Các học viên ở lứa tuổi tiểu học đang thực hành cách cầm máu - Ảnh: N.V.M.
Tôi gần 70 tuổi vẫn háo hức đi học sơ cấp cứu. Các bạn tuổi tiểu học có thể tiếp thu tốt bài học kỹ năng sinh tồn để giúp mình và góp phần giúp đời. Các bạn trẻ, tại sao không?
Tôi vẫn bị ám ảnh lần đi chùa Bà (Bình Dương) vào rằm tháng giêng năm nọ. Kẹt xe khủng khiếp trên cầu Bình Triệu, ô tô kẹt cứng, không thể mở cửa. Dòng xe chen chúc và bất động hàng giờ, âm thanh hỗn độn. Tôi sợ cầu sập...
May mắn là mấy giờ sau cũng thoát được. Từ đó, tôi không bao giờ đi chùa vào ngày đông người. Vài lần bị ngộp thở khi đi xem pháo hoa giao thừa, tôi càng ngại đám đông chen lấn vì không muốn tự biến mình thành nạn nhân.
Ngày 1-10, 127 người chết vì giẫm đạp ở sân bóng đá ở Indonesia. Đêm 29-10, 153 người chết vì chen lấn ở phố Itaewon (Seoul, Hàn Quốc). Ngày 1-11, 141 người chết vì sập cầu treo qua sông ở Ấn Độ. Ba thảm họa nối tiếp nhau, mỗi vụ hơn trăm người thiệt mạng.
Tôi quyết định "tầm sư" học sơ cấp cứu và học cách thoát hiểm, trước là để cứu mình. Tôi ghi danh lớp học "Sơ cấp cứu và kỹ năng sinh tồn" do SSVN (Survival Skills Viet Nam) tổ chức, chuyên gia nước ngoài huấn luyện và phải chờ hai tuần mới đến lượt mình được học.
Ở lớp, tôi gặp nhiều bạn trẻ, có mấy bạn nhí (cỡ lớp 2, lớp 3). Thầy Tony Coffey - giám đốc huấn luyện SSVN, chuyên gia Hiệp hội Cứu hộ Sydney và Học viện Cứu hộ bang New South Wales (Úc) - đã 65 tuổi. Lớp học thân mật như đại gia đình tam đại đồng đường.
Lớp có 20 học viên, có 3 bạn đang học phổ thông. Ba bạn nhí đi theo ba mẹ học ké, vì chủ nhật ở nhà không ai trông. Học viên làm bài kiểm tra trắc nghiệm kiến thức về sơ cấp cứu. Lớp học ngoại khóa hai ngày, lý thuyết trong lớp, thực hành ra sân, có khi học luôn ở công viên.
Mấy sinh viên sư phạm trong lớp đều có ý kiến rằng lớp sơ cấp cứu là môn học ngắn nhất nhưng hữu ích, thiết thực nhất họ được học trong bốn năm đại học.
Anh Phạm Tuấn Nghĩa, đi học cùng hai con, tâm sự: "Lớp học quá hay, giúp học viên nắm rõ các nguyên tắc sơ cấp cứu, ưu tiên và thứ tự xử lý thương tích đến định vị tư thế nạn nhân (còn tỉnh và bất tỉnh), hồi sức tim phổi... ".
Devin Kurtis Bond (Mỹ), học viên nước ngoài duy nhất trong lớp, cho biết hứng thú nhất với các nội dung xử lý hóc dị vật, thực phẩm, chảy máu, mất máu, chảy máu cam, nhận diện sốc, các loại bỏng, tai nạn xương, chấn thương mô mềm, sơ cứu các loại vết cắn, nhiễm độc, tai nạn điện, đuối nước; cách thoát hiểm khỏi các đám đông chen lấn, giẫm đạp, đám cháy...
Bạn Tin, học lớp 3, luôn miệng hỏi ba: "Chừng nào có lớp SCC của tụi con?" (lớp dành riêng cho trẻ dưới 10 tuổi). Ba học viên nhí mê nhất là môn sơ cấp cứu búp bê (trẻ sơ sinh). Hình như được học chung với người lớn oai hơn, được dịp chứng minh mình đâu thua gì ba mẹ và các cô, chú, bác trong lớp.
Những nội dung khô khan thành hấp dẫn với phần thực hành sinh động, đầy ắp tiếng cười học viên dù tuổi tác cách nhau đến ba thế hệ. Tan lớp, nhiều bạn vẫn nán lại rôm rả bàn luận về những gì học được.
Kết thúc lớp, học viên được cấp "Giấy chứng nhận hoàn thành lớp huấn luyện sơ cấp cứu và hồi sinh tim phổi cơ bản" kèm "Sổ tay hướng dẫn sơ cấp cứu và thoát hiểm" cấp độ 1 với nhiều hình ảnh minh họa đẹp, sống động. Học xong, đọc mới thấy hết giá trị.
Mong có thêm nhiều lớp học tương tự như thế này. Tôi ước bạn nhỏ Việt Nam ai cũng như bạn nhỏ 9 tuổi trong lớp, học xong bạn nhỏ này thao tác thành thạo sơ cấp cứu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận