Trong một năm đó, Thủy cũng sáng lập và nuôi dưỡng một dự án đồng hành với người bệnh ung thư ở Việt Nam đặt theo biệt danh của mình - Sáng kiến ung thư Muối (Salt Cancer Initiative - SCI).
Muối đã 3 lần khởi nghiệp, có cả thất bại và thành công. Cô tiếp tục mang tinh thần "không bao giờ bỏ cuộc" đó vào cuộc chiến với bệnh tật và vào SCI. Lần này, mục tiêu không phải là là "có một công ty để bán" mà là "bạn không phải chống chọi với ung thư một mình nữa".
"Là một kỹ sư, tôi thích bắt đầu mọi thứ, đếm từ số 0. Nhưng lần này không phải là công việc, hôm nay tôi dùng số 0 để đánh dấu ngày đầu tiên trong cuộc chiến với ung thư". Tôi đã viết như thế trong nhật ký của mình. Tôi không đếm ngược thời gian mình còn sống, tôi đếm số ngày mình đã chiến đấu.
Trương Thanh Thủy
Trương Thanh Thủy trong các hoạt động tại Việt Nam tháng 9-2017 - Video: VŨ THỦY
Tôi là người may mắn
* Khi nhận thông báo "ung thư giai đoạn cuối", Thủy đã nghĩ gì?
Tôi rất sốc. Tôi tập thể dục hàng ngày, không hút thuốc, xung quanh không có người hút thuốc, thật kỳ lạ khi bị bệnh đó. Tôi nghĩ mình không làm cái gì để bị bệnh ung thư cả.
Tôi lên mạng tìm kiếm "ung thư phổi giai đoạn cuối". Internet bảo bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn cuối thường chỉ sống được 8 tháng. Tôi tự bảo thật ra internet cũng không biết nó nói gì đâu, website cũng do con người viết. Tự mình lên đó viết sống được 80 năm thì cũng được vậy (cười).
* Có lúc nào Thủy muốn buông xuôi?
Những cơn đau đớn hành hạ hàng đêm, tôi đã rất sợ nhưng tôi không biết cảm giác buông xuôi như thế nào nên tôi không nghĩ mình có cảm giác đó.
Tôi đã làm được những việc trước đó chưa bao giờ nghĩ sẽ làm được: lập công ty, bán công ty du lịch vòng quanh thế giới, tham gia sản xuất phim, xuất bản sách. Tôi chưa bao giờ ước nhà đẹp, xe đẹp, tôi chỉ ước mơ trải nghiệm nhiều. Tôi nghĩ trong 30 năm qua, tôi đã trải nghiệm rất nhiều. Tôi chẳng tiếc gì nữa.
* Đó có phải chỉ là câu nói tự động viên?
Cuộc đời tôi tính ra may mắn hơn rất nhiều người. Khi đặt chân đến Mỹ, biết tin mình có bảo hiểm, tôi vô cùng mang ơn vì không có thì không trả nổi viện phí. Tôi có thể uống thuốc thay vì hóa trị, xạ trị, cũng là may mắn.
Khi tập trung vào những điều mình cảm thấy may mắn thì những điều không may tự nhiên không còn quan trọng nữa.
Thủy Muối (bìa phải) trong lần về Việt Nam gần đây, ngồi trong rạp với cộng đồng SCI của mình xem bộ phim Cô gái đến từ hôm qua, bộ phim đầu tiên cô tham gia với vai trò nhà sản xuất nhưng đóng máy đúng cái ngày cơn đau dữ dội đầu tiên ập đến với cô - Ảnh: VŨ THỦY
Để không ai phải một mình chiến đấu với ung thư
* SCI có giống một dự án khởi nghiệp?
Mỗi lần khởi nghiệp là mỗi lần nhận ra một nhu cầu, vấn đề của cuộc sống, xã hội và ý tưởng để giải quyết vấn đề đó. Ý tưởng của SCI là giúp người bệnh ung thư Việt Nam hiểu rõ hơn căn bệnh của mình, giúp họ trải nghiệm, sẻ chia, để không ai phải một mình đơn độc chiến đấu với ung thư.
Khác là lần này tôi không lập một công ty. Đây là một dự án cộng đồng, những hoạt động hàng tuần, hàng tháng, hàng năm để người bệnh ung thư kết nối, chia sẻ, truyền lửa cho nhau, giúp đỡ lẫn nhau.
SCI tổ chức các buổi trò chuyện của các chuyên gia, bác sĩ chuyên về ung thư, giải đáp thắc mức băn khoăn cho người bệnh. SCI có những lớp yoga, lớp thiền, lớp học cho bệnh nhi..., mang đến những trải nghiệm đơn sơ, dù có là lần duy nhất trong đời.
* Nàng Muối của hiện tại là người thế nào?
Mang bệnh ung thư là suốt đời sống, chiến đấu với nó. Giai đoạn đầu điều trị, tôi không ăn được, không đi được, không nói được trong ba tuần. Thịt, rau đều phải bỏ vào máy xay sinh tố. Lúc đó tôi tự hỏi là nếu phải bỏ tất cả mọi thứ vào xay để uống thì mình có sẵn sàng tiếp tục sống không? Câu trả lời là chỉ cần một cái máy xay sinh tố xịn (cười).
Bởi vì còn sống tôi còn làm được nhiều việc. Hôm nay tôi vẫn bay về giữa Mỹ và Việt Nam, đi những nơi tôi muốn đi. Tôi vẫn ngồi đây, nói chuyện được, ăn được những món tôi muốn. Tôi cảm thấy mình được sống lại lần nữa.
Trương Thanh Thủy (phải) trong một hoạt động thể chất của SCI - Ảnh: VŨ THỦY
Sinh ở Biên Hòa, học xong cấp 3 Trương Thanh Thuỷ theo gia đình sang Mỹ định cư và tốt nghiệp ĐH Nam California. Năm 2008, Thủy về Việt Nam khởi nghiệp với chuỗi cửa hàng sữa chua đông lạnh, tiếp đến là một công ty về công nghệ thông tin.
Năm 2014, Thủy cùng cộng sự cho ra đời ứng dụng Tappy - tìm và kết nối với những người xung quanh, biến những địa điểm tổ chức sự kiện thành cộng đồng cho phép mọi người trò chuyện, trao đổi. Tappy được Weeby - một công ty game di động có trụ sở tại thung lũng Silicon - mua lại bởi với mức giá "7 con số".
Thủy được báo chí quốc tế tặng danh hiệu "Nữ hoàng khởi nghiệp" và được Forbes Việt Nam vinh danh trong danh sách "30 Under 30" (30 nhân vật xuất sắc tuổi dưới 30) năm 2015.
Trương Thanh Thủy chia sẻ về CancerBase - một dự án cộng đồng về ung thư mà Thủy đang cùng tham gia tại Mỹ - trong lần về Việt Nam gần đây - Ảnh: VŨ THỦY
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận