27/10/2014 09:08 GMT+7

​Tôi muốn lời phê nào dành cho con?

TRƯƠNG BẢO CHÂU
TRƯƠNG BẢO CHÂU

TT - Con tôi nhút nhát, rất ngại phát biểu trước đám đông, đó có thể tạm xem là khuyết điểm của cháu làm chúng tôi lo lắng mà cũng kỳ vọng khi gửi con đến trường.

Mấy ngày qua thấy thầy cô giáo đau đầu và phụ huynh bối rối trước việc giáo viên nên phê vào vở các con thế nào, dài hay ngắn, đóng dấu hay không, tôi cũng tự hỏi cách đánh giá nào tôi thật sự mong con mình nhận được từ thầy cô nhất?

Tôi không tin một đứa trẻ sẽ “cảm xúc dạt dào” hay sẽ được lay động, thay đổi to lớn gì chỉ từ những lời phê hay điểm số mang tính chất “cho đúng quy định” là chính. Đứa trẻ chỉ thật sự thay đổi khi những lời phê đến trực tiếp với cháu đi kèm một hành động, một sự việc mà bản thân cháu chứng kiến hay đóng vai chính.

Con gái tôi dù rất trầm tính nhưng lại ao ước một lần được làm tổ trưởng. Đã hai năm nay cháu chưa hề được làm lần nào vì các “lãnh đạo lớp” đều do cô giáo chỉ định.

Năm lớp 3 này nhà trường thông báo mỗi cháu đều được làm tổ trưởng một lần. Và sự thay đổi này đã mang lại hạnh phúc cho cháu, cháu mong đến tuần số 13 là thời điểm cháu “lên chức”. Cháu cho biết sẽ nói to hơn, sẽ nghĩ ra trò gì đó cho các bạn vui thích mình.

Một ví dụ khác, con tôi học môn toán cũng bình thường, nhưng ở lớp 1 cháu cố gắng thi toán trên mạng, dù không đến vòng cấp quận nhưng vẫn được trường vinh danh dưới cờ lúc cuối học kỳ, cháu rất tự hào và khẳng định năm nào con cũng đều thi cuộc thi này.

Còn biết bao cách thầy cô có thể làm thay đổi một đứa trẻ mà chỉ vì thiếu thời gian hay phương pháp mà chúng ta chưa làm được, nên tốt hơn là ngành giáo dục và cả phụ huynh hãy “giải phóng” thầy cô ra khỏi những yếu tố nặng về hình thức báo cáo, thành tích, giúp họ có đủ sức và đủ điều kiện tiếp cận trẻ gần gũi và bằng phương pháp hiện đại hơn.

Một lớp học 50 trẻ thì đừng bao giờ đòi hỏi ai sẽ quan tâm đến ai đầy đủ, phê cho nhiều cảm xúc càng là một yêu cầu quá sức chịu đựng mà chắc hiếm nền giáo dục tiên tiến nào có thể thực hiện.

Hãy để thầy cô được phê theo cách và theo sức của mình, mặt cười hay tốt khá đều được, nhưng cần kèm với sửa lỗi sai, đủ để trẻ thấy lỗi hoặc phụ huynh nắm được mức tiếp thu của con. Thang đánh giá mỗi giai đoạn học tập chuẩn hóa thành các bài thi trắc nghiệm.

Điều mà nhiều chương trình dạy học hiện đại quan tâm chính là quá trình đi đến những kết quả đó bằng cách nào, phương tiện và cảm xúc nào. Đánh giá tốt nhất chính là đánh giá khi đối thoại, dạy dỗ trực tiếp trẻ chứ không chỉ dồn sức cho lời phê cuối ngày.

Tôi ước ao sau giờ học, con tôi cho biết trong tuần (thậm chí là trong tháng) cháu đã một lần được kể chuyện trước lớp, hoặc sinh hoạt nhóm, đóng kịch, thi giải toán...

Tôi ước gì cháu về nhà thông báo cháu phải đọc quyển sách A, B theo yêu cầu của cô để viết năm câu về những gì đã đọc. Tôi ước ngoài những bài văn trong sách tiếng Việt, cháu sẽ trình bày thêm những câu hỏi: Nếu tôi làm hiệu trưởng, tôi sẽ làm gì...

Khi nào những điều đó mãi chỉ là ước mơ của tôi và nhiều phụ huynh khác thì những lời phê hay điểm số mà các thầy cô phải hi sinh cả giờ giải lao để điền cho kịp, tôi nghĩ không giúp nhiều cho con tôi trở thành em bé tự tin và trưởng thành. Nên tôi không mong đợi từ nó nhiều là vì vậy.

[poll width="400px" height="300px"]32[/poll]

TRƯƠNG BẢO CHÂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp