12/06/2010 06:30 GMT+7

Tôi đi thanh toán bảo hiểm y tế

TRÚC LY (TP.HCM)
TRÚC LY (TP.HCM)

TT - Mẹ tôi 87 tuổi, bệnh nặng, phải vào cấp cứu tại Bệnh viện Nhân Dân Gia Định ngày 28-4-2010. Trong lúc tinh thần bấn loạn, không ai nhớ thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) của bà nằm ở đâu.

Đến ngày xuất viện, thấy số tiền viện phí phải thanh toán lên tới trên 20 triệu đồng, tìm được thẻ thì lúc bấy giờ bệnh viện (BV) không chịu thanh toán nữa.

Phường xác nhận bệnh?

BV chỉ sang Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP.HCM. Sau khi nộp hồ sơ để xin thanh toán lại viện phí, tôi được nơi đây hướng dẫn hai tuần sau khi đến nhận kết quả giải quyết nhớ mang theo chứng minh nhân dân và giấy ủy quyền của mẹ tôi.

Tôi trình bày mẹ tôi bị tai biến mạch máu não, không còn nói, nghe, đi lại được nên không thể ra phường để ký giấy ủy quyền. Cô nhân viên tại quầy 31 nói tôi phải làm đơn đề nghị UBND phường xác nhận tình trạng bệnh của mẹ tôi. Tôi cố gắng thuyết phục cô nhân viên, đưa cô xem lại giấy xuất viện của BV, trong đó ghi rõ căn bệnh của mẹ tôi, vả lại ủy ban phường đâu có chức năng xác nhận tình trạng bệnh.

Tuy nhiên, cô nhân viên vẫn nói cần giấy của phường vì thủ tục quy định vậy rồi. Tôi kể thêm với cô rằng năm ngoái, khi nhà tôi xin nhập hộ khẩu cho người em dâu, phường đã không giải quyết vì mẹ tôi (đứng chủ hộ) không ký được, mà theo thủ tục không ai khác ngoài chủ hộ ký bảo lãnh được cho trường hợp này. Hỏi vậy chẳng lẽ không có cách nào giải quyết thì phường nói chỉ có nước đợi mẹ tôi chết mà thôi! Tôi kể chuyện này, trong bụng thầm mong có được chút chia sẻ từ phía cô nhân viên, nhưng cô lại tưởng tôi chưa rõ nên giải thích: “Chị không phải xin giấy ủy quyền của phường mà là giấy xác nhận bệnh”.

Tôi biết ủy ban phường sẽ không chịu xác nhận nên hỏi cô nhân viên có thể cho tôi biết theo quy định, những trường hợp quên thẻ như mẹ tôi được thanh toán bao nhiêu phần trăm, định bụng nếu ít quá thì bỏ luôn cho rồi, cô nhân viên nói “không biết”.

Y như điều lo sợ của tôi, UBND phường nói họ không có chức năng xác nhận tình trạng bệnh, rằng “chắc chị đã nghe nhầm hướng dẫn của BHXH”. Phường chỉ xác nhận mẹ tôi “hiện đang hưởng trợ cấp người cao tuổi theo nghị định 67/CP tại địa phương”. Ngày 7-6-2010, tôi quay lại BHXH TP.HCM để nộp giấy, một cô nhân viên khác tại quầy 31 lại yêu cầu tôi nộp thêm bản sao hộ khẩu, có tên mẹ tôi và tôi cùng một hộ khẩu.

Trời ạ! Hết chịu đựng nổi, tôi lớn tiếng hỏi sao lần trước không hướng dẫn luôn giúp tôi để tôi phải đi lại nhiều lần thế này. Tôi đề nghị cô cho biết mẹ tôi được thanh toán bao nhiêu. Cô trả lời: “Một triệu hai” và nói vì số tiền ít như vầy nên cô sẽ du di, giải quyết cho tôi nhận, chứ đúng ra phải đầy đủ thủ tục.

Hành chính cũng phải vì con người

“Nhà nước đã có quy định chữa bệnh miễn phí cho người già thì người già nào trên 85 tuổi (xác nhận bằng giấy chứng minh nhân dân) vào BV cứ thanh toán cho người ta, bởi vì người ta có mất thẻ, chưa làm thẻ hay không có hộ khẩu... gì đi nữa thì cũng thuộc diện được miễn viện phí” - chú hàng xóm tôi buột miệng nói khi thấy cảnh tôi khốn khổ đi làm thủ tục. Câu nói của chú hàng xóm làm tôi “sáng” ra để có ý tưởng viết bài này.

Thật vậy, đã không ít lần tôi chứng kiến ở các BV những ông bố, bà mẹ bồng con nhỏ xíu đứng khóc ròng khi không có thẻ BHYT hoặc quên mang theo. Một người mẹ trẻ đứng năn nỉ trước phòng xét nghiệm BV rằng cứ cho con của chị thử máu trước đi rồi chị về nhà mang thẻ lại sau, nhưng cô y tá khăng khăng phải có thẻ mới làm hồ sơ.

Bạn tôi ở Hà Nội cho biết hai đứa bé con của chị chưa bao giờ được hưởng chế độ BHYT. Lý do là hai bé không có hộ khẩu Hà Nội và cũng không sinh sống ở quê (nơi có hộ khẩu), vì thế không nơi nào chịu cấp thẻ BHYT cho chúng, trong khi bạn tôi đã sinh sống và làm việc ở Hà Nội 13 năm nay và hai con đều có tên trong danh sách được tiêm chủng miễn phí của phường.

Người già, trẻ con không phải chi trả khi khám bệnh, nằm viện - chủ trương rất tốt đẹp ấy của Nhà nước đã không đến được với người dân chỉ vì những thủ tục hành chính cứng nhắc, lạnh lùng. Những cán bộ, nhân viên hành chính mà tôi nói ở trên không sai khi họ đòi hỏi giấy tờ theo quy định. Có điều, thủ tục đặt ra suy cho cùng là để phục vụ con người. Trước mặt những cán bộ, nhân viên hành chính ấy là người già bệnh tật, những đứa trẻ đang đau đớn, chớ đâu phải là một mớ giấy tờ!

TRÚC LY (TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp