28/02/2012 11:14 GMT+7

Tội "không chấp hành án": lúc xử, lúc không

THẠNH HƯNG
THẠNH HƯNG

TT - Theo thông tin từ các cơ quan thi hành án, số lượng vụ án không được chấp hành rất nhiều, nhưng số người bị xét xử về tội “không chấp hành án” thì chẳng được bao nhiêu. Tại sao?

V9yQibKS.jpgPhóng to

Hành vi “không chấp hành án” không chỉ gặp ở những vụ án dân sự, như các vụ tranh chấp nhà, đòi nợ, đòi tiền cấp dưỡng cho con, mà còn ở phần dân sự trong vụ án hình sự, như bị cáo phải bồi thường cho nạn nhân, nộp lại số tiền thu lợi bất chính, tiền tham nhũng, hối lộ... Theo thông tin từ nhiều cơ quan thi hành án dân sự, số lượng án không được đương sự chấp hành tồn đọng rất lớn, nhưng có rất ít người bị xử lý hình sự. Vụ anh Nguyễn Văn Định bị Tòa án nhân dân huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang phạt 9 tháng tù về tội không chấp hành án (không nộp tiền cấp dưỡng cho con theo bản án của tòa, sau khi ly hôn - Tuổi Trẻ 21-2) chỉ là một vụ hiếm hoi.

Lý do được đưa ra giải thích là từ năm 1999, tội không chấp hành án đã được quy định thành một tội danh độc lập nhưng đến giờ vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể để các nơi thực hiện thống nhất. Với quy định tại điều 304 Bộ luật hình sự, các cơ quan pháp luật sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự “người nào cố ý không chấp hành bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật mặc dù đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế cần thiết”. Thế nhưng thế nào là “đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế cần thiết” thì chưa rõ.

Ngại va chạm hay do luật?

Trao đổi với chúng tôi, một chấp hành viên cho biết đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế tức là đã bị cơ quan thi hành án kê biên, đấu giá tài sản nhưng đương sự lại tẩu tán để khỏi phải thi hành án (như trong vụ anh Định). Một chấp hành viên khác cung cấp thêm ví dụ: người đã bị cơ quan thi hành án ra quyết định cưỡng chế giao nhà nhưng không chịu giao...

Từ những cách hiểu này, các chấp hành viên đã lập hồ sơ đề nghị khởi tố nhiều người cố ý không giao tài sản đã bị cưỡng chế. Tuy nhiên có rất ít vụ được công an, viện kiểm sát chấp thuận khởi tố và lý do từ chối ít khi được công khai nên chấp hành viên không rõ vướng mắc nằm ở chỗ nào. Người thì nghe nói lý do là “không đủ chứng cứ”, người nghe kể “các cơ quan tố tụng ngại xử sai phải bồi thường”... Từ chỗ có đề xuất cũng không được, nhiều chi cục thi hành án trở nên không mặn mà với biện pháp xử lý hình sự và thường cố gắng chọn giải pháp khác “êm dịu” hơn để đạt được mục đích thi hành án.

Ở TP.HCM cũng như nhiều địa phương khác, số vụ án xét xử tội “không chấp hành án” đếm trên đầu ngón tay. Trong mười mấy năm nay, ở hai quận 10, Tân Bình mỗi quận chỉ có một vụ; quận 5, 9 không có vụ nào. Nhiều chấp hành viên nói vui chỗ họ cũng có nhiều án cấp dưỡng nuôi con bị tắc nhiều năm tương tự như vụ anh Định, nếu xử hình sự được như vụ anh Định thì chắc chỗ họ phải có cả trăm vụ!

Bất nhất

Theo khoản 1 điều 165 Luật thi hành án dân sự, “người phải thi hành án cố ý không chấp hành bản án, quyết định... thì tùy theo tính chất và mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự”.

Tuy nhiên, khoản 5 điều 162 luật này lại quy định việc “tẩu tán... tài sản để không thực hiện nghĩa vụ thi hành án” là một trong những hành vi vi phạm hành chính. Trong khi đó, cũng hành vi tẩu tán tài sản đã bị kê biên, đấu giá lại có thể bị xử lý hình sự theo điều 304 Bộ luật hình sự. Như vậy, hành vi của anh Định phải xử phạt hành chính thì mới đúng hay ngược lại? Cùng cố ý không chấp hành bản án nhưng tiêu chí nào để quyết định người này phải chịu tội, người kia không?

Nói về vụ án “không chấp hành án” duy nhất tại quận mình, ông Đinh Trọng Hưng - chi cục phó Chi cục Thi hành án dân sự quận Tân Bình - nhận xét: “Vụ đó (cưỡng chế trả nợ - chú thích của PV) cũng không có gì nghiêm trọng lắm, số nợ không lớn so với những vụ mà chi cục đã đề xuất nhưng không hiểu sao lại được chọn khởi tố, truy tố xét xử?”.

Xem ra, nếu tiếp tục không có hướng dẫn chi tiết thì yếu tố “tùy theo tính chất, mức độ vi phạm” rất dễ dẫn đến việc ai hên thì xử lý hành chính, ai xui thì hình sự, do hoàn toàn lệ thuộc vào cách đánh giá chủ quan của các cơ quan tố tụng.

Thi hành án huyện Chợ Gạo đã làm sai

Trong vụ án của anh Định, khi đang bụng mang dạ chửa đứa con thứ hai, vợ anh Định đã đi vay được 3 triệu đồng để thi hành một phần bản án. Thế nhưng cơ quan thi hành án lại không nhận số tiền này, viện lẽ “người được thi hành án không lấy thì cơ quan thi hành án không thể nhận vì chẳng biết quản lý số tiền này như thế nào”.

Việc từ chối của Chi cục Thi hành án dân sự huyện là sai quy định. Bởi lẽ theo pháp luật về thi hành án dân sự, nếu người vợ cũ của anh Định không chịu nhận trước một phần tiền thì cơ quan thi hành án có thể gửi tiền này vào ngân hàng.

Một cái sai nữa là ở khâu kê biên tài sản (chiếc xe máy và hai con bò) trong nhà anh Định. Đối với chiếc xe là tài sản chung của vợ chồng anh Định, chấp hành viên đã bỏ qua quyền lợi của người vợ khi không xác định ½ giá trị xe là của chị, để chị có thể nhận lại phần sở hữu của mình sau khi đấu giá xong. Đối với hai con bò, mẹ vợ anh Định nói đó là bò bà cho nuôi rẽ (tức con bò vẫn là tài sản của bà, anh Định chỉ bỏ công sức nuôi và được chia lợi). Trong trường hợp này, chấp hành viên phải giải thích, chỉ dẫn cặn kẽ về quyền và thời hạn khởi kiện của bà để gia đình bà không phải tốn công đi khiếu nại.

Những cái sai nói trên của thi hành án đã góp phần đẩy vụ việc của anh Định đi xa quá mức.

THẠNH HƯNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp