Bệnh viện dã chiến ở Củ Chi - Ảnh: CÙ KIM CHI
Bệnh viện dã chiến - nghe từ này có vẻ tính chiến đấu cao, nhưng nếu bạn từng ở trong một doanh trại bộ đội thì đó là điều hết sức bình thường.
Một khu nhà hai tầng, cầu thang hai đầu, dãy 5 phòng lớn có thể kê 6-7 giường bệnh.
Ngày 2 lần bác sĩ đi đo nhiệt độ và huyết áp, 6h sáng và 6h chiều. Có các anh bộ đội (đang đi nghĩa vụ quân sự một năm) phụ trách việc lau buồng, dọn rác và mang đồ ăn 3 lần, 6h30, 11h30 và 17h30.
Điều quan trọng nhất ở nơi đây chính là tinh thần, tinh thần và tinh thần.
Từ trong phòng cách ly nhìn ra - Ảnh: CÙ KIM CHi
Mọi người đeo khẩu trang cả khi ngủ, rửa tay liên tục, thậm chí tay lăm lăm bình xịt khử trùng vật dụng trước khi sờ vào. Và ngày đầu tiên ám ảnh nhất là mùi nước tẩy trùng ở khắp mọi nơi.
Khi đã quen với việc phải sinh hoạt trên một cái giường sắt bệnh viện thì việc thích nghi nó trở nên lười biếng. Rất dễ nằm dài cả ngày để ngã vào một bộ phim Hàn đình đám như CLOY mà nghiền liên tục và truy nã bác sĩ khi WiFi không hoạt động, 3G quá yếu.
Ở đây con người có vẻ thể trạng mong manh tới mức chỉ cần nhiệt độ báo 37,5 là đã có thể mất ăn mất ngủ.
Đặc sản nơi đây là nắng nóng, bạn có thể mừng vì tất cả các phòng đều rất thoáng, xua tan virus tích tụ, nhưng nếu đã quen với điều hòa thì hẳn là cực hình.
Tương tự với việc uống đá liên tục, ở đây là thứ xa xỉ. Như lên đồng với cảm giác thèm một ly trà sữa, tất nhiên chỉ để trấn an tinh thần rằng ta đây vẫn ổn
Những bữa ăn ở bệnh viện dã chiến - Ảnh: CÙ KIM CHI
Với nghề tiếp viên hàng không, việc đi lại và tận dụng tình thế thì đây chẳng khác gì một chuyến bay nghỉ dưỡng. 6h dậy ngồi thiền, tập yoga, 7h ăn sáng, pha một tách cà phê rồi đọc báo, sách, truyện.
Khoảng 1-2 tiếng thì đứng lên đi lại chừng 10-15 phút trong phòng. Uống vitamin C, các loại thuốc bổ buổi sáng.
12h ăn trưa, nghỉ trưa một lát, cho phép bản thân xa xỉ khi vào mạng trả lời thăm hỏi động viên của mọi người, tập thể thao tại chỗ như plank-squat để sau 14 ngày với chế độ ăn đúng giờ không tăng cân. Nếu bạn chơi thể thao thì tắm nước lạnh sau khi tập xong là một phần thưởng đáng giá.
Hoạt động giải trí sau bữa tối là hóng gió ngoài khu vực hành lang, có ngày đội bác sĩ đứng dưới sân và bệnh nhân trên tầng 2 thi nhau nhảy điệu Ghen Covy rửa tay chuyên nghiệp, phòng bên quay thành clip gửi về đội truyền thông của đoàn.
Những chiếc xe cứu thương luôn túc trực ở đây - Ảnh: CÙ KIM CHI
Người đi cách ly họ trở nên nhạy cảm với truyền thông, vì họ trở thành người bất lực khi không thể chia sẻ sự kỳ thị của xã hội với người thân tại nhà.
Cá nhân tôi may mắn khi nhận được sự đối xử rất nhân văn của cán bộ y tế khi tới chung cư đưa đi, họ không làm ầm ĩ và chỉ thông báo riêng bảo vệ và gia đình.
Đồng nghiệp tôi nhiều người không có may mắn đó, việc lập hàng rào cách ly, người mặc đồ bảo hộ xuất hiện ngay cạnh nhà bạn khiến tâm trạng mọi người trở nên hoảng loạn.
Bên cạnh đó là việc câu view trên mạng xã hội, những lời nói đầy ác cảm và ghê rợn khiến dịch bệnh ngày càng kinh khủng.
Đối với cá nhân tôi, cách ly không có nghĩa là dương tính, dương tính không có nghĩa là phổi của bạn bị tổn thương, ho hay sốt... có lỡ nhiễm bệnh ít nhất đã có 16 trường hợp khỏi bệnh ra viện rồi. Có gì mình vẫn được chăm sóc từ đội ngũ bác sĩ y tế đầy đủ.
Có lúc tin bên ngoài cũng tác động mạnh tới bên trong phòng cách ly, thời điểm bệnh nhân số 17 dương tính - chúng tôi hiểu vậy là sẽ có thêm nhiều tổ bay nữa sẽ bị cách ly. Công việc có buồn vui tốt xấu, xác định tinh thần trước và động viên lẫn nhau cần chuẩn bị những gì mang theo.
Giường trong bệnh viện dã chiến - Ảnh: CÙ KIM CHI
Vật dụng ai cũng mang theo luôn là điện thoại, iPad và sạc. Còn một thứ ai cũng quên là cách sạc lại năng lượng cho bản thân. Đừng nghĩ 14 ngày là dài, đây là cơ hội cho mình tách ra khỏi cuộc sống hiện tại để sống cho bản thân, hưởng thụ thời gian của riêng mình.
Giá như đám đông có thể bớt việc lên mạng chia sẻ thông tin tiêu cực bằng việc dành thời gian tập thể thao, dọn dẹp nơi ở mình thoáng khí, sạch sẽ.
Tốt đẹp hơn nữa là chia sẻ gánh nặng với hậu phương của đội ngũ bác sĩ, bộ đội tuyến đầu, chia sẻ vật dụng khẩu trang và đồ bảo hộ, găng tay cho họ có phải tốt hơn biết mấy.
Lời động viên đến với những người đang cách ly - Ảnh: CÙ KIM CHI
Ai dám chắc bao lâu nữa dịch bệnh kết thúc?
Chúng ta đều phải lựa chọn: hoặc làm chủ mọi thứ đang xảy ra với cuộc sống quanh ta, hoặc lo tới mức mất ăn mất ngủ. Hoặc sống lành mạnh thưởng thức hiện tại hay bị ô nhiễm bởi tình hình xã hội xấu xí?
Có 10 người chửi rủa vì lỡ mua phải chung cư ở chung những người hành nghề tuyến đầu dễ lây nhiễm như bác sĩ, phi công, tiếp viên thì cũng có 100 người động viên họ cố lên. Đừng để tiêu cực làm bạn mất phương hướng mà quên đi sự đoàn kết, lạc quan sẽ giúp bạn ngày càng mạnh mẽ hơn.
Sau 14 ngày ra khỏi đây, tôi vẫn sẽ xách vali lên đường (nếu còn chuyến để bay). Cuộc sống suy cho cùng vẫn là vận động, đừng để bị tụt lại phía sau. Hãy cùng cầu mong bình an cho tất cả mọi người!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận