19/07/2012 06:47 GMT+7

Tôi đi lên cùng sự bình dị

VI THẢO ghi
VI THẢO ghi

TT - “Tôi đi từ những điều bình dị nhất mà không mấy ai chú ý để có ngày hôm nay” - bà Hoàng Thị Tâm Ái, giám đốc Công ty TNHH DV-TM-SX Trí Đức (thương hiệu mứt Lạc Xuân), nhìn lại 22 năm làm việc của mình.

Vcdqrlxy.jpgPhóng to
Bà Tâm Ái với dòng sản phẩm thạch nha đam -Ảnh: VI THẢO

Do vướng mắc lý lịch gia đình, từ một giáo viên dạy cấp II tôi “rớt” xuống thành người thất nghiệp, rồi trở thành người lao động chân tay. Tôi dặn lòng phải quên đi mình từng là cô giáo để chạy lo miếng ăn hằng ngày.

Cô giáo đi mua... gáo dừa

“Không dạy học thì mình biết làm gì? Làm gì được thì làm, miễn là sống lương thiện”, tôi tự hỏi rồi tự trả lời không biết bao nhiêu lượt. Thấy người ta làm dây thun, làm guốc, vậy là ông xã tôi mày mò chế tạo máy cắt dây thun, tiện đế guốc, tôi cũng mày mò cắt từng sợi dây thun, đóng từng đôi guốc đem ra chợ bán...

Những năm 1980, ở Bến Tre gáo dừa gần như là phế liệu, người ta bỏ cả đống và để cạnh những bãi rác. Tôi biết chủ vựa cần người mua chỉ để dọn sạch “đống rác” ấy đi. Thế là tôi trở thành người “dọn rác” để mua được gáo dừa giá rẻ. Một năm 365 ngày, ngày nào cũng như ngày nào, bất kể mưa nắng tôi luôn có mặt đúng giờ để làm việc. Một ngày ngủ không được năm tiếng, không có ngày tết, ngày lễ, bệnh cũng phải đi. Tôi chỉ muốn những người làm ăn với mình thấy rằng “giao cho bà này thì không phải lo gì hết”.

Biết các hãng kem vẫn mua gáo dừa từ thương lái ở Chợ Lớn, tôi đến gõ cửa từng nơi chào giá. Mua tận gốc để bán giá cạnh tranh và đảm bảo nguồn vào, ngày ngày tôi rong ruổi TP.HCM, Bến Tre, Tiền Giang... để hai chiều đi về luôn có cái mà mua mà bán.

Từng bước mà đi

Nghề kem phát triển dần, đối tác đề nghị nạo dừa ra bán. Ừ thì nạo. Thế là tôi cùng ông xã loay hoay chế tạo máy nạo dừa và thử nghiệm. Hư, lại thử nghiệm. Rồi cũng cạy được dừa ra bán. Được một thời gian tôi lại tiếp tục làm nước cốt dừa, dừa non sợi. Mỗi yêu cầu mới của đối tác là những lần mày mò thử nghiệm của tôi với ông xã và anh chị em nhân công.

Đối tác của tôi chủ yếu là ngành kem, mà nghề này sống lệ thuộc vào thời tiết. Trời lạnh, mưa nhiều cũng đồng nghĩa với việc công nhân của chúng tôi bị cắt việc. “Phải làm sao để có việc cho họ làm. Có việc làm nhiều, tăng thu nhập thì họ mới gắn bó lâu dài với mình” - tôi tự nhủ. Lắm lúc tôi nhận lột củ mì, lặt ớt gia công cho đơn vị khác chỉ cốt làm sao để anh em có thêm thu nhập. Đối tác cần người cung cấp mứt bí đao để làm nhân bánh, tôi nhận và lại mày mò học. Căn nhà 80m2 không đủ chỗ, tôi thuê thêm mặt bằng 150m2, rồi 300m2... Nở nồi, nhân công tăng lên, tôi lại quay với bài toàn cũ “Làm sao để các bạn có việc làm đều đặn?”. Năm 2007-2008 là thời điểm người tiêu dùng phàn nàn về chất lượng mứt tết bẩn, kém chất lượng... Phàn nàn của họ là lời giải cho bài toán của tôi. Tôi tìm được một anh bạn có hơn 20 năm kinh nghiệm làm mứt, rồi đi học thêm về cách bảo quản, an toàn thực phẩm cho mứt. Từ đó tôi bắt đầu xoay ra làm mứt dừa, bí đao, hạt sen, củ năn...

Mùa đầu tiên làm mứt là trung thu 2008. Rồi mứt tết với thương hiệu Lạc Xuân cũng len lỏi vào siêu thị và đến tay người tiêu dùng. Năm 2010, thương hiệu mứt Lạc Xuân được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng HACCP ISO 22000: 2005 - hệ thống quản lý chất lượng thực phẩm an toàn theo tiêu chuẩn quốc tế.

Nước cốt dừa, dừa, mứt... cứ tới mùa là có việc làm. Nhân công của công ty lại nở ra, thế là tôi nhảy qua làm nha đam. Nha đam rất dễ nhiễm khuẫn bởi có lớp chất nhầy bao quanh. Đổ không biết bao nhiêu mẻ, mất gần một năm trời thử nghiệm chúng tôi mới có được mẻ nha đam tươi ngâm nước đường đạt chuẩn vệ sinh thực phẩm. Những anh chị em cùng sát cánh với tôi lại có thêm việc.

Chậm mà chắc, tôi cứ từ từ từng bước mà đi. “Không biết thì hỏi, muốn giỏi thì học”... tôi không ngại khó và không cho phép mình nói không với bất kỳ vấn đề nào. Nhìn đống tiền đi theo những lần thử nghiệm, tôi vẫn không bỏ cuộc bởi “người ta làm được, mình làm được”.

Làm những thứ không ai chịu làm

Hơn 22 năm kể từ ngày đi mua gáo dừa về bán, tôi luôn dặn mình trách nhiệm và tình yêu với công việc. Tôi làm những thứ mà không ai chịu làm. Chính vì biết mình không bằng ai, lại sinh sau đẻ muộn nên một khi đã bắt tay vào làm việc gì tôi không bao giờ làm qua loa dù đó là việc nhỏ nhất. Năm 2009, tôi thiết kế mẫu mã hộp mứt tết mà theo tôi là quá đẹp. Nhưng sản phẩm lại thất bại vì không phù hợp thị hiếu người tiêu dùng. Thế là phải đốt đi, mất hàng trăm triệu đồng. Đó cũng là lần thất bại lớn nhất đời tôi. Nhưng tôi chấp nhận thất bại để thử sức mình.

Một lần làm mứt bí cho đối tác, chất lượng không đạt họ trả lại. Tôi không lo mình mất bao nhiêu tiền, chỉ lo đối tác không kịp hàng, lo họ không tin mình nữa. Tôi đứng ra xin lỗi và làm lại cho đến khi đạt chất lượng. Vì thế với tôi, đạt được niềm tin ở đối tác là một tài sản vô giá. Trong kinh doanh, nếu không có tiền, đối tác có thể cho vay vốn, nhưng nếu không có niềm tin thì không đâu cho anh vay niềm tin để làm tiếp.

Tôi và hơn 130 người bạn đồng hành vẫn luôn giữ mình như thế để đi tiếp...

VI THẢO ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp