Thí sinh Ngô Phương Vi (Việt Nam) - giải nhất bảng B của cuộc thi piano quốc tế lần 3 - Ảnh: BTC |
* Ông đánh giá như thế nào về chất lượng cuộc thi piano quốc tế năm nay?
- Tôi đánh giá cao hoạt động chuyên môn này của Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Đây cũng là hoạt động bổ ích cần được khích lệ nhiều hơn nữa khi âm nhạc luôn cần được giao lưu, học hỏi quốc tế.
Là năm thứ ba tổ chức, cuộc thi có điểm khác lớn khi thí sinh được biểu diễn tại phòng hòa nhạc tiện nghi, chuyên nghiệp không kém cạnh gì quốc tế. Số lượng thí sinh quốc tế đăng ký tham dự cuộc thi vẫn đạt 20% và tập trung nhiều ở các nước trong khu vực. Các thí sinh Việt Nam ở bảng A (từ 10-13 tuổi) để lại nhiều ấn tượng khi có nhiều tài năng giành được nhiều giải thưởng. Còn ở bảng B (từ 14-17 tuổi), bảng C (18-25 tuổi), thí sinh quốc tế vẫn chiếm ưu thế.
NSND Đặng Thái Sơn - Ảnh: Trần Thanh Giang |
“Tôi mong rằng xã hội hãy mở rộng hơn nữa sự hào phóng đối với nghệ thuật nói chung và âm nhạc nói riêng để văn hóa đất nước cũng phát triển mạnh mẽ như kinh tế vậy |
* Theo ông, vì sao đến độ tuổi lớn hơn, ở cả ba lần tổ chức, thí sinh Việt Nam vẫn tiếp tục chấp nhận thua kém hơn bạn bè?
- Đây là một thực tế đáng tiếc trong câu chuyện dài của sự phát triển nền âm nhạc Việt Nam khi 35 năm qua chưa có thêm đỉnh cao tài năng âm nhạc - dù rằng không phải ở Việt Nam không có tài năng. Chỉ có điều sau hơn 30 năm, Việt Nam từ một nước tự hào vì có nền âm nhạc bác học phát triển so với khu vực giờ đây đành đứng sau những nước có thời không thèm... chấp như Thái Lan, Indonesia, Singapore... Rõ ràng, trong lúc chúng ta còn ngủ say trong tự hào thì bạn bè xung quanh đã có những đầu tư rất lớn cho âm nhạc. Và, thời thế luôn vận động như vậy đấy...
Trở về góc độ của cuộc thi, tôi nghĩ là do ở những bảng tuổi càng lớn thì chương trình biểu diễn đòi hỏi càng phải phức tạp, dàn dựng với tay nghề cao hơn. Những tài năng âm nhạc của chúng ta chưa thể đáp ứng được khi họ được giáo dục bằng một chương trình giảng dạy chưa đồng bộ - điểm yếu trong giáo dục âm nhạc mà lâu nay chúng ta chưa khắc phục được.
Cụ thể là chúng ta vẫn sử dụng giáo trình, cách dạy chịu ảnh hưởng nhiều của trường phái Nga. Với giáo trình này, khi dựng chương trình dòng lãng mạn là hợp nhưng cổ điển, hiện đại thì cần có những tham khảo bổ sung thêm.
Ngoài ra, cái phông của âm nhạc là im lặng nhưng ở Việt Nam thì luôn thừa dư tạp âm. Mặt khác, các em học sinh cần phải có sự cọ xát tích cực, không chỉ qua các cuộc thi mà còn qua những trại hè âm nhạc. Thế nhưng, đến giờ ở Việt Nam mỗi năm mới chỉ có một cuộc thi thế này mà vẫn chưa có trại hè âm nhạc - một hoạt động theo tôi là vô cùng bổ ích, cần thiết mà lâu nay tôi vẫn luôn mong chờ tìm kiếm cơ hội được thực hiện.
* Thật là bổ ích nếu Việt Nam có một trại hè âm nhạc, thưa ông?
- Đúng thế, một trại hè âm nhạc trong nước thậm chí là quốc tế với những buổi trình diễn, buổi học... chất lượng chính là cách chúng ta “nạp điện” lại, nâng tay nghề cho các em. Trước khi nói về mong ước này, tôi muốn chia sẻ thêm là lâu nay tôi vẫn quan tâm đến những tài năng piano trẻ của nước nhà thông qua việc tặng học bổng cho học sinh Học viện Âm nhạc ở Hà Nội và Huế, giảng dạy, tham gia ban giám khảo các cuộc thi quốc tế, tặng riêng giải thưởng cho ba thí sinh tài năng nhất cuộc thi này...
Hiện nay, tôi đang trực tiếp giảng dạy hai học sinh Việt Nam ở Trường ĐH Montréal tại Canada là Lưu Hồng Quang (giải ba năm 2010) và Vincent Vũ (giải nhì 2010). Vừa rồi, em Quang đã giành giải nhì cuộc thi piano quốc tế tại Đức, còn em Vũ đã tham gia trình diễn trong dàn nhạc nổi tiếng ở Nga và ngày 1, 2-10 này em sẽ trình diễn tại Nhà hát lớn Hà Nội... Ngoài ra, khi có cơ hội, tôi lại tặng học bổng cho các em tham gia các trại hè quốc tế ở Nhật Bản, Hàn Quốc...
Giữa những việc nho nhỏ ấy, tôi đã từng mơ mộng sẽ có được một trường âm nhạc của riêng mình tại Việt Nam. Thế nhưng, qua thực tế, tôi nhận ra mình có thể chơi đàn và giảng dạy tốt chứ không thể tự có được nguồn tài chính khổng lồ để biến mơ mộng thành hiện thực. Vậy nên, tôi lại nghĩ đến việc tổ chức trại hè âm nhạc cho các em.
Tôi từng đi thám thính khắp đất nước và “chấm” được nhiều địa điểm lý tưởng để tổ chức như tại Nha Trang, Hạ Long... Nhưng cuối cùng nhìn lại thì chỉ thấy một mình mình có thể đến đó được chứ còn những cây đàn, học sinh... thì sao? Nghĩa là, tôi vẫn mơ mộng và mong ước sẽ đến một lúc nào đó gặp gỡ được những tâm hồn đồng điệu để có thể cùng hợp tác thực hiện... Biết đâu được đấy! (cười lớn).
* Theo ông, Nhà nước cần quan tâm và đầu tư như thế nào cho những tài năng âm nhạc?
- Bạn hỏi thế làm tôi nhớ lại những tháng ngày tôi được Nhà nước cử đi học tại Nhạc viện quốc gia Tchaikovsky ở Matxcơva (Liên Xô cũ). Ngày ấy, không được Nhà nước đầu tư làm sao có một Đặng Thái Sơn như hôm nay. Nhưng đấy là câu chuyện cách đây gần nửa thế kỷ rồi.
Bây giờ không thể theo cách đầu tư ấy được. Nghĩa là trách nhiệm đầu tư này thuộc về cả Nhà nước và chính mỗi gia đình, mỗi cá nhân cũng như cộng đồng xã hội. Nhà nước vẫn cần đầu tư nhưng phải đầu tư cho hiệu quả - tránh cá mè một lứa. Gia đình thì cần chăm chút, nuôi dưỡng tài năng và năng động tìm kiếm những cơ hội mới cho con em mình không chỉ trong phạm vi quốc gia và toàn cầu.
Đặc biệt, mỗi cá nhân khi đã chọn âm nhạc là niềm hạnh phúc của mình thì cần phải luôn nỗ lực hết mình. Các em đừng thấy giành giải mỗi cuộc thi đã là viên mãn mà hãy coi đó mới chỉ là một chứng chỉ cao cấp để bắt đầu bước vào cuộc đời làm nghệ thuật.
Đêm gala tổng kết cuộc thi piano quốc tế Hà Nội lần thứ ba được tổ chức vào 20g ngày 11-9 sau một tuần diễn ra (từ 4 đến 11-9). Cuộc thi do Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam phối hợp với Hội Âm nhạc Chopin Hà Nội và Công ty du lịch Vietravel tổ chức, với sự tham dự của 55 thí sinh đến từ chín quốc gia và vùng lãnh thổ (Việt Nam, Trung Quốc, Đài Loan, Singapore, Thái Lan, Indonesia, Ukraine, Nhật Bản, Hàn Quốc). Kết quả: giải nhất bảng A thuộc về Nguyễn Lan Anh (Việt Nam - nhỏ tuổi nhất) và Alyssa Kok (Singapore). Hai thí sinh Ngô Phương Vi và Nguyễn Đăng Quang của Việt Nam đồng giải nhất bảng B. Còn thí sinh Yeon Min Park đoạt giải nhất bảng C. Ngoài các giải chính thức, ban tổ chức còn trao các giải phụ gồm: giải của Tổ chức “Nhịp cầu âm nhạc tương lai” Nhật Bản, giải của Hội Âm nhạc Chopin Hà Nội, giải của GS.NSND Đặng Thái Sơn. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận