Ông Erich Johann Lejeune vui đùa với một bệnh nhi đang điều trị tim tại Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM - Ảnh: L.T.H. |
"Và nếu ai cũng có một trái tim biết chia sẻ sẽ cứu vớt được nhiều trái tim bệnh tật cho trẻ em nghèo không may mắn". Ông Erich Johann Lejeune - chủ tịch Hiệp hội “Trái tim vì trái tim”, Cộng hòa Liên bang Đức - đã chia sẻ về lý do ông đặt tên cho hiệp hội của mình như vậy.
Sáng 12-11, ông Erich Johann Lejeune nhanh nhẹn bước vào hội trường Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM với nụ cười vô cùng rạng rỡ, thân thiện. Ông xúng xính trong bộ quần áo choàng hai màu đỏ đen truyền thống để đón nhận bằng tiến sĩ danh dự do PGS.TS Trần Diệp Tuấn - hiệu trưởng Đại học Y dược TP.HCM - trao tặng.
Vinh dự ấy cũng là cơ duyên của ông đối với Việt Nam. Là phần thưởng ghi nhận những đóng góp to lớn của ông trong việc đem lại sức khỏe cho trẻ em bị bệnh tim và làm cầu nối cho sự hợp tác trong công tác huấn luyện giảng viên, trao đổi chương trình đào tạo y khoa.
Trao đi
Tâm sự tại lễ nhận bằng tiến sĩ danh dự, ông Lejeune chia sẻ đối với ông sự bảo trợ có nghĩa là tạo ra cơ hội cho người khác với một tương lai an toàn hơn. Bảo trợ còn là trao đi, gắn bó mình cùng số phận và sự sống của người khác. “Nước Đức, tổ quốc tôi là một đất nước đổ nát sau chiến tranh khốc liệt năm 1945. Chúng tôi đã biết thế nào là đói khổ nghèo nàn. Tôi không bao giờ quên được hình ảnh của cha tôi lúc đó, người ốm yếu bị tổn thương nặng vừa trở về từ một nhà tù. Mẹ tôi luôn luôn lo lắng vì sẽ phải sống bằng gì đây...” - ông nói như tâm sự, như đồng cảm với những khó khăn mà người dân Việt Nam đã trải qua.
Ông không nói nhiều về những gì ông đã làm cho trẻ em, mà những điều ông nói luôn chất chứa nhiều tình cảm và thể hiện sự am hiểu sâu sắc về con người và lịch sử của Việt Nam. “Tôi vẫn nhớ khi tôi còn là một cậu thanh niên 24 tuổi, tôi đã cùng hàng trăm người xuống đường tham gia cuộc biểu tình chống chiến tranh ở Việt Nam.
Bạn tôi, giáo sư Heinrich Netz, người đã tham gia mổ tim cho ba trẻ em Việt Nam đầu tiên tại một bệnh viện ở Đức năm 2005 cũng tham gia biểu tình chống chiến tranh ở Việt Nam tại quê nhà. Tôi được biết cuộc chiến tranh tại Việt Nam đã khiến khoảng 2 - 4 triệu người Việt Nam cùng 36.500 binh lính nước ngoài đã ra đi. Cho phép tôi được giành ít phút tưởng niệm tới những người đã hi sinh trong cuộc chiến này” - nói đến đây, ông Lejeune lặng lẽ cúi đầu. Cả hội trường cùng đứng lên cúi đầu theo ông.
Những ngày vừa qua dù rất bận rộn cho việc trao tặng máy siêu âm xách tay ở Bệnh viện Đà Nẵng rồi phòng thông tim can thiệp tại Bệnh viện Đại học Y dược TP, nhưng ông Lejeune vẫn dành thời gian đi thăm Bảo tàng Chứng tích chiến tranh và trái tim ông lại như bị bóp nghẹt vì trẻ em Việt Nam trong chiến tranh bị quá nhiều thiệt thòi.
Rồi ông lại trải lòng mình với những tâm sự dường như đã chất chứa từ lâu: “Tôi không bao giờ quên được hình ảnh bé gái Kim Phúc bị thương trong vụ ném bom tại Trảng Bàng vào ngày 8-6-1972. Năm 1982, Kim Phúc được đưa sang Đức để xử lý các vết sẹo gây ra khó khăn trong việc vận động.
Sau đó chị tham gia không biết mệt mỏi với công việc chăm sóc trẻ em bị khuyết tật trong chiến tranh. Điều đó đã làm tôi vô cùng xúc động”.
Thế rồi năm 2003, trong một lần vào phòng mổ của người bạn thân là giáo sư Heinrich Netz - chuyên gia phẫu thuật tim, ông nhìn thấy các bác sĩ cho máy tuần hoàn ngoài cơ thể chạy và trái tim bệnh nhân bắt đầu ngừng đập để tiến hành phẫu thuật thì khoảnh khắc ấy khiến trái tim ông như đang tan chảy. Ngay lúc ấy ông nghĩ rằng mình phải làm một cái gì đó và hình ảnh của bé gái Kim Phúc ngày nào chợt xuất hiện...
Ông Erich Johann Lejeune (phải) đón nhận bằng tiến sĩ danh dự do PGS.TS Trần Diệp Tuấn - hiệu trưởng Đại học Y dược TP.HCM - trao tặng - Ảnh: L.T.H. |
Những người bạn
Và Hiệp hội “Trái tim vì trái tim” ra đời năm 2003 với mong muốn lớn nhất của ông là được chia sẻ sau những năm thành công trong sự nghiệp. Từ đó, ông và bạn bè luôn tâm niệm: “Tôi có một trái tim, bạn có một trái tim, những người xung quanh mỗi người chỉ có một trái tim. Chúng ta phải làm sao để trái tim của ai cũng được lành lặn”.
Lý do đưa ông Lejeune và bạn bè đến Việt Nam vì ông biết rõ còn hàng triệu người dân Việt Nam bị di chứng chất độc da cam, và vì “nỗi đau và số phận của các em nhỏ mắc bệnh tim ở Việt Nam đã làm cho chúng tôi xúc động mạnh, đưa đến quyết định hỗ trợ để cứu chữa trẻ em bị bệnh tim ở Việt Nam”.
Và ông Lejeune nghĩ là cần phải làm một cái gì đó cùng với sự giúp đỡ của các bác sĩ Việt Nam, ông sẽ có thể cứu được tính mạng, cuộc đời của rất nhiều đứa trẻ. Ông mong muốn sau khi được điều trị, những đứa trẻ này sẽ có trái tim lành lặn để trở về với gia đình, với cuộc sống bình thường.
Đồng hành cùng ông Lejeune còn có vợ ông là tiến sĩ Irene Lejeune, giáo sư Heinrich Netz, bác sĩ Lê Trọng Phi và đặc biệt là bà Evi Brandl - một nhà hảo tâm mà ông Lejeune đánh giá là “một doanh nhân thành công nhưng rất khiêm nhường, bà đã đồng cảm cùng chúng tôi xây dựng mạng lưới chẩn đoán chính xác cao để cứu chữa nhiều trẻ em bị bệnh tim.
Giáo sư Netz dù vắng mặt tại lễ trao bằng tiến sĩ danh dự cho ông Lejeune nhưng ông vẫn nhờ bà Irene Lejeune đọc giùm ông bài phát biểu. Trong bài phát biểu này, giáo sư Netz kể rằng khi ông trao đổi với ông Lejeune về việc giúp đỡ một máy thông tim hiện đại cho trẻ em nghèo đặt tại Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM thì “trong ông Erich Johann Lejeune như bốc lửa.
Ông ấy liền chia sẻ ngay với bà Evi Brandl về ý tưởng này. Bà Evi Brandl là người có trái tim vĩ đại, luôn ý thức trách nhiệm với xã hội. Và đã đồng ý tài trợ một máy thông tim cho TP.HCM. Hôm nay ngày đặc biệt này, ngày lễ trao tặng máy, tất nhiên trái tim tôi thắt lại vì lý do cá nhân không thể tham dự được”.
Vậy mà, khi nói về việc tài trợ tới 30 tỉ đồng để mua máy thông tim can thiệp tặng Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, bà Evi Brandl chỉ khiêm tốn chia sẻ với chúng tôi: “Tôi có cuộc sống rất may mắn, có một gia đình rất tuyệt vời, có ba đứa con khỏe mạnh và có tài chính tương đối thoải mái. Khi tôi gặp hai vợ chồng ông Lejeune và giáo sư Netz, tôi mới biết ở Việt Nam còn khó khăn, đặc biệt là còn nhiều trẻ em mắc bệnh tim chưa có điều kiện chữa trị. Tôi rất cảm động và quyết định tài trợ phòng thông tim để giúp trẻ em nghèo”.
Người sáng lập Hiệp hội “Trái tim vì trái tim” Ông Lejeune năm nay 71 tuổi. Không chỉ là một doanh nhân thành đạt, ông còn là tác giả của 21 cuốn sách triết học, người dẫn chương trình talkshow của ba kênh truyền hình tại Munich. Ông được xem là người “mở cánh cửa” triết học vào trong đời sống, kinh tế và xã hội; là diễn giả truyền cảm hứng, giao tiếp và thành công. Ông đã được tặng nhiều huân chương công trạng ở bang Bayern cũng như của tổng thống Đức và châu Âu. Năm 2003, ông sáng lập Hiệp hội “Trái tim vì trái tim” và đến nay hiệp hội đã hỗ trợ cứu chữa hơn 3.000 trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh ở nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Tại Việt Nam, Hiệp hội “Trái tim vì trái tim” đã tặng hai máy DSA, một đơn nguyên hồi sức tim mạch nhi cho Bệnh viện Đà Nẵng; hỗ trợ Đại học Y dược TP.HCM đào tạo cán bộ giảng; tặng một máy DSA hai bình diện thế hệ mới và một máy siêu âm tim xách tay cho Bệnh viện Đại học Y dược TP. Trong tương lai hiệp hội tiếp tục giúp đào tạo cán bộ giảng, bác sĩ tim mạch nhi, phẫu thuật viên tim mạch nhi cho bác sĩ Việt Nam tại Trung tâm Tim mạch Đức ở Munich - một trung tâm hàng đầu của CHLB Đức... |
Cơ hội cho hàng ngàn trẻ em nghèo Theo PGS.TS Trương Quang Bình - phó giám đốc Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, mỗi năm trung tâm tim mạch của bệnh viện tiếp nhận và điều trị cho hơn 3.000 trường hợp bị bệnh tim và tim bẩm sinh, đem đến cuộc sống khỏe mạnh cho hàng ngàn trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh có hoàn cảnh khó khăn. Theo PGS Quang Bình, Hiệp hội “Trái tim vì trái tim” là một trong những tổ chức đã đồng hành cùng trung tâm tim mạch trong thời gian qua bằng nhiều hoạt động thiết thực, kết nối những tấm lòng thiện nguyện. Ngày 12-11, Hiệp hội “Trái tim vì trái tim” trao tặng hệ thống máy thông tim can thiệp - một trong những thiết bị hiện đại nhất giúp chẩn đoán chính xác ngay từ ban đầu các bệnh lý về tim mạch, đem đến cơ hội cho hàng ngàn trẻ em nghèo bị bệnh tim bẩm sinh được tiếp cận miễn phí kỹ thuật cao trong điều trị bệnh. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận