biết sắp tới sẽ tiếp tục “lang bạt” vào khu vực Tây nguyên để tìm kiếm.
Đi nghiên cứu và bảo tồn, hơn ai hết Đức Minh nhận thấy giá trị đích thực cũng như tính không lạc hậu của loại nhạc cụ này. “Ở Festival đàn môi quốc tế được tổ chức tại Hà Lan tháng bảy vừa rồi, các nghệ sĩ đàn môi trên khắp thế giới đã thể hiện những lối chơi, cách kết hợp đàn môi rất độc đáo, họ vẫn có thể chơi đàn môi với các dòng nhạc jazz, pop hay rock... Đây là một hình thức rất độc đáo và mới lạ. Có lẽ với những hình thức kết hợp đàn môi cùng các nhạc cụ dân tộc khác hay với cả một dàn nhạc sẽ là hướng đi mới để đàn môi VN gần hơn với mọi người trong thời gian tới” - Minh nói.
Để thực hiện được ước mơ của mình, Đức Minh đã vạch ra một “chiến lược” bài bản. Ý định của chàng nghệ sĩ là sẽ tổ chức những buổi biểu diễn đến các sinh viên âm nhạc trên địa bàn Hà Nội. Tiếp đến là các cuộc thi đàn môi. Điều này sẽ tạo đà thúc đẩy phong trào học và chơi đàn môi nhân rộng.
Không chỉ quảng bá về loại nhạc cụ dân tộc này với người dân VN và thế giới qua những chuyến lưu diễn, hiện nay Đức Minh đang biên soạn một cuốn sách về đàn môi. Cuốn sách sẽ giới thiệu văn hóa đàn môi của các vùng miền khác nhau cũng như cách hướng dẫn các kỹ thuật để bất cứ ai có sở thích cũng có thể chơi được loại nhạc cụ này.
“Tôi chỉ sợ đến khi người dân hiểu được giá trị và muốn nghiên cứu đàn môi thì chẳng còn gì để nghiên cứu nữa. Hiện nay, nhiều dân tộc như người Thái, Khơ Mú... là những cái nôi của đàn môi nhưng tìm được người chơi loại nhạc cụ này chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nếu chúng ta không nghiên cứu và bảo tồn đàn môi ngay từ bây giờ, e rằng đến khi một số nghệ nhân cao tuổi của VN không còn thì loại nhạc cụ này cũng sẽ vĩnh viễn biến mất” - Minh thổ lộ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận