Phóng to |
Ảnh: NGUYỄN KHÁNH |
- Dự thảo Bộ luật lao động (sửa đổi) giữ nguyên số giờ làm việc 48 giờ/tuần nhưng tăng số giờ làm thêm tối đa lên 360 giờ/năm (hiện nay là 200 giờ/năm). Tôi không đồng tình, tôi đề nghị muốn tăng số giờ làm thêm thì phải quy định người lao động làm việc mỗi tuần 44 giờ, tức là được nghỉ chiều thứ bảy và ngày chủ nhật.
Giải trình của ban soạn thảo nói rằng người lao động có nguyện vọng muốn làm thêm. Vì sao họ lại muốn làm thêm? Vì họ đang nhận mức lương quá thấp, không đủ trang trải chi phí gia đình, nhất là người lao động có con nhỏ thì không sống nổi. Người lao động tứ xứ đến khu công nghiệp phải tự thuê nhà, trang trải bao nhiêu thứ, trong khi giá cả tăng liên tục mấy chục tháng qua như vậy thì đồng lương sao đảm bảo được cuộc sống. Khốn khó quá người ta phải xin làm thêm, chứ làm gì có người lao động nào muốn làm quần quật suốt ngày.
"Tôi đề nghị lần này Quốc hội ban hành luật thế nào để lương phải là lương. Lương tối thiểu phải bám sát đời sống tối thiểu, bám sát theo ngành và theo từng khu vực. Lương tối thiểu không phải là con số “chết”, mà phải điều chỉnh dựa theo biến động chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Hằng năm CPI tăng bao nhiêu thì hệ số lương tối thiểu phải tăng tương ứng"
* Thưa ông, như vậy vấn đề bất cập nhất hiện nay là mức lương?- Đúng như vậy, thu nhập thấp quá. Nhiều ông chủ cứ bảo cố gắng làm thêm để kịp giao hàng, tăng thu nhập. Nhưng thực tế thu nhập tăng thêm chẳng là bao, quá đáng thì công nhân mới phải đình công. Đình công hiện nay phần lớn diễn ra ở các doanh nghiệp FDI, vì quy định lương tối thiểu đang quá thấp nên bị lợi dụng. Doanh nghiệp chỉ trả cao hơn mức lương tối thiểu chút đỉnh, sau đó nói là chi thêm các khoản phụ cấp thuê nhà, phụ cấp đi lại, phụ cấp chuyên cần... nhưng thực chất tất cả các khoản ấy chính là lương. Rốt cuộc doanh nghiệp họ được lợi là đóng bảo hiểm xã hội đúng bằng mức lương tối thiểu.
* Hàng ngàn cuộc đình công đã xảy ra trong những năm gần đây nhưng không có cuộc nào do công đoàn đứng ra tổ chức lãnh đạo, ông nghĩ gì về tình trạng này?
- Đúng là các cuộc đình công đều bị coi là chưa hợp pháp so với quy định, nhưng khẳng định hành vi ấy của công nhân là phi pháp thì e rằng hơi vội vàng. Theo thống kê, gần như 100% các cuộc đình công có kết quả là những yêu cầu, đòi hỏi của người công nhân được chủ lao động giải quyết toàn bộ hoặc một phần. Những đòi hỏi của công nhân là bức bách và hợp lý.
Nhiều ý kiến phê phán công đoàn mà không biết rằng nhiều cuộc đình công đã không nổ ra do tổ chức công đoàn nắm bắt tình hình, kịp thời đối thoại với giới chủ và họ đã nghe, tiếp thu. Những nơi xảy ra đình công là do giới chủ không tiếp thu, không giải quyết những yêu cầu chính đáng của công nhân. Cứ hỏi sao công đoàn không tổ chức đình công hợp pháp, tôi xin trả lời ngay rằng để tổ chức một cuộc đình công hợp pháp, con đường đi của quy trình, thủ tục rất dài.
Trước hết là phải đưa ra hội đồng hòa giải cơ sở, nhưng khi mới đưa ra người điều hành doanh nghiệp thường nói ông chủ về nước rồi, chờ ông ấy sang rồi giải quyết. Bước thứ hai là đưa ra trọng tài kinh tế, nhưng ngay bước đầu đã không làm được thì sao đưa ra trọng tài kinh tế được. Một cuộc đình công hợp pháp nếu đi đủ các bước theo thủ tục phải trải qua 27 ngày, mà tình hình thì không chờ đợi lâu được như vậy.
* Một số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật cũng băn khoăn về khoản thu kinh phí công đoàn bằng 2% tổng quỹ lương doanh nghiệp thực trả cho người lao động?
- Trên thực tế tổ chức công đoàn thu kinh phí 2% từ đó đến nay đã trải qua 53 năm, nghị định và thông tư hướng dẫn thi hành Luật công đoàn hiện hành cũng quy định tỉ lệ này. Lần này ban soạn thảo Luật công đoàn (sửa đổi) đề nghị đưa quy định này vào luật tại khoản 2 điều 26:“Kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp đóng bằng 2% tổng quỹ lương thực trả cho người lao động”. Nội dung này cũng đã được Chính phủ tán thành.
* Vậy Luật công đoàn (sửa đổi) và Bộ luật lao động (sửa đổi) lần này có khắc phục được tình trạng trên không?
- Nói tất cả các cuộc đình công sau khi sửa đổi các luật này sẽ đúng trình tự thủ tục của pháp luật là rất khó, vì theo dự thảo thì sửa chương XIV của Bộ luật lao động về đình công chưa triệt để. Như vậy chưa thể giải quyết tận gốc rễ của vấn đề này. Luật quy định chỉ được đình công về lợi ích thôi, không được đình công về quyền, nhưng trong thực tế hai vấn đề này rất khó tách bạch.
Để giải quyết đình công không chỉ dựa vào Luật công đoàn, Bộ luật lao động mà còn cần hàng loạt biện pháp kinh tế - xã hội khác như chính sách tiền lương tối thiểu phải sát thực tế, chính sách nhà ở, nhà trẻ, văn hóa, giáo dục và quan tâm đến đời sống văn hóa, tinh thần... và các nhu cầu khác của người lao động.
* Thưa ông, thẩm tra dự án Luật công đoàn (sửa đổi), một số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật cho rằng “công đoàn không có chức năng đại diện cho người lao động một cách độc lập”, quan điểm của ông như thế nào?
- Từ trước tới nay, các văn bản của Đảng, Nhà nước cũng như Bộ luật lao động, Luật công đoàn hiện hành đều quy định công đoàn có chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng cho người lao động. Trong thực tế Tổng liên đoàn Lao động VN và các cấp công đoàn đã và đang thực hiện chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho công nhân, viên chức, lao động. Mặt khác về lý luận, chức năng đại diện cho người lao động là chức năng bẩm sinh của công đoàn. Chính vì vậy, không có lý do gì để nói rằng nên bỏ chức năng đó đi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận