13/07/2023 05:30 GMT+7

Tôi gửi hồn vào lá cờ Tổ quốc giữa Trường Sa

Họa sĩ Nguyễn Thu Thủy - người thực hiện lá cờ gốm ở Trường Sa - rất xúc động khi chứng kiến tình cảm nồng nhiệt, lớn lao của nhiều người Việt mấy ngày qua với đất nước, với chủ quyền biển đảo.

Họa sĩ Thu Thủy khi thi công lá cờ gốm trên đảo Trường Sa Lớn - Ảnh: NVCC

Họa sĩ Thu Thủy khi thi công lá cờ gốm trên đảo Trường Sa Lớn - Ảnh: NVCC

Đặc biệt, khi lá cờ Tổ quốc thiêng liêng bằng gốm sứ trên mái nhà hội trường đảo Trường Sa Lớn "đột nhiên biến mất" trên ứng dụng của Google. Đó là tác phẩm gửi gắm tấm lòng của một người con Việt với Tổ quốc, với Trường Sa, cũng là tấm lòng chung của mọi người Việt.

Tình yêu nước luôn gắn kết người Việt. Khi chủ quyền Tổ quốc bị xâm phạm thì tất cả người Việt sẽ cùng nhau hành động để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng ấy.

Từ Hà Nội, họa sĩ Thu Thủy - người đã thực hiện nhiều dự án tôn vinh chủ quyền biển đảo, chủ quyền đất nước - xúc động nhớ về những dự án tâm huyết của mình.

Chủ quyền Tổ quốc nhìn từ trên không

Năm 2011, một năm sau khi hoàn thành "Con đường gốm sứ" nổi tiếng ở Hà Nội, họa sĩ Thu Thủy có dịp đến với quần đảo Trường Sa.

Lần đầu ra với khúc ruột xa xôi mà gần gụi của nước Việt, đứng trước biển cả bao la và tình người ấm áp, chị thấy niềm tự hào dân tộc dâng tràn. Chính lúc ấy, hình ảnh lá cờ Tổ quốc lớn như hiện ra trước mắt chị.

Ý tưởng làm lá cờ Tổ quốc bằng những mảnh gốm mosaic tại Trường Sa bắt đầu từ đó. Phải là gốm, bởi chỉ có sự bền bỉ của chất liệu này mới chịu được nắng gió Biển Đông để bền vững cùng thời gian.

Hơn nữa, chị Thủy còn muốn đó phải là một lá cờ đủ lớn để mọi người có thể dễ dàng nhìn thấy khi máy bay bay ngang nơi này hoặc nhìn được qua ảnh vệ tinh trên các ứng dụng của Google, Apple..., để chủ quyền Việt Nam tại Trường Sa được khẳng định thêm từ một chiều không gian khác: trên không.

Ý tưởng đẹp lập tức nhận được sự ủng hộ của Bộ tư lệnh Quân chủng Hải quân. Những ngày khảo sát tìm địa điểm khá thuận lợi khi chị Thủy chọn được nóc nhà hội trường tại trung tâm của đảo có kích thước 15x20,8m, đúng theo tỉ lệ tiêu chuẩn của quốc kỳ Việt Nam là chiều rộng bằng hai phần ba chiều dài.

100 kiện gốm đã đi gần 2.000km từ Bắc vào Nam bằng tàu hỏa, bằng ô tô rồi tiếp tục theo năm chuyến tàu biển của hải quân vượt biển để cập đảo Trường Sa Lớn. 

Có những khi gió lớn, tàu không thể cập được vào cầu cảng Trường Sa. Các chiến sĩ ở đảo phải vận chuyển bằng xuồng.

Bao nhiêu ân tình từ đất liền thương yêu đã được gói cùng từng viên gốm nung bởi đất sông Hồng ra với khúc ruột Trường Sa.

Hai tháng miệt mài, mọi người cùng làm việc ngày đêm tại Trường Sa, trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt. Khi gắn xong viên gốm cuối cùng của lá cờ Tổ quốc, tất cả những người có mặt đều rưng rưng.

Một cột mốc chủ quyền được gắn thêm tại vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc. Lá cờ không chỉ được nhìn thấy rõ ràng từ trên không, mà với thiết kế độ dốc 5 độ, tàu từ phía xa cũng có thể nhìn thấy lá cờ.

Lá cờ rực sắc thắm rộng 310m2 hoàn thành vào tháng 6-2012 nổi bật giữa hòn đảo thiêng liêng, giữa biển trời xanh thẳm, nặng 3,5 tấn có kích thước 12,40x25m ghép từ 310.000 viên gốm mosaic được trao kỷ lục "Lá cờ Tổ quốc bằng gốm lớn nhất Việt Nam".

Nhưng có một điều còn lớn hơn thế ở lá cờ này trong lòng mỗi người Việt: đó là chủ quyền biển đảo thiêng liêng.

Họa sĩ Thu Thủy cùng các chiến sĩ Trường Sa bên bức tranh gốm ở cột mốc chủ quyền ở trung tâm đảo Trường Sa Lớn - Ảnh: NVCC

Họa sĩ Thu Thủy cùng các chiến sĩ Trường Sa bên bức tranh gốm ở cột mốc chủ quyền ở trung tâm đảo Trường Sa Lớn - Ảnh: NVCC

Lời nhắn gửi Google của người 5 lần ra Trường Sa

Sau lá cờ đặc biệt, họa sĩ Thu Thủy tiếp tục làm tấm bản đồ Việt Nam bằng gốm sứ để đặt tại Trường Sa Lớn. Lần này, các nghệ nhân Bát Tràng đã dùng kỹ thuật in trên gốm nặng lửa để in từng địa danh, từng tên đảo, bán đảo, bãi cạn, bãi ngầm suốt dọc chiều dài của vùng biển Việt Nam.

88 mảnh gốm với hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa cùng các hòn đảo khác dọc chiều dài lãnh thổ Việt Nam được hoàn thành, chính xác từng chi tiết nhỏ, để ghép thành bản đồ Việt Nam tại nhà khách Thủ Đô của đảo.

Ngoài ra, họa sĩ Thu Thủy và các cộng sự còn thể hiện bốn bức tranh gốm đặt hai bên tường cạnh cột mốc chủ quyền trung tâm Trường Sa.

Các bức tranh ca ngợi hình ảnh người chiến sĩ hải quân cùng ước vọng hòa bình của dân tộc Việt Nam, những hình ảnh thân thuộc, nét đẹp của thiên nhiên đất nước đã hiện diện nơi đảo xa nhờ công sức, ý tưởng của chị Thủy.

Năm 2014, họa sĩ Thu Thủy tiếp tục thực hiện bức tranh gốm Trường Sa - sức mạnh Việt Nam đặt tại cầu cảng đảo Trường Sa Lớn. Năm 2016, chị thiết kế công trình Công viên Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở đảo Sơn Ca.

Từ những dự án tâm huyết với Trường Sa, những kỷ niệm cảm động của năm lần ra với quần đảo này, Trường Sa đã trở thành một phần rất thiêng liêng trong họa sĩ Thu Thủy.

Nơi đảo xa ấy với chị chính là nhà như trong những vần thơ tha thiết chị viết khi nhớ Trường Sa: "Tôi gửi hồn vào lá cờ Tổ quốc/ Giữa Trường Sa lấp lánh ánh bình minh/ Yêu Trường Sa, tôi càng yêu đất nước/ Nhớ Trường Sa! Từng mạch đập, tim mình!...

Hỏi về việc mấy ngày nay Google Maps và Google Earth không hiển thị rõ hình ảnh cờ Việt Nam tại Trường Sa, họa sĩ Thu Thủy cho biết: 

"Tôi tin rằng trước những phản ánh của báo chí Việt Nam và đại diện Google Việt Nam, bộ phận kỹ thuật của Google Maps quốc tế sẽ sớm cập nhật hình ảnh rõ nét hơn lá cờ đỏ sao vàng trên Google Maps và Google Earth.

Chúng ta cùng theo dõi sự cập nhật mới nhất của họ và chúng ta sẽ cùng tự hào khi nhìn thấy lại lá cờ đỏ sao vàng thắm tươi ở đảo Trường Sa Lớn trên các ứng dụng của Google".

Từ sông Hồng ra "khúc ruột" Trường Sa

Trước sự việc quốc kỳ Việt Nam ở Trường Sa "biến mất" trên Google, sáng 12-7, Tuổi Trẻ đã trao đổi với nghệ nhân ưu tú - nhà ghép gốm Nguyễn Quý Sơn (giám đốc Công ty cổ phần gốm sứ Quang Minh) về chất liệu gốm sứ đặc biệt được sử dụng cho công trình "Lá cờ Tổ quốc bằng gốm lớn nhất Việt Nam".

Ông Sơn cho biết chất liệu gốm phủ men nặng lửa được sử dụng để ghép cờ Tổ quốc trên đảo Trường Sa dù môi trường có khắc nghiệt thế nào thì vẫn đảm bảo lâu bền, vững vàng theo thời gian.

"Gốm được nung ở nhiệt độ rất cao đến 1.230 độ C. Khi nung ở nhiệt độ cao sẽ có độ kết khối vững chắc, sương - men gắn liền với nhau như một thể đặc phù hợp với nhiều môi trường. Cho nên dù môi trường có khắc nghiệt đến thế nào cũng đảm bảo đến hàng ngàn năm không thể phai, bạc màu, đảm bảo bền vững với thời gian. Đó là điểm đặc biệt nhất của gốm Bát Tràng" - ông Sơn nói.

Nghệ nhân nhớ lại từ thời điểm kết hợp với họa sĩ Thu Thủy trong dự án "Con đường gốm sứ" tạo tiếng vang lớn, gốm Bát Tràng đã có mặt trên khắp mọi miền Tổ quốc, ứng dụng vào nhiều công trình tiêu biểu, công trình công cộng, cảnh quan của đất nước.

Nhưng vinh dự hơn cả là khi gốm Bát Tràng của vùng đất sông Hồng đã được mang ra "khúc ruột" Trường Sa thân yêu.

"Tôi cảm thấy vinh dự, tự hào vì lá cờ được làm bằng sản phẩm gốm Bát Tràng. Tôi mong thế hệ con cháu sau này đều có thể được chiêm ngưỡng hình ảnh đẹp đẽ, thiêng liêng trên đảo Trường Sa, khơi dậy lòng yêu nước, góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền của đất nước" - ông chia sẻ.

Nguồn tin của Tuổi Trẻ từ Quân chủng Hải quân cho biết sau khi có thông tin quốc kỳ Việt Nam "biến mất" trên Google, đơn vị khẳng định quốc kỳ Việt Nam vẫn hiện diện trên đảo Trường Sa.

Yêu cầu Google nhanh chóng khắc phục hình ảnh quốc kỳ Việt Nam tại Trường SaYêu cầu Google nhanh chóng khắc phục hình ảnh quốc kỳ Việt Nam tại Trường Sa

Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử đề nghị Google nhanh chóng khắc phục hình ảnh quốc kỳ Việt Nam tại Trường Sa.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp