Vườn táo là nơi nhiều gia đình tìm đến quây quần dịp cuối tuần.- Ảnh: CÔNG NHẬT |
Lần đầu được gọi “darling”
Tôi bước ra khỏi nhà ga trung tâm Stockholm (Stockholm Central Station), không khỏi lúng túng tìm đường đến khách sạn do điện thoại chưa được lắp sim để dò Google Map. Tiến lại gần một cụ bà trạc 60 tuổi, tôi hỏi bà đường đi.
“Ôi, darling ơi! Tôi cũng không biết đường đến đó. Nhưng bạn cứ đứng đây, tôi sẽ hỏi giùm!” - bà nói rồi nhanh chóng xoay lưng, rảo bước đến một cặp đôi đang đi ngang qua và dợm hỏi trước gương mặt ngạc nhiên của tôi.
Một người lạ nước lạ cái như tôi ở xứ sở này lại được gọi là darling, từ mà theo như tôi hiểu thường được dùng để nói về người yêu hoặc người bạn rất yêu quý, làm sao mà không mắt tròn mắt dẹt!
Bà không là ngoại lệ. Hầu hết người dân quốc gia Bắc Âu này đều rất sẵn lòng giúp đỡ người khác khi được hỏi. Còn nhớ lần đi lạc khi tìm đường đến vườn táo Rosendals (Stockholm), tôi được một người dân cho đi nhờ xe hơi đến tận nơi sau khi được ông thông báo xe buýt hôm nay sẽ không ghé trạm như lộ trình thường lệ.
Cũng lưu ý một điều rằng bạn cần phải hỏi ngay trong trường hợp không chắc điều gì đó. Chẳng hạn cùng là chuyến xe buýt 69 nhưng lộ trình có thể thay đổi do nhiều lý do khác nhau, một tuyến xe điện bị hỏng nên nhiều khu vực bị phong tỏa để sửa chữa, hoặc giờ nhận phòng của một số khách sạn là 15h thay vì 14h như thường lệ...
Người già ngồi sưởi nắng, đọc sách báo - hình ảnh thường thấy trên phố ở Stockholm. -Ảnh: C.N. |
“Thiên đường” bảo tàng
Với tín đồ của kho tàng tri thức nhân loại, Stockholm có lẽ là một “thiên đường”. Ở đây, du khách tha hồ khám phá bảo tàng, nào là Bảo tàng Nobel, Bảo tàng ABBA, Bảo tàng Bắc Âu, Bảo tàng Vasa... với giá vé khá mềm.
Tại hầu hết các bảo tàng, du khách đều được cung cấp dịch vụ hướng dẫn viên (theo nhóm) bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau.
Một điểm khá thú vị là các hướng dẫn viên này sẽ không cung cấp toàn bộ thông tin cho du khách, mà gợi ý để du khách hợp lực tìm câu trả lời, điều này khiến các chuyến tham quan trở nên thú vị và sống động, đầy ắp tiếng cười.
Du khách cũng dễ dàng bắt gặp những thông điệp nho nhỏ, đầy bất ngờ ở các bảo tàng. Chẳng hạn như lần đến Bảo tàng Nobel ở thành phố Stockholm, chúng tôi bắt gặp hai tấm bảng điện tử lớn được trưng ngay sau cổng chính.
Trong đó một tấm ghi “What really makes science grow is new ideas, including false ideas” (tạm dịch: Điều thật sự khiến khoa học phát triển là những ý tưởng mới, kể cả những ý tưởng sai lầm) của nhà hiền triết người Áo Sir Karl Popper.
“Chúng tôi không đánh giá ai về những sai lầm của họ. Chúng tôi chỉ quan tâm họ có biết đứng lên từ thất bại của bản thân hay không” - Charlie (38 tuổi, người Thụy Điển) chia sẻ.
Trong một tiệm đồ cổ.-Ảnh: C.N. |
Một điều thể hiện rất rõ ở hầu hết người dân tại đất nước có 10,1 triệu dân này là niềm tin mãnh liệt vào con người.
Rất nhiều nhà hàng buffet không dán nhãn cho khách ra vào, các quán cà phê, tiệm... vô tư để bàn hờ hững xa xa cửa chính, dọc các con đường.
Tiếp tân ở khách sạn Comfort thậm chí nhận giữ hoặc trả vali của khách mà không cần xuất trình giấy tờ, chỉ cần nói tên.
Hầu hết các vườn trái cây, vườn táo đều không bán vé và không có bảo vệ. Khi tôi hỏi mua táo ở vườn Rosendals, một người khách đang ngồi cắm trại gần kề cho biết tôi phải băng qua khu vườn thênh thang này, đi sâu vào khu bán cà phê, đồ ăn... mới gặp được người thu ngân.
Còn quả táo nào rơi từ trên cây xuống đất thì nghiễm nhiên được lấy ăn, không cần thanh toán. “Họ không sợ người ta hái trộm táo hoặc gian lận sao?” - tôi thắc mắc. “Chúng tôi tin bạn” - vị khách đó nói.
Bên sông chiều thu.-Ảnh: C.N. |
Nhiên Nguyễn, cô bạn có thời gian sống khá lâu tại Na Uy, cho biết người dân các quốc gia Bắc Âu, như Thụy Điển, đều rất tin vào tính hướng thiện của con người.
Vũ Văn, người từng có thời gian dài làm việc ở Đan Mạch, thêm vào câu chuyện: “Tôi từng thấy một số người dân để xe đẩy có con nhỏ bên ngoài khi họ vào siêu thị hoặc vào nhà lấy đồ, làm chuyện riêng”.
Có nhiều lý do dẫn đến sự hình thành niềm tin trên, một trong số đó là mọi thứ đều rất minh bạch. Chẳng hạn, tất cả người dân lẫn báo chí ở Thụy Điển đều có thể yêu cầu được xem các văn kiện của công sở nhà nước mà không cần trình lý do.
Một góc công viên |
Trong trường học, ngay từ nhỏ mọi người đã được học về hai điều quan trọng: gìn giữ tài nguyên thiên nhiên và phải luôn giúp người khác khi có thể. Và để làm được điều đó thì phải có niềm tin vững chắc vào bản thân và mọi người.
Có lẽ vì vậy mà ở rất nhiều nơi tại Stockholm đều dễ dàng tìm thấy bảng kêu gọi “hãy tiết kiệm nước” và hầu hết giới trẻ đều chọn phương tiện xe đạp để đi, nếu nhà không cách trường quá 30 phút đạp xe.
Còn theo thống kê của trang Bike-eu thì khoảng 19% người dân Thụy Điển dùng xe đạp tối thiểu 4 lần mỗi tuần, 44% dùng xe đạp tối thiểu 1 lần mỗi tuần.
Người dân Thụy Điển thích dùng xe đạp |
Và đắt như... Thụy Điển
Nhiều ưu điểm là vậy, nhưng một “điểm trừ” không thể không nhắc đến là mọi thứ ở Thụy Điển đều đắt đỏ vô cùng.
“Nhớ đợi qua Pháp rồi hãy mua quà lưu niệm nhé. Mua ở Thụy Điển chỉ có sạt nghiệp” tưởng là câu bông đùa của anh bạn người Pháp, nhưng hóa ra là sự thật phũ phàng.
Một bữa ăn “nhẹ nhàng” ở Stockholm khoảng 140 krona (tương đương 400.000 đồng, món Việt thậm chí mắc hơn). Căn phòng áng chừng 10m2 (không cửa sổ) ở khách sạn trung tâm sẽ khiến bạn tiêu tốn 1.500 krona (khoảng 4,3 triệu đồng).
Khách sạn ở Thụy Điển thường không cung cấp lược, bàn chải và kem đánh răng, nước suối. Tuy nhiên, nước máy rất sạch nên mọi người có thể uống trực tiếp, như vậy sẽ tiết kiệm được một khoản không nhỏ.
Trong trường hợp muốn mua vé sử dụng phương tiện công cộng trong một ngày, du khách thường phải bỏ ra 120 krona (tương đương 350.000 đồng).
Bảo tàng ở Stockholm |
Nếu là người thích hút thuốc hoặc thức uống có cồn, bạn có thể sẽ hơi phiền lòng bởi những thứ này vô cùng đắt đỏ tại đây do bị đánh thuế rất cao.
“Mỗi tuần tôi chỉ có thể hút vài ba điếu và uống 2-3 ly bia. Nếu thật sự thèm bia thì chúng tôi thường qua Đức và mua sỉ đem về, bởi bia ở đó rẻ hơn rất nhiều” - Oscar, nhân viên IT, giải thích với chúng tôi.
Một điểm khiến chúng tôi vừa vui, tự hào vừa mếu là món ăn Việt ở Stockholm rất “có giá”. “Nếu đến cuối tuần thì chúng tôi thường phải gọi điện đặt trước, vì đã có lần phải đứng đợi cả tiếng để được vào thưởng thức món phở và chả giò” - Elias, thực khách thường xuyên của quán Việt M.M (đường Odengatan), tiết lộ.
Bản thân chúng tôi cũng phải đứng đợi gần 40 phút để có được một cái bàn nhỏ đặt tạm ngoài sân. Giá của các món ăn Việt tại đây cũng như hầu hết các quán Việt khác đều mắc hơn những món ăn bản địa khoảng 20%.
Chúng tôi vừa ăn tô phở vừa hít hà dù trời chỉ mới chớm thu là vì vậy...
Mùa thu ở Stockholm cũng như nhiều thành phố khác ở châu Âu đôi khi khá buồn. - Ảnh: C.N. |
Lưu ý về tiền và xe buýt Một điều cần biết là khác với hầu hết những quốc gia thuộc châu Âu, Thụy Điển dùng tiền riêng là krona (1 krona tương đương 2.900 đồng) chứ không phải euro. Việc mua đồng krona ở Việt Nam không dễ dàng, thông thường phải báo trước 2-3 ngày để các ngân hàng, những điểm thu đổi ngoại tệ chuẩn bị. Trong trường hợp mua trực tiếp tại Thụy Điển, người mua sẽ bị tính phí “hoa hồng” 50 krona/giao dịch. Thụy Điển khuyến khích người dân dùng thẻ tín dụng trong tất cả giao dịch hằng ngày, nên nếu bạn có thẻ tín dụng thì không cần quá lo lắng. Để có thể sử dụng tất cả phương tiện công cộng, du khách có thể mua vé với giá 120 krona/ngày hoặc 240 krona cho 3 ngày. Vé này có thể mua ở quầy hoặc mua online. Cần đặc biệt lưu ý đối với xe buýt và một số tuyến xe lửa, xe điện... hành khách không thể mua trực tiếp trên xe. Không xuất trình được vé hợp lệ khi bị kiểm tra, hành khách sẽ bị phạt đến 1.500 krona (gần 4,3 triệu đồng). |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận