04/11/2014 11:36 GMT+7

Sẽ không dùng từ đó nữa nhưng không phải tôi sai!

 VIỄN SỰ ghi
VIỄN SỰ ghi

TTO - Đại biểu Hoàng Hữu Phước nói như vậy bên hành lang Quốc hội sáng nay, 4-1 về cách dùng từ mông muội, ngu muội... của ông đối với đại biểu Trương Trọng Nghĩa trên blog cá nhân.

Ông Hoàng Hữu Phước - Ảnh: T.T.D.

Trả lời Tuổi Trẻ việc đại biểu Trương Trọng  Nghĩa khiếu nại đã bị ông dùng những từ: mông muội, ngu muội, mê muội… để nói về ông Nghĩa, đại biểu Hoàng Hữu Phước trả lời: “Tất nhiên là sẽ không dùng nữa".

Đó là tranh luận của tôi, còn đối với người đọc báo, cử tri không quen nghe những lời tranh luận kiểu đó của tôi thì tôi sẽ bỏ, không sử dụng từ đó nữa. Chứ không phải tôi nhận là tôi sai!

Tại sao ông lại chọn thời điểm họp Quốc hội để nêu?

- Tôi chỉ nêu quan điểm của mình đối với những phát ngôn nào mình vừa mới được nghe. Phản ứng là cái quyền của ông Nghĩa, nếu ông Nghĩa cho đó là lời lẽ nặng và ảnh hưởng tới uy tín cá nhân của ông thì ông có quyền nói lại.

* Sau việc với , ông có rút ra kinh nghiệm gì với tư cách là một đại biểu Quốc hội và là đại biểu cùng đoàn với đại biểu Nghĩa?

- Tôi nghĩ thế này, trong một đoàn không có nghĩa là tất cả mọi người đều có chung một ý kiến. Với phát ngôn của mỗi người thì người nào có trách nhiệm với phát ngôn của người đó.

Tôi thấy ông phát ngôn của ông Nghĩa như thế là trật nên tôi chống lại phát ngôn đó, chứ không phải chống lại một đại biểu trong cùng một đoàn.

* Ông Nghĩa đang đòi ông cung cấp bằng chứng về lập luận của ông, ông có đồng ý?

- Cái đó nó thuộc về vấn đề hùng biện cho nên chừng nào đoàn ĐBQH TP.HCM đặt vấn đề thì tôi trả lời trong phiên họp.

Cái đó là sự công bằng, tôi không đồng tình với lập luận của ông Nghĩa nên nêu chính kiến của mình. Ông Nghĩa không bằng lòng thì đó là quyền của ông Nghĩa, cho nên cả hai  đều thực hiện quyền tự do ngôn luận của mình

* Trước và sau khi viết blog thì ông có trao đổi gì với ông Nghĩa không?

- Không! Tôi không trao đổi. Sau khi tôi viết thì ông Nghĩa cũng không có trao đổi trực tiếp gì với tôi. Trên toàn thế giới và cả Việt Nam không có luật nào bắt buộc phải trao đổi trực tiếp hết. Tôi có quyền tự do, tôi không lựa chon phương thức này.

* Thưa ông là có một số cử tri đặc biệt là cử tri ở quận 4 nơi địa bàn của ông cũng có phản hồi, thậm chí là đòi bãi miễn cương vị ĐBQH của ông. Ông nghĩ gì về điều này?

- Cử tri thì có hàng trăm ngàn, hàng triệu cử tri, cho nên trong nhiều triệu người này thì người nào cũng có quyền phát biểu cả và tôi nói một điều thế này nữa là đánh giá một con người thì dựa vào rất rất nhiều cái.

Đụng cái gì cũng đặt vấn đề tư cách đại biểu và miễn nhiệm thì tôi cũng cho cái đó cũng chỉ nêu lên như là một thế mạnh của công luận.

Tôi không bao giờ tuân theo ý ai

* Thưa ông, sáng nay trên báo Tuổi Trẻ, Phó Đoàn ĐBQH TP.HCM Trần Du Lịch có cho rằng ông phản đối việc ĐBQH chỉ trích nhau trên blog, ông nghĩ thế nào?

- Cái đó là ông Lịch có toàn quyền nói những điều như vậy. Vấn đề là tôi không bao giờ cho rằng tuân theo ý của bất kỳ ai.

Đây  là quyền tự do ngôn luận. Và ông Lịch có quyền tuyên bố như vậy vì thẩm quyền của một người đầu đàn trong những cách xử lý tình huống thì ông Lịch bắt buộc phải nói như thế.

* Thưa ông đánh giá thế nào việc gửi đơn của ông Nghĩa

- Tôi rất thông cảm cho ông Nghĩa khi ông Nghĩa nổi giận, bực tức và đưa việc lên cấp cao.

* Tại sao lại là phản ứng thông cảm?

- Tôi nói thật thế này nhé, khi tôi nói về luật biểu tình, sau đó thì tôi có đưa lên blog, hình chụp còn trong máy điện thoại của tôi: người ta văng tục, chửi bới, đòi giết gia đình tôi, đòi quăng bom, thậm chí nhân viên của tôi cũng bị đe dọa và một số người đã phải nghỉ việc.

Các bạn nghĩ sao, nếu như tôi nhận những cái đó và các bạn có cho là tôi sẽ nổi giận không? Cho nên bây giờ cái nội dung của tôi, tôi không có đe dọa, không dùng những từ ghê gớm, tục tĩu. Khi tôi nhận những sự “ném đá” như vậy thì các bạn có hiểu là tôi giận thế nào không? 

Cho nên tôi nghĩ rằng phản ứng của ông Nghĩa là có giận nhưng sẽ không giận nhiều bằng tôi vào thời điểm đó.

Cái giận của ông Nghĩa là cái giận bình thường, cho nên vấn đề là người ta xử sự thế nào khi mà mình cho là bị xúc phạm. Cho nên tôi nói tôi thông cảm là vậy.

Ông Hoàng Hữu Phước trả lời báo chí tại hành lang quốc hội sáng 4-11 - Ảnh: Lê Kiên

* Ông sẽ nói sẽ tiếp tục viết blog về Quốc hội, ông sẽ viết gì?

- Tôi sẽ tiếp tục viết nhưng tiến trình là rút kinh nghiệm. Ví dụ như tôi vào Quốc hội năm 2011, mọi cái với tôi đều hừng hực, tôi muốn thể hiện sự tự do ngôn luận của mình. Để rồi sau đó tôi gánh chịu những gì như vừa kể, từ từ rồi tôi rút ra kinh nghiệm.

Nên kinh nghiệm của tôi sắp tới là như vậy, sẽ không nói tên người nói nữa.

Học sinh sinh viên rất cần nghe lập luận như vậy, đó là sự hùng biện, cho nên phải ăn nói làm sao cho thuyết phục. Và tôi cũng tự rút kinh nghiệm cho chính mình.

Sắp tới có ai nói gì đó không có lợi về mặt lý luận về mặt tâm lý chung của xã hội thì tôi cũng sẽ  phản biện. Nhưng sẽ phản biện theo kiểu khác. Không có mạnh mẽ, nêu tên người nào đó nữa mà đơn giản chỉ là hùng biện và lập luận thôi.

Sắp tới tôi sẽ viết về cái… đường ray ông Nghĩa nói

* Dư luận đang có cảm giác hình như đại biểu Phước đang nhắm vào mỗi đại biểu Nghĩa?

- Cái đó là không đúng. Tôi không nhắm vào cá nhân, tôi nhắm vào lập luận.

Ngay cả lập luận gần nhất của ông Nghĩa khi cho rằng kinh tế Việt Nam đang đi đường ray cũ biết chừng nào mới tới chân trời mới. Cái câu đó sai hoàn toàn. Sai chỗ này: Hiến pháp của chúng ta đã hiến định con đường đi lên CNXH.

Và trên thực tế con đường ray bao giờ cũng vạch sẵn từ điểm đi với điểm đến, ví dụ đi từ TP.HCM ra Hà Nội thì điểm đến sẽ là Hà Nội. Sao còn nói là không thấy chân trời mới? Mà cái đường ray đó sẽ chệch và đoàn tàu sẽ lăn xuống vực sâu hay sao?

 Vấn đế là cũng trên tuyến đường đó, cũng từ TP.HCM ra Hà Nội đó, cũng trên con đường đi xây dựng XHCN. Giả dụ hiện con đường đang khổ 0,8m, rồi sẽ lên 1,2m, 1,4m… và vấn đề là người dân ở hai bên đường chấm dứt được việc ném đá lên đoàn tàu. Chứ còn  ví von như vậy là  rất ấu trĩ.

 Tôi sẽ viết tiếp về cái này. Nhưng như tôi đã nói với báo Tuổi Trẻ là tôi sẽ viết và không nêu tên. Có thể sẽ gây ra hai dư luận khác nhau.

Một dư luận giống tôi và một dư luận sẽ cho rằng sẽ đi theo con đương khác, con đường Tư bản chủ nghĩa… Cho nên ý tôi muốn nói là khi lập luận phải vững chắc, đừng có nói theo kiểu nước đôi như vậy.

Cử tri PHẠM ĐÌNH TOÀN (Nguyên Phó giám đốc Bảo tàng Tôn Đức Thắng), TP.HCM):

 Tôi đề nghị bãi miễn cương vị ĐBQH của ông Hoàng Hữu Phước!

Sáng nay đọc báo Tuổi Trẻ tôi rất bức xúc. Vì sao một đại biểu đại diện cho dân ở cơ quan quyền lực cao nhất nước mà ăn nói xằng bậy như vậy. Đây không phải là lần đầu tiên, nhưng chưa thấy Đoàn ĐBQH TP.HCM hay Quốc hội có xử lý cụ thể nào.

 Tôi là cử tri quận 4 (TP.HCM) là người đã bỏ lá phiếu cho ông Hoàng Hữu Phước, nhưng nay tôi không còn thấy ông xứng đáng nữa.

Tôi đề nghị Quốc hội phải bãi miễn cương vị đại biểu của ông Phước. Sắp tới, tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ 8 - khóa XIII tôi sẽ nêu vấn đề này.

VIỄN SỰ ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp