Ý kiến này được nêu lên trong cuộc tiếp xúc cử tri TP.HCM ngày 2-12. Nguyên văn câu nói: “Chắc chắn không phải 1%, tôi không tin. Đảng đã nói trên giấy trắng mực đen là một bộ phận không nhỏ, còn 1% thì đâu có lớn”.
Đúng là tin sao được một con số “đẹp” đến mức nằm mơ cũng chẳng thấy. Con số này có vẻ như rất lạc lõng trước một thực tế không mấy tươi tắn. Tin sao được khi mà người dân không nơi này thì nơi khác vẫn thường phàn nàn hoặc chỉ trích về lề lối làm việc tắc trách, cửa quyền, quan cách, nhũng nhiễu, phiền hà của các “đầy tớ”.
Trách ông Nguyễn Thái Bình là một lẽ, nhưng đáng trách hơn là từ dưới lên trên đều nhất nhất trình ông bộ trưởng con số 1% ấy. Sự đam mê thành tích, thói quen thích nói những lời êm ái khiến sự thật bị bóp méo, hậu quả là đẩy ông bộ trưởng vào tình thế khó xử trước cơn bão của dư luận.
Văcxin Quinvaxem cũng là một điển hình cho chuyện “tôi không tin”. Liên tục trong các năm gần đây, mỗi lần thực hiện chích ngừa là có hàng chục, thậm chí hàng trăm trẻ em nhập viện, tệ hơn nữa có không ít trẻ tử vong một cách khó hiểu. Thế nhưng giới chức năng cứ khăng khăng cho rằng văcxin an toàn, rằng tai biến là do cái này cái nọ, đủ thứ chuyện nhưng dứt khoát không dính líu đến chích ngừa. Liệu cách trả lời của giới chức năng có đúng sự thật? Rất khó giải đáp câu hỏi này, nhưng người dân vẫn có cảm giác trong vụ văcxin Quinvaxem đang ẩn khuất một điều gì đó chưa được đưa ra ánh sáng.
Tương tự, mấy năm qua, hễ mùa mưa bão là miền Trung luôn chìm ngập trong lũ, lũ ngày càng lớn, ngày càng hung hãn. Dân nói tai họa này là do thủy điện phá rừng, xả lũ ồ ạt. Cán bộ địa phương cũng nói y hệt. Nhưng ông thủy điện thì giải thích ngược lại, rằng thủy điện làm đúng quy trình, rằng thủy điện còn tham gia cắt lũ, mọi cái đều do... biến đổi khí hậu. Có điều ông thủy điện quên nói là rừng bị phá hàng ngàn hecta nhưng chỉ trồng lại hơn 3%, quên luôn cả chuyện xả lũ kiểu tháo thân, mạnh ai nấy đua. Chưa kể gần đây nhất là vụ thủy điện An Khê - Kanak chìm trong lũ và gây tai họa cho người dân thị xã An Khê (Gia Lai) nhưng những người có trách nhiệm cứ lặng thinh. Rốt cuộc là thực tế diễn ra một đường, ông thủy điện nói một nẻo, dân chẳng biết tin vào đâu. Dù vậy, khi phân tích về nạn lũ miền Trung, có người vẫn ví von: biến đổi khí hậu mà “biết nói năng” thì... ông thủy điện “hàm răng chẳng còn”.
Nói tới chuyện “tôi không tin” chắc có lẽ nhiều người chưa quên vụ Vinashin đầy tai tiếng. Ngay trong thời huy hoàng, ông “vina” này luôn nằm trong tầm ngắm do bị nghi ngờ báo cáo láo, đặc biệt là trò vung tay quá trán. Cho nên mới có việc thanh tra, kiểm toán “sờ gáy” 11 lần. Kết quả là cả 11 lần đối mặt với các nhà chức trách thì đủ 11 lần Vinashin thoát nạn. Điều đó nói lên cái gì? Cho rằng chưa có chứng cứ nào để chứng minh tiêu cực, nhưng các vị “Bao Công” có liên quan tới vụ Vinashin đã làm niềm tin bị tổn thương nghiêm trọng.
Năm 2013 sắp hết, mùa làm báo cáo đang tới. Trong số hàng ngàn, hàng vạn báo cáo gửi đi khắp nơi, nhiều người đang tự hỏi có bao nhiêu bản báo cáo đáng tin cậy, dám nói thẳng nói thật, bao nhiêu bản báo cáo rặt màu hồng với những lời lẽ khoa trương rỗng tuếch? Nếu chúng ta không mạnh dạn kết thúc cuộc phiêu lưu của những trò ảo thuật, sự thật sẽ bị nhận chìm trong bóng tối, không thể đứng lên thuyết phục niềm tin.
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận