TT - Sau đêm diễn được đánh giá là thành công vào tối 23-2 tại Nhà hát lớn Hà Nội, nghệ sĩ dương cầm trẻ tuổi Trang Trịnh (Trịnh Mai Trang, sinh năm 1986 tại Hà Nội) sẽ tiếp tục giới thiệu Nhật ký dương cầm tại TP.HCM.
Phóng to |
Nghệ sĩ Trang Trịnh: Dự án “lôi kéo” những người trẻ đến với âm nhạc cổ điển sẽ còn được nối dài - Ảnh do nhân vật cung cấp |
Buổi diễn sẽ bắt đầu lúc 20g ngày 7-5 tại Nhạc viện TP.HCM (112 Nguyễn Du, Q.1). Trang Trịnh chia sẻ với Tuổi Trẻ trước chương trình.
* Nhật ký dương cầm tại TP.HCM liệu sẽ khác hơn chương trình ở Hà Nội?
- Về cơ bản là giống nhau. Nội dung biểu diễn có cốt truyện, như những dòng nhật ký rất thật, mộc mạc, đôi khi pha chút hóm hỉnh. Chủ đề của các tác phẩm được biểu diễn trong chương trình nói về những thăng trầm trong vòng quay của một đời người. Mỗi một giai đoạn cuộc đời, tôi sẽ đưa vào những tác phẩm tương ứng.
Rất tiếc chương trình ở TP.HCM sẽ không có phần triển lãm ảnh. Nhưng khán thính giả vẫn sẽ được xem qua những bức ảnh đen trắng đã được triển lãm tại Hà Nội trong tờ rơi của chương trình. Ðiều đặc biệt của chương trình tại TP.HCM là sẽ có một khách mời mà tôi xin giữ bí mật đến giờ chót. Tôi tin chắc người bạn với những khác biệt và tài năng đáng ngạc nhiên này sẽ làm trái tim mọi người rung động...
Tốt nghiệp Học viện Âm nhạc hoàng gia Anh, Trang Trịnh từng đoạt giải cao nhất tại cuộc thi chọn người độc tấu trong Festival Paganini tại London (2006), giải Francis Simmer Prize - giải dành cho người xuất sắc nhất cuộc thi độc tấu piano và giải Lilian Davis Prize cuộc thi biểu diễn các tác phẩm Sonata - Beethoven (2007), giải nhì trong cuộc thi Beethoven (London RAM, 2008); giải Mozart Prize (cuộc thi Jacque Samuel Competition, 2009). Năm 2010, Trang Trịnh thực hiện chuyến lưu diễn châu Âu đầu tiên với các buổi biểu diễn độc tấu tại Vienna, Enns (Áo), London (Anh)... |
- Trong vai trò một nghệ sĩ biểu diễn, tôi muốn "quyến rũ" mọi đối tượng người nghe (cười). Nhưng với riêng dự án này, quả thật tôi đang cố thu hút những người trẻ bằng nhạc cổ điển. Vì vậy, tôi cũng thiết kế rất nhiều mức vé khác nhau cho chương trình và sẽ giảm đến 50% giá vé cho các bạn HS-SV để mọi người đều có thể đến với Nhật ký dương cầm thật dễ dàng.
Và tất cả sẽ không dừng ở những buổi trình diễn thế này. Dự án sẽ được nối dài bằng những buổi giao lưu, trò chuyện và cả những lớp ngoại khóa cho các em nhỏ ở trường mẫu giáo, tiểu học, trung học... Với nhạc cổ điển, cần phải đặt nền tảng trước rồi mới có thể thưởng thức một cách trọn vẹn.
* Trang có nghĩ đây là một ý định, hoài bão ngoài tầm với?
- Sẽ khó khăn vô cùng, tôi biết. Ở phương Tây, quê hương của âm nhạc cổ điển, người ta còn gặp khó khăn trong việc lôi kéo nhiều người trẻ vào loại hình nghệ thuật này. Nhưng tôi nghĩ mình sẽ bắt đầu từ những gì dễ và khả thi nhất. Ðó là những cuộc nói chuyện giữa tôi và những đối tượng khác nhau mà tôi thường gọi là "cuộc nói chuyện 1+1".
Tôi đã tìm được những cộng sự, những người hỗ trợ và cả những khán thính giả cho Nhật ký dương cầm cũng từ những cuộc nói chuyện đó. Cũng từ những cuộc nói chuyện, tôi hi vọng mọi người sẽ bắt đầu quan tâm và yêu mến nhạc cổ điển.
QUỲNH NGUYỄN thực hiện
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận