13/02/2023 22:23 GMT+7

'Tôi không tin ChatGPT có thể làm được luận văn, luận án'

GS.TS Hoàng Anh Tuấn, hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn - ĐHQGHN, chia sẻ trong phiên thảo luận thuộc tọa đàm “ChatGPT, Trí tuệ nhân tạo - Lợi ích và thách thức đối với giáo dục” do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức chiều 13-2.

Tôi không tin ChatGPT có thể làm được luận văn, luận án - Ảnh 1.

PGS.TS Hoàng Minh Sơn, thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, cùng các diễn giả tham gia phiên thảo luận "Trí tuệ nhân tạo trong bối cảnh đổi mới giáo dục" - Ảnh: NGUYÊN BẢO


Nâng cao vai trò dẫn dắt của người thầy trước cơn sốt ChatGPT

Trong phiên thảo luận, các diễn giả bày tỏ, chia sẻ những góc nhìn riêng. Tuy vậy, đa số ý kiến chung quan điểm: ChatGPT không thể thay thế con người, vai trò dẫn dắt của người thầy, tuy nhiên chắc chắn người thầy phải tự thay đổi.

GS.TS Hoàng Anh Tuấn - hiệu trưởng Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội - chia sẻ với cương vị là một người quản lý một đơn vị giáo dục, một giảng viên, ông đã trực tiếp thử nghiệm ứng dụng ChatGPT để hiểu bản chất ChatGPT là gì.

"Tôi đã đặt ra một câu hỏi giống như đang kiểm tra vấn đáp sinh viên, về căn bản câu trả lời của ChatGPT ở góc độ sinh viên học đại cương tôi sẽ cho sinh viên 9 điểm, nhưng về góc độ chuyên sâu khi tôi hỏi xoáy thêm thì ChatGPT không trả lời thêm được.

Ở thời điểm hiện tại, tôi không tin ChatGPT có thể làm được luận văn, luận án hay công trình nghiên cứu", ông Tuấn chia sẻ.

Tôi không tin ChatGPT có thể làm được luận văn, luận án - Ảnh 2.

GS.TS Hoàng Anh Tuấn - hiệu trưởng Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội - trao đổi tại buổi tọa đàm - Ảnh: NGUYÊN BẢO

Ông Tuấn cho biết thêm trí tuệ nhân tạo tạo ra một yêu cầu thay đổi đồng bộ với những người làm công tác giáo dục. 

Trước thời đại kiến thức mở, nếu những người làm giáo dục vẫn bám theo cách giáo dục cũ như kiến thức đơn lẻ thì học sinh có thể vượt qua thầy về mặt kiến thức thông qua các ứng dụng công nghệ.

"Từ đó, vai trò dẫn dắt của người thầy không thể thay thế, tuy nhiên chắc chắn người thầy phải tự thay đổi. Vấn đề là phải định hướng, thay vì dạy dỗ thì người thầy phải dẫn dắt sinh viên trong bối cảnh ChatGPT nở rộ như hiện nay, yêu cầu dẫn dắt và truyền thụ còn cần cao hơn nữa.

Tôi nghĩ đây là một thách thức và áp lực cần thiết đối với những người làm công tác giáo dục, phải thay đổi trong bối cảnh hiện nay", ông Tuấn nhấn mạnh.

Tương tự, PGS.TS Tạ Hải Tùng - hiệu trưởng Trường Công nghệ thông tin và truyền thông, Đại học Bách khoa Hà Nội - cho biết khi nhà trường đưa công nghệ vào giáo dục thì sẽ hiểu hơn về học sinh và sinh viên của mình, từ đó thiết kế được những bài học thực tế.

Theo ông Tùng, gần đây, một số trường đại học đang có ý định cấm sinh viên sử dụng ChatGPT vì sợ sinh viên dùng ChatGPT để viết các bài luận. 

Ông Tùng đánh giá đây là cách nghĩ khá bảo thủ bởi hiện nay trình độ viết của học sinh trên thế giới nói chung tương đối thấp vì các em đã quen chat với nhau nên từ rất gọn, để viết được một bài luận gần như là không thể.

"Nếu như dùng ChatGPT là khởi đầu, tất cả sinh viên sẽ bắt đầu từ 5 điểm và thầy cô thay vì tranh cãi là đoạn văn này do ChatGPT hay do người viết thì hãy có những trao đổi, thảo luận với các em sinh viên để làm sao bài luận xuất phát từ 5 điểm đó khi có thêm sự sáng tạo của con người nâng lên thành 7-8 điểm.

Như vậy công nghệ sẽ hỗ trợ những người thầy cô hiểu sinh viên hơn, qua đó chúng ta có những nghiệp vụ đào tạo tốt hơn cho sinh viên, công nghệ là tương lai của giáo dục, không đe dọa bất kỳ một ai. Công nghệ đặt ra một yêu cầu chúng ta phải thích ứng với nó", ông Tùng nêu quan điểm.

Cách tốt nhất để hiểu ChatGPT, chính là dùng nó

Tôi không tin ChatGPT có thể làm được luận văn, luận án - Ảnh 3.

PGS.TS Hoàng Minh Sơn - thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo - phát biểu tại buổi tọa đàm

Chia sẻ tại buổi tọa đàm, PGS.TS Hoàng Minh Sơn - thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo - cho biết thời điểm hiện tại là một cơ hội rất lớn mà ngành giáo dục cần phải có những chính sách kịp thời. Trước hết, cần bắt đầu thay đổi nhận thức, cách nhìn nhận và đón nhận những công nghệ mới.

"Chúng ta không quá hào hứng nhưng cũng không quá lo ngại hay hoảng sợ. Cách tốt nhất để hiểu nó, chính là dùng nó", ông Sơn khẳng định.

Thứ trưởng Sơn mong muốn các học sinh, nhà giáo, nhà quản lý giáo dục sử dụng, cảm nhận, trải nghiệm công nghệ để hiểu hơn và cùng thảo luận, tiếp tục làm rõ hơn lợi ích mà ChatGPT mang lại, tương lai phát triển của ChatGPT và những công nghệ khác. Từ đó, các cơ quan quản lý nhà nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cấp ban ngành khác sẽ có những chính sách lâu dài và kịp thời.

Người Việt có chịu chi tiền cho ChatGPT Plus?Người Việt có chịu chi tiền cho ChatGPT Plus?

Cơn sốt ChatGPT lại tiếp tục thu hút sự chú ý của người dùng Việt Nam khi OpenAI công bố mở phiên bản nâng cao ChatGPT Plus cho thị trường Việt Nam với mức phí 20 USD (khoảng 470.000 đồng) mỗi tháng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp