Đó là nhận định của Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm đưa ra tại hội nghị triển khai thực hiện đề án “Tăng cường hợp tác quốc tế trong phòng chống mua bán người” do Bộ Công an phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) tổ chức ngày 2-7.
Đại tá Lê Văn Chương - phó chánh văn phòng thường trực phòng chống tội phạm và ma túy, Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm - cho biết không chỉ xảy ra mua bán phụ nữ, trẻ em (chiếm trên 80%) mà cả mua bán đàn ông, mua bán trẻ sơ sinh, trẻ trong bào thai, mua bán nội tạng, đẻ thuê... VN vừa là địa bàn phạm tội, vừa là địa bàn trung chuyển đi các nước thứ ba.
Đối tượng phạm tội có thể là người nước ngoài hoặc những người từng là nạn nhân của mua bán người. Theo thống kê, từ năm 2005 đến nay cả nước xảy ra hơn 3.200 vụ phạm tội mua bán người với gần 5.600 đối tượng, lừa bán hơn 7.000 nạn nhân.
Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm cũng đưa ra một số thủ đoạn đáng chú ý của các đối tượng buôn bán người. Trong đó có việc lợi dụng địa bàn miền núi vắng vẻ, một số đối tượng người Việt cấu kết với người Trung Quốc tổ chức thành từng toán đột nhập nhà dân, giết người thân, chiếm đoạt, bắt cóc trẻ em.
Chỉ riêng trên địa bàn Hà Giang, từ năm 2007 đến nay đã phát hiện 115 vụ, chiếm đoạt 142 nạn nhân, làm chết bảy người và bị thương ba người. Thứ hai là mua bán người sang Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan dưới dạng tổ chức “xem mặt chọn vợ” hoặc kết hôn giả. Thứ ba là tình trạng mua bán trẻ sơ sinh, trẻ trong bào thai. Thứ tư là xuất hiện một số đường dây đưa người sang Trung Quốc bán nội tạng.
Đáng chú ý, thủ đoạn mới của các đối tượng phạm tội là mua bán người dưới dạng xuất khẩu lao động. Thông qua con đường tuyển dụng lao động, đưa người ra nước ngoài, các đối tượng thu giữ giấy tờ, hộ chiếu của các nạn nhân rồi không làm các thủ tục cư trú, bắt lao động cưỡng bức và lạm dụng tình dục.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận