Phóng to |
Nói vậy bởi gần 30 năm trôi qua tôi luôn sống trong sự giả dối, ảo tưởng về bản thân. Tất cả chỉ vì thể diện của bố mẹ. Lúc nào mẹ cũng bảo gia đình mình không thể mất mặt vì con cái ngu dốt được. Thế nên chị em tôi đứa nào cũng được bố mẹ chạy cho vào học những trường điểm, trường uy tín ngay từ khi còn nhỏ.
Trong nhiều bữa cơm, bố luôn miệng nói về con cô Vân trên cơ quan học rất giỏi, đoạt học bổng rồi đi du học nước ngoài. Mẹ cũng kể về anh A, chị B nhà bác Liên giỏi giang có tiếng. Rồi mẹ than thở khi chị em tôi không có thành tích để khoe. Thế là suốt thời chúng tôi còn học cấp I, cấp II, cấp III, mẹ đều bí mật đi “ngoại giao” để chị em tôi được danh hiệu học sinh giỏi. Mãi đến khi biết điều này, tôi thấy rất xấu hổ với thầy cô, bạn bè. Thú thật có lúc tôi không dám nhìn thẳng vào mặt thầy, cô giáo mỗi khi trả bài kiểm tra. Khi bạn bè xì xầm to nhỏ, tôi luôn chột dạ, chả khác gì “có tật giật mình”. Tôi phản ứng quyết liệt thì mẹ phân trần: “Phải dùng tiền mua danh chứ con. Thời buổi này nhục nhất là không có học, là dốt nát bị người ta khinh thường, con hiểu chưa?”.
Làm bài kiểm tra bị điểm kém, tôi chẳng dám khai thật với bố mẹ vì sợ bị đánh đòn, bị mắng mỏ. Chính vì áp lực từ sự kỳ vọng của bố mẹ buộc tôi cũng phải cố gắng đối phó, quay cóp, dùng tài liệu, dùng phao trong các giờ thi, kiểm tra. Bố mẹ “ru ngủ” chúng tôi bằng một tương lai đã được sắp đặt sẵn. Thế nên ngồi trên ghế nhà trường, tôi chẳng phải lo sau này sẽ làm ở đâu. Tôi cũng không có chính kiến hay cái tôi cá nhân gì cả. Tôi chẳng biết mình thích học gì, theo đuổi ngành gì. Bố mẹ thích nghĩa là tôi sẽ phải thích và phải... theo!
Vì vậy sau khi trượt đại học, bố mẹ đã lo cho tôi đi du học ở nước ngoài, sau đó làm nghiên cứu sinh luôn. Hành trang tôi mang theo bước vào đời chỉ là sự giả dối như thế.
Tôi chỉ còn biết vâng lời để làm một đứa con ngoan, một học trò giỏi bằng cái “mác” giả tạo. Chưa khi nào tôi được bước đi trên đôi chân của mình. Nhưng với bố mẹ thì điều đó chẳng hề quan trọng. Bố thường bảo: “Với năng lực của chúng mày thì thả ra đường chỉ có chết đói”. Tôi tự ái nhưng vẫn phải chấp nhận “sống chung với lũ”. Bởi ngày hôm nay tôi có được những tờ giấy khen treo trên tường, được học ở nước ngoài là nhờ vào sự mạnh bạo, chịu chi đồng tiền của bố mẹ. Tôi còn biết trách ai?
Thú thật khi đối mặt với những khó khăn của mình, tôi không phải nhúng tay vào. Tất cả đều đã có bố mẹ gửi gắm cả rồi. Tiền thiếu thì bố mẹ cấp. Tôi cứ sống tựa như một con robot đã được lập trình sẵn mà không được phản ứng, không được kêu ca, không được nói lên suy nghĩ, nguyện vọng của mình.
Tất cả chỉ vì bố mẹ muốn chúng tôi là “cái gì đó” để nở mày nở mặt với đồng nghiệp, bạn bè. Có lúc tôi cũng chột dạ, ngỡ ngàng vì mình được bao bọc, lồng kính quá kỹ. Giá như tôi được đi trên đôi chân mình thì dù không có nhiều thành tích, không thành đạt tôi vẫn có cái để tự hào.
Dường như tôi đã được sống chung với sự giả dối từ thuở bé nên thành quen. Có lúc tôi muốn tháo cũi sổ lồng nhưng thật không phải dễ. Đến em trai tôi cũng vậy, tất cả những danh hiệu của chị em tôi đều được đổi từ đồng tiền và mối quan hệ rộng rãi của bố mẹ.
Tôi không biết rồi chị em tôi còn là những con robot giả dối đến bao giờ nữa?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận