02/06/2013 09:09 GMT+7

"Tôi bị kết tội giết người!"

TRUNG CƯỜNG (ghi theo lời kể của anh Hồ Hữu Hiếu)
TRUNG CƯỜNG (ghi theo lời kể của anh Hồ Hữu Hiếu)

TT - Người kể chuyện kỳ này là anh Hồ Hữu Hiếu, bị cáo buộc là thủ phạm trong vụ án giết người cướp của dã man ở Kiên Giang và bị giam oan 2 tháng. Anh được thả ra, nhưng lại bị cơ quan điều tra chuyển sang khởi tố tội đánh bạc.

OK9CrVf9.jpgPhóng to
Anh Hồ Hữu Hiếu - Ảnh: TR.C.

3 người “đánh bạc” đều phủ nhận

Ông Trần Văn Miên, tổ 1, xã Gành Dầu, nói: “Từ khi xảy ra vụ án, công an tỉnh triệu tập tôi làm việc sáu lần. Ba lần đầu hỏi về việc Hiếu giết người, ba lần sau hỏi về việc Hiếu đá gà, cờ bạc. Tôi không tin Hiếu giết người và muốn giúp Hiếu không bị mang tiếng oan giết người nên lần làm việc thứ năm với công an, tôi khai có đá gà 500.000 đồng với Hiếu để Hiếu sớm được thả, mặc dù tôi và Hiếu không hề đá gà”.

Ông Huỳnh Văn Lài, tổ 5, xã Gành Dầu, cho biết: “Khoảng tháng 11-2012, công an tỉnh mời tôi lên làm việc ở Công an xã Gành Dầu, nói Hiếu khai có đá gà với tôi. Tôi không có đá gà nên không nhận. Công an nói nếu tôi không nhận sẽ triệu tập về tỉnh. Sau đó tôi nhận giấy triệu tập của công an tỉnh vào TP Rạch Giá nhưng tôi làm đơn xin không đi vì không có tiền. Từ đó đến nay không thấy công an tỉnh gọi nữa”.

Ông Huỳnh Văn Dìn, tổ 1, xã Gành Dầu: “Công an mời tôi lên làm việc nói Hiếu khai tôi có góp 500.000 đồng đá gà với Hiếu. Thực tế tôi không có góp tiền nhưng tôi nhận đại để giúp Hiếu được thả”.

Từ một người đang chí thú làm ăn, bỗng dưng oan trái đổ ập xuống gia đình tôi khi tôi bị Công an tỉnh Kiên Giang bắt giam về tội giết người.

Chắc nhiều người còn nhớ bản tin chấn động cuối tháng 9-2012 trên nhiều tờ báo về vụ chém giết ba mẹ con để cướp 4 lượng vàng tại huyện Phú Quốc. Dẫn nguồn từ Công an tỉnh Kiên Giang, báo chí miêu tả Lê Thành Nam (49 tuổi) rủ tôi (Hồ Hữu Hiếu, 33 tuổi) đột nhập nhà chị Nguyễn Thị Phi, đâm, đánh chị đến bất tỉnh, lấy toàn bộ nữ trang tổng cộng hơn 4 lượng vàng. Hai con 9 tuổi và 6 tuổi của chị Phi thức giấc kêu cứu thì bị hung thủ đánh tới tấp vào đầu. Chị Phi và đứa con nhỏ thoát chết, nhưng cháu C. 9 tuổi đã tử vong. Vụ án đã gây sự phẫn nộ cho nhiều người.

Đầu tháng 10, khi tôi đang ở gần nhà thì nhận điện thoại của một anh công an huyện rủ uống cà phê. Khi tôi tới quán mới nói được mấy câu thì mấy người công an xuất hiện còng tay tôi kêu về xã nói chuyện. Tôi ngỡ ngàng không biết vì sao bị bắt. Khi về xã, tôi bị khám xét người và hỏi giấu vàng ở đâu.

Tôi một mực nói không biết gì. Sau đó tôi được chuyển về trại tạm giam công an tỉnh. Tháng đầu tiên, điều tra viên liên tục hỏi tôi về vụ giết người, cướp tài sản. Khi đó tôi mới biết Nam khai tôi là đồng phạm. 25 ngày sau, tôi không bị hỏi gì nữa. Tiếp đó, điều tra viên yêu cầu tôi viết tờ khai phạm tội đánh bạc rồi được thả về, sau khi được thả công an sẽ hủy tội danh đánh bạc cho tôi, nếu không tôi sẽ bị tạm giam thêm 4 tháng nữa. Do nôn nóng được về với gia đình nên tôi khai đại có cá độ hai trận đá gà, hai trận đá banh trong tháng 3 và 4-2012, tổng cộng 9,5 triệu đồng.

Ngày 12-12-2012, Công an tỉnh Kiên Giang thay đổi quyết định khởi tố bị can đối với tôi, chuyển từ tội giết người, cướp tài sản sang tội danh đánh bạc.

Hai ngày sau có quyết định của Viện KSND tỉnh Kiên Giang và tôi được thả. Ngày 11-3-2013, Công an tỉnh Kiên Giang triệu tập tôi và đề nghị tôi làm đơn xin miễn truy cứu trách nhiệm hình sự vụ đánh bạc nhưng tôi không đồng ý vì tôi không đánh bạc. Tôi làm đơn kêu oan gửi Viện kiểm sát và Công an tỉnh. Cuối tháng 3-2013, Công an tỉnh Kiên Giang trả lời đơn khiếu nại rằng việc chuyển tội danh là đúng và “tiếp tục điều tra, xử lý bị can Hiếu về hành vi đánh bạc”.

Khi tôi bị bắt oan, gia đình tôi phải “khắc phục hậu quả” cho bị hại về vật chất (20 triệu đồng), mẹ tôi suy sụp tinh thần, dù già yếu nhưng phải đến nhà bị hại làm không công một tháng trời để chuộc tội cho tôi. Vợ con tôi bị hàng xóm kỳ thị, sợ bị trả thù nên phải về Đồng Tháp lánh nạn. Con đầu tôi 5 tuổi phải dở dang việc học, còn con nhỏ 6 tháng tuổi cũng bị ảnh hưởng vì vắng bóng cha. Trước nay tôi là trụ cột nuôi sống cả gia đình, từ khi ra tù đến nay việc buôn bán của tôi phải dẹp bỏ do mất hết các mối mua hải sản. Hiện gia đình tôi rất khó khăn, nợ nần ngân hàng và bên ngoài rất nhiều, phải trả lãi hằng tháng.

Khi tôi bị bắt, một lãnh đạo cơ quan cảnh sát điều tra công an tỉnh tuyên bố chắc nịch với mẹ tôi và xóm làng rằng “Hiếu giết người” khiến mẹ tôi chết lặng. Nhưng khi tôi được thả ra thì ngoài quyết định được thả, tôi không được cơ quan nhà nước nào đứng ra minh oan, bồi thường thiệt hại. Biết tin tôi được thả, gia đình bị hại bức xúc đòi giết tôi, khiến tôi không dám về nhà. Đến khi cơ quan điều tra dẫn Lê Thành Nam về Gành Dầu dựng lại hiện trường và Nam thừa nhận do ghét tôi nên khai tôi cùng thực hiện vụ cướp với anh ta, gia đình bị hại mới hiểu và thông cảm.

Mới đây gia đình bị hại nhận được thông báo mời dự phiên tòa xét xử Lê Thành Nam về tội giết người, cướp tài sản. Còn tôi gửi đơn khiếu nại nhiều nơi nhưng vẫn chưa tìm được công lý. Từ khi tôi được thả, điều tra viên đã nhiều lần gọi điện, gặp tôi nói tôi thông cảm cho họ về việc bắt oan sai nhưng tôi không đồng ý. Chẳng lẽ tôi không được cơ quan nhà nước chính thức công khai xin lỗi, bồi thường thiệt hại vì bị bắt oan về tội giết người? Chẳng lẽ sắp tới đây tôi lại phải mang án oan về tội đánh bạc?

Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Kiên Giang: Không có chuyện dọa ép Hiếu nhận tội đánh bạc

Trả lời báo Tuổi Trẻ về việc tại sao bắt giam anh Hồ Hữu Hiếu về tội giết người nhưng sau đó chuyển qua khởi tố tội đánh bạc, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Kiên Giang cho biết: “Trong quá trình điều tra vụ án giết người, cướp tài sản xảy ra ngày 25-9-2012 tại xã Gành Dầu, huyện Phú Quốc, bị can Lê Thành Nam khai nhận cùng Hồ Hữu Hiếu thực hiện vụ án, trong đó Nam là người khởi xướng, còn Hiếu trực tiếp thực hiện. Căn cứ kết quả điều tra vụ án cũng như trên cơ sở lời khai của Nam, cơ quan cảnh sát điều tra bắt khẩn cấp Hiếu, sau đó khởi tố và áp dụng biện pháp tạm giam để điều tra. Sau quá trình điều tra đã có đủ cơ sở, tài liệu, chứng cứ kết luận bị can Hiếu không phạm tội “giết người, cướp tài sản” mà phạm tội “đánh bạc”. Do đó, cơ quan điều tra ra quyết định thay đổi khởi tố bị can và Viện KSND tỉnh phê chuẩn quyết định”.

Về câu hỏi “có hay không việc điều tra viên dọa gia hạn tạm giam để ép Hiếu nhận tội đánh bạc?”, cơ quan CSĐT cho rằng do được động viên, giáo dục nên anh Hiếu thành khẩn khai báo, tự viết hai bản tường trình về hành vi đánh bạc. Cơ quan điều tra đã làm việc với một người trực tiếp đánh bạc với Hiếu và ba người góp tiền với Hiếu để đánh bạc. Những người này đều xác nhận Hiếu có hành vi đánh bạc. Trên cơ sở đó, cơ quan điều tra đủ căn cứ khởi tố Hiếu về tội đánh bạc. Cơ quan CSĐT khẳng định: “Riêng việc Hiếu cho rằng bị điều tra viên dọa gia hạn tạm giam để ép Hiếu nhận tội đánh bạc là hoàn toàn không có cơ sở”.

N.TRIỀU

Cần đình chỉ điều tra và bồi thường thiệt hại

Việc chuyển từ tội danh giết người sang tội đánh bạc đối với anh Hồ Hữu Hiếu dễ làm người khác liên tưởng công an muốn trốn tránh trách nhiệm bồi thường oan sai nên đã cố “biên kịch” ra một tội danh khác để hợp thức hóa việc bắt giữ anh Hiếu, vì tội giết người và tội đánh bạc không có bất kỳ một mối liên hệ nào.

Việc thay đổi tội danh có thể xảy ra trong trường hợp cần xác định lại tội danh khác chính xác hơn. Ví dụ: lúc đầu khởi tố về tội “giết người” nhưng sau đó xác định lại là “tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh” hoặc “tội vô ý làm chết người” hay “tội cố ý gây thương tích”... Tức là giữa chúng phải có một mối liên hệ cơ bản nhất định về hành vi đã thực hiện.

Trong trường hợp anh Hiếu, thiết nghĩ cơ quan điều tra nên đình chỉ điều tra đối với tội giết người. Anh Hiếu cần phải được xem xét bồi thường thiệt hại. Sau đó, nếu có đủ bằng chứng để chứng minh anh phạm tội đánh bạc thì khởi tố tội này, chứ không được “chuyển đổi” như vậy.

Theo Công an tỉnh Kiên Giang, trong quá trình bị điều tra về tội giết người, anh Hiếu đã được vận động “khai thêm” các hành vi sai phạm khác như tội đánh bạc. Không có bất kỳ một vật chứng hoặc chứng cứ nào kèm theo.

Theo điều 72 Bộ luật tố tụng hình sự quy định: lời nhận tội của bị can, bị cáo chỉ có thể được coi là chứng cứ nếu phù hợp với các chứng cứ khác của vụ án. Không được dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để kết tội.

Những người được cho là có liên quan việc đánh bạc cũng đã phủ nhận lời khai. Do đó những lời khai này không thể được xem như là chứng cứ chứng minh anh Hiếu phạm tội. Do đó theo tôi, Công an tỉnh Kiên Giang chưa có đầy đủ chứng cứ để chứng minh anh Hiếu thực hiện hành vi đánh bạc.

Luật sư Trương Xuân Tám (phó chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu)

TRUNG CƯỜNG (ghi theo lời kể của anh Hồ Hữu Hiếu)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp