20/05/2020 09:07 GMT+7

Tối hậu thư của Mỹ hâm nóng Hội nghị Đại hội đồng Tổ chức Y tế thế giới

D.KIM THOA
D.KIM THOA

TTO - Trước giờ biểu quyết điều tra về phản ứng toàn cầu với COVID-19, Tổ chức Y tế Thế giới trở thành tâm điểm của truyền thông thế giới khi nhận "tối hậu thư 30 ngày" của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Tối hậu thư của Mỹ hâm nóng Hội nghị Đại hội đồng Tổ chức Y tế thế giới - Ảnh 1.

WHO và lãnh đạo tổ chức này - ông Tedros Adhanom Ghebreyesus - trở thành tâm điểm của Hội nghị Đại hội đồng Tổ chức Y tế thế giới diễn ra ở Thụy Sĩ. Trong ảnh: ông Tedros phát biểu tại hội nghị ngày 18-5 - Ảnh: Reuters

Ngay sau khi 122 quốc gia ủng hộ dự thảo nghị quyết đề xuất mở cuộc điều tra độc lập về đại dịch COVID-19 do Úc và EU đề xuất hôm 18-5, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đồng ý triển khai thực hiện đánh giá toàn diện "vào thời điểm thích hợp sớm nhất".

Tối 19-5 (giờ Việt Nam), tại Hội nghị Đại hội đồng Tổ chức Y tế thế giới (WHA) - cơ quan hoạch định chính sách của WHO - diễn ra ở Geneva, Thụy Sĩ, tất cả 194 quốc gia thành viên của WHO đã nhất trí thông qua nghị quyết điều tra về phản ứng toàn cầu với COVID-19. 

Cuộc điều tra này sẽ xem xét "các bài học rút ra" từ công tác điều phối chống dịch của WHO, tuy nhiên sẽ không đi sâu xem xét các vấn đề gây tranh cãi như nguồn gốc của virus corona chủng mới.

Trước giờ biểu quyết, Tổ chức Y tế Thế giới trở thành tâm điểm của truyền thông thế giới khi nhận "tối hậu thư 30 ngày" của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Dọa rút Mỹ khỏi WHO

Từ Washington, ngày 19-5 (giờ Việt Nam), ông Trump chỉ trích WHO thậm tệ và cho biết đang cân nhắc cắt giảm khoản tài trợ cho WHO từ 450 triệu USD mỗi năm xuống còn 40 triệu USD. Ông Trump cũng chia sẻ đồng thời trên hai tài khoản Twitter và Facebook của ông bức thư dài 4 trang đề ngày 18-5 (giờ địa phương) gửi đích danh cho Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus.

"Họ đã cho chúng ta rất nhiều lời khuyên tồi, những lời khuyên khủng khiếp" - tổng thống Mỹ nói. "Họ đã sai quá nhiều và luôn đứng về phía Trung Quốc" - ông Trump cáo buộc WHO.

Trong thư gửi tổng giám đốc WHO, ông Trump nói với ông Tedros rằng: "Rõ ràng những sai lầm do ông và tổ chức của ông mắc phải trong cách ứng phó với đại dịch đã gây tổn thất cực lớn cho thế giới. Cách duy nhất với WHO lúc này là thực sự chứng tỏ sự độc lập với Trung Quốc".

Ông Trump nhắn gửi thêm trong lá thư rằng, trừ khi WHO cam kết "tiến hành những cải tổ lớn trong vòng 30 ngày tới", còn không ông sẽ cắt vĩnh viễn nguồn tài trợ (vốn đang tạm dừng để điều tra) cho WHO và xem xét việc rút Mỹ khỏi WHO.

Đây dĩ nhiên không phải lần đầu tiên ông Trump chỉ trích tổng giám đốc WHO. Tổng thống Mỹ đã nhiều lần công kích WHO, cáo buộc tổ chức y tế của Liên Hiệp Quốc đã giúp Trung Quốc che giấu quy mô đại dịch COVID-19 trong những giai đoạn đầu tiên.

Cũng trong ngày 19-5, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lên tiếng phản bác "tối hậu thư" của ông Trump. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên tuyên bố lá thư do Tổng thống Trump gửi tới tổng giám đốc WHO là "vu khống".

"Lá thư do lãnh đạo Mỹ công bố đầy những cụm từ gợi ý, có thể, có khả năng và đang cố gắng đánh lạc hướng dư luận thông qua phương pháp tuyệt vời này. Mục tiêu là để bôi nhọ và nói xấu các nỗ lực nhằm ngăn chặn dịch bệnh của Trung Quốc, đồng thời đùn đẩy trách nhiệm trong cách xử lý dịch bệnh yếu kém của nước này" - ông Triệu tuyên bố trong buổi họp báo thường kỳ.

Ngoài ra, ông Triệu cũng cho rằng Mỹ đang vi phạm nghĩa vụ quốc tế khi quyết định ngừng đóng góp cho WHO.

Tối hậu thư của Mỹ hâm nóng Hội nghị Đại hội đồng Tổ chức Y tế thế giới - Ảnh 2.

Nguồn: ANH THƯ - WHO - Đồ họa: T.ĐẠT

2 tỉ USD của Trung Quốc bị "soi"

Chủ tịch Tập Cận Bình nói Trung Quốc ủng hộ ý tưởng tiến hành đánh giá toàn diện về cách phản ứng của toàn cầu với đại dịch COVID-19, nhưng cho biết thêm rằng nước này chỉ đồng ý đánh giá sau khi đã kiểm soát được dịch và việc đánh giá nên "dựa trên khoa học và sự chuyên nghiệp do WHO lãnh đạo và phải được tiến hành một cách khách quan, vô tư".

Trong những diễn biến chính tại hội nghị trực tuyến của WHA năm nay trong 2 ngày 18 và

19-5, giới quan sát chỉ ra những tín hiệu đáng chú ý. Một trong số ấy là việc Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố Trung Quốc sẽ góp 2 tỉ USD hỗ trợ công tác ứng phó dịch bệnh và vực dậy nền kinh tế tại các nước đang phát triển trong bài phát biểu quan trọng phiên khai mạc hội nghị WHA.

Theo ông Tập, khoản tiền này sẽ được đóng góp trong vòng 2 năm. Năm ngoái Trung Quốc đóng góp khoảng 86 triệu USD cho WHO. Chủ tịch Trung Quốc cho biết trong những tuần gần đây nước này cũng đã gửi trang thiết bị y tế tới hơn 50 nước châu Phi và 46 nhóm nhân viên y tế của Trung Quốc hiện đang có mặt tại châu lục này để hỗ trợ các chính quyền sở tại.

Theo báo New York Times, khoản cam kết đóng góp thêm 2 tỉ USD của Trung Quốc nhiều gấp 2 lần số tiền Mỹ đã chi cho WHO trước khi ông Trump tuyên bố tạm dừng cấp ngân sách cho cơ quan này, và có thể đưa Trung Quốc trở thành quốc gia đứng đầu trong chiến dịch chống COVID-19 toàn thế giới.

Tuy nhiên, giới quan sát có những nhận định trái chiều về đóng góp này. Người phát ngôn của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ John Ullyot cho rằng khoản đóng góp Trung Quốc vừa công bố "là bằng chứng nhằm phân tán (dư luận - PV) khỏi những kiến nghị của ngày càng nhiều nước yêu cầu Chính phủ Trung Quốc phải chịu trách nhiệm trong việc không thực hiện các cam kết của họ".

Ông Ullyot cũng nói vì Trung Quốc là nơi khởi phát dịch bệnh nên họ "chịu trách nhiệm đặc biệt phải trả nhiều hơn và cho đi nhiều hơn".

Thông điệp của Việt Nam

Tối 19-5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được mời phát biểu tại Hội nghị Đại hội đồng Tổ chức Y tế thế giới theo hình thức trực tuyến.

Thủ tướng đã chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam trong phòng chống dịch COVID-19, với phương châm "chống dịch như chống giặc", cũng như việc Chính phủ chấp nhận "hi sinh lợi ích kinh tế trong ngắn hạn để bảo vệ sức khỏe, sự an toàn của người dân". Nhờ đó, đến nay Việt Nam - quốc gia với gần 100 triệu dân - chỉ có 324 người mắc COVID-19 và chưa có người tử vong. Hôm nay là ngày thứ 33 Việt Nam không ghi nhận ca nhiễm mới trong cộng đồng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng khẳng định tinh thần đoàn kết, hợp tác quốc tế mạnh mẽ để cùng các nước vượt qua đại dịch COVID-19.

Các cáo buộc trong "tối hậu thư"

- WHO đã "liên tục phớt lờ những báo cáo đáng tin cậy về sự lây lan của virus corona tại Vũ Hán hồi đầu tháng 12-2019 hoặc thậm chí sớm hơn nữa", trong đó có các báo cáo đăng trên tạp chí y khoa Lancet.

- WHO đã không tiến hành điều tra độc lập các báo cáo đáng tin cậy có nội dung xung đột trực tiếp với những thông tin do Chính phủ Trung Quốc cung cấp.

- Đài Loan đã sớm gửi báo cáo tới WHO để cảnh báo sự lây nhiễm từ người sang người của chủng virus mới nhưng đã bị WHO cố tình phớt lờ.

- WHO nhiều lần đưa ra những tuyên bố sai lệch về virus corona chủng mới hoặc rất thiếu chính xác, hoặc lừa dối dư luận, bao gồm tuyên bố ngày 14-1-2020, trong đó WHO tái khẳng định tuyên bố của Trung Quốc nói rằng virus corona không thể lây nhiễm từ người sang người, một điều mà tới giờ đã được chứng minh là sai.

- Ngày 21-1-2020, dưới sức ép của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, WHO đã không tuyên bố tình trạng khẩn cấp với dịch COVID-19 và chỉ 1 tuần sau đó mới thay đổi quyết định này vì không thể bác bỏ các chứng cứ quá thuyết phục.

Trung Quốc tố Mỹ Trung Quốc tố Mỹ 'vu khống' WHO để trốn trách nhiệm với COVID-19

TTO - Trung Quốc ngày 19-5 đã phản ứng lại việc Tổng thống Mỹ Donald Trump ra tối hậu thư cho Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cho rằng Mỹ đang cố trốn trách nhiệm trong việc xử lý dịch bệnh COVID-19.

D.KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp