21/09/2021 11:44 GMT+7

Tôi bay mùa dịch

NGUYỄN CHI ANH ĐÀI
NGUYỄN CHI ANH ĐÀI

TTO - Đã bay quốc tế không biết bao nhiêu chuyến nhưng tôi chưa bao giờ có hành trình bay kỳ lạ thế này, từ việc yêu cầu xét nghiệm COVID-19 mỗi nước mỗi kiểu, đến thủ tục kiểm tra kéo dài hàng chục phút và máy bay hạ cánh vét khách như… xe buýt.

Tôi bay mùa dịch - Ảnh 1.

Phi trường quốc tế Los Angeles (Mỹ) đỡ vắng vẻ hơn các phi trường ở Úc - Ảnh: ANH ĐÀI

Dù tôi đã chích ngừa đủ hai liều vắc xin COVID-19, nhưng việc xét nghiệm để có kết quả âm tính trước khi lên máy bay vẫn bắt buộc.

"Giấy thông hành" xét nghiệm COVID-19

Tuy có thể dễ dàng đến xét nghiệm COVID RT-PCR miễn phí tại rất nhiều địa điểm trên toàn nước Úc, nhưng để kết quả của tôi được công nhận khi ra nước ngoài thì phải đem hộ chiếu đến làm xét nghiệm tại các phòng lab được Chính phủ Úc công nhận, với giá xét nghiệm khoảng 150 đôla Úc (khoảng 2,5 triệu đồng Việt Nam).

Chuyến bay của tôi quá cảnh ở Singapore, nhưng vì nghĩ điểm đến cuối cùng là Mỹ nên tôi chỉ để ý theo quy định của Mỹ. Như đa số các nước, Mỹ cũng yêu cầu phải làm xét nghiệm COVID RT-PCR trong vòng 72 giờ trước khi lên máy bay.

Trước giờ lên đường ba ngày, tôi đang vừa chuẩn bị đi xét nghiệm COVID-19 thì nhận được email của Hãng hàng không Singapore thông báo kể từ ngày 9-9 Singapore yêu cầu phải thử COVID-19 trong vòng 48 tiếng chứ không phải 72 tiếng như quy định trước đây, điều này áp dụng cho cả những người quá cảnh Singapore. 

Thế là tôi phải hoãn lại một ngày vì nếu xét nghiệm sớm hơn thì kết quả lại không được Singapore công nhận.

Một chuyến bay qua năm phi trường

Mùa dịch nên vé máy bay cũng khó mua hơn lúc bình thường. Vé từ Úc đi Mỹ không đắt đỏ lắm, nhưng chiều từ Mỹ về lại Úc thì có tháng lên đến… trên 20.000 đôla Úc (hơn 300 triệu đồng), hơn gấp mười mấy lần so với vé mua cùng mùa vào thời điểm COVID-19 chưa làm đóng băng các hoạt động. 

Vì có ít chuyến bay nên thời gian chờ đợi quá cảnh ở các phi trường cũng dài hơn. Tìm vé bay trong tháng 8 để bay từ Melbourne sang miền bắc California thì tổng thời gian bay và chờ đợi là từ 38 tới 52 tiếng, trong khi trước đây chỉ khoảng 18 tới 20 tiếng.

Vì thuộc diện "dân nghèo thành thị", không chịu nổi với giá vé "cắt cổ" đó nên tôi dời ngày về sang một tháng khác thì giá đã giảm hẳn, không chênh lệch quá nhiều so với trước khi có dịch COVID-19. Tuy nhiên, giá giảm nhưng thời gian chờ đợi quá cảnh cũng vẫn rất dài, có nơi phải chờ hơn 24 tiếng. 

Tôi tìm mãi mới may mắn có chuyến bay tổng cộng 36 giờ quá cảnh ở hai phi trường. Lúc tôi mua vé thì không thấy lịch trình có ghé qua Tokyo, nhưng trên đường bay từ Singapore sang Mỹ thì máy bay đã dừng lại ở Nhật để thả và đón thêm khách giống như… xe buýt. Thời dịch, hãng bay ế ẩm mà!

Thế là hành trình từ Melbourne sang Mỹ mùa dịch của tôi đã được dịp trải nghiệm qua năm phi trường của bốn nước: Melbourne (Úc), Changi (Singapore), Tokyo (Nhật) và hai phi trường ở Mỹ. Cũng nhờ vậy, tôi mới trải nghiệm được sự "đìu hiu quạnh vắng" của đa số phi trường các nước trong mùa dịch.

Tuy nhiên, tôi nói đa số chứ không phải là tất cả bởi không khí ở phi trường Mỹ có vẻ khác hẳn so với ba nước tôi đã dừng chân trước đó. 

Lượng khách tuy có giảm đi, và ngoại trừ việc phải đeo khẩu trang như quy định các nơi trong thời điểm hiện tại, thì phi trường ở cả hai thành phố thuộc tiểu bang California (Mỹ) cũng không thấy thay đổi gì nhiều so với lúc tôi tới trước khi có đại dịch.

Tôi bay mùa dịch - Ảnh 2.

Tác giả và cảnh vắng lặng ở phi trường Melbourne, Úc

Chưa lúc nào tôi thấy hải quan phi trường Melbourne lại có dịp "ngồi chờ thời" như giờ. Đoạn đường từ chỗ quầy check-in tới cổng an ninh lúc đó chỉ có mỗi mình tôi. Cả một khu vực hải quan trước đây vốn lúc nào cũng bận rộn cả ngày lẫn đêm, bây giờ chỉ có ba nhân viên ở cửa kiểm tra hành lý xách tay và một nhân viên ngồi kiểm tra hộ chiếu.

"Vắng như chùa Bà Đanh"

Đầu tiên là phi trường Melbourne. Tôi đến phi trường này rất nhiều lần, kể cả ban ngày lẫn đêm khuya, nhưng chưa khi nào tôi thấy kỳ lạ như bây giờ. Phi trường Melbourne trước đây không lúc nào vắng người mà giờ đi một hồi không thấy ai, đứng mua đồ ăn không phải chờ trong khi trước đây phải xếp hàng dài. Chuyện chưa từng có trước đây. 

"Thiệt chưa từng có!" - ông Murphy nói to, không rõ vì ông đang phấn khích bởi sự kiện lạ lùng này hay bởi vì ông đang phải giữ khoảng cách với tôi trên hai thước và đeo khẩu trang theo quy định. Ông đã được Chính phủ Úc cấp phép để sang Anh quốc, cũng đi cùng chuyến với tôi trên chuyến bay quá cảnh Singapore. 

Ông nói thêm: "Không dễ gì mà có được trải nghiệm kỳ lạ này!".

Chuyến bay của tôi đêm khuya nên phi trường càng vắng lặng. Các quầy check-in tự động đều đóng máy. Trước đó, tôi cũng không thể làm thủ tục check-in trước qua mạng được vì phải kiểm tra giấy tờ trực tiếp tại phi trường. 

Chuyến bay từ phi trường Melbourne đến Changi chỉ khoảng 30 hành khách. Nhìn thấy có khoảng 10 bàn đăng ký với khoảng 20 nhân viên tại quầy check-in khiến tôi nghĩ thủ tục sẽ rất nhanh chóng. 

Nhưng trái với suy nghĩ của tôi cũng như những hành khách khác, thời gian làm thủ tục cho từng người (hoặc từng gia đình đi cùng nhau) trung bình là 30 phút, có người tới hơn 40 phút.

Thủ tục không chỉ là xét duyệt hộ chiếu, vé máy bay, cân hành lý như trước đây, mà đặc biệt là kiểm tra đủ các loại giấy tờ như việc xét nghiệm COVID-19, giấy phép của Chính phủ Úc cho phép xuất cảnh… 

Tôi được kiểm tra xong ở bàn này lại bị chỉ sang bàn khác kiểm tra một lần nữa. Nhiều khách sốt ruột vì sợ trễ giờ, nhưng cuối cùng các thủ tục cũng giải quyết xong để kịp chuyến bay.

Tôi bay mùa dịch - Ảnh 4.

Máy bay lớn mà chỉ 30 hành khách, tha hồ “nằm thẳng cẳng” như hạng thương gia

Tha hồ ngủ thẳng cẳng

Dù đi hạng vé phổ thông nhưng tôi cảm giác như đang được ngồi hạng thương gia. Bởi trong một khoang hơn trăm ghế mà có chưa tới mười hành khách. Cả dãy ghế trước, sau và bên cạnh tôi không có ai ngồi. Một mình một cõi, tôi được dịp nằm ngủ thẳng cẳng suốt cả chuyến bay dài từ Melbourne tới Los Angeles.

Tới phi trường Changi, mọi người được "lệnh" xếp thành một hàng rồi đi theo hướng dẫn. Chuyến đi không ai biết ai và điểm đến của các hành khách cũng khác nhau, nhưng nhìn vào giống đang đi du lịch theo đoàn. 

Mọi người lần lượt nối đuôi nhau đi thành một hàng, đi khoảng 30 phút đến khu vực để chuyển tiếp sang các chuyến bay kế tiếp thì mọi người phải ngồi trong khu vực đó chờ chứ không được phép đi lung tung ra ngoài.

Tôi từng nghe nói phi trường Changi có "khu vườn ma thuật" Jewel rất đẹp, nay có dịp quá cảnh ở Singapore nhưng lại không được phép ra tham quan. Bỏ lỡ dịp chiêm ngưỡng một kỳ quan nhưng tôi cũng không tiếc vì lại được trải nghiệm phi trường mùa dịch mà không mấy khi có được cơ hội này, dù cũng không ai muốn lặp lại như thế!

Phi trường ở Tokyo cũng đìu hiu không kém. Máy bay dừng lại ở Nhật vào khoảng 4 - 5 giờ chiều, là giờ cao điểm nhưng cũng rất vắng lặng. Hầu hết các cửa hàng trong phi trường đều đóng cửa.

Trước đây tôi thường cho rằng xe cộ trên đường còn có lúc vắng lúc thưa, chứ việc phi trường vắng lặng như giờ là chuyện không thể xảy ra. Đại dịch COVID-19 đã cho thấy những chuyện tưởng chừng không thể đều là có thể, để biết trân trọng và khiêm cung hơn với những gì mình đang có!

Những rào cản

Trước đây, các nước châu Âu thuộc khu vực Schengen muốn sang Mỹ không khó. Nhưng hiện tại, ngoại trừ những trường hợp được xét ưu tiên, Mỹ đang cấm nhập cảnh ở những nước có số ca nhiễm tăng đáng ngại.

Người chị của tôi ở Hà Lan đã chờ đợi suốt mấy tháng trời vì nước này cũng nằm trong "danh sách đen lây nhiễm", nên tuy đã có giấy miễn thị thực mà vẫn chưa được Mỹ cứu xét cho phép nhập cảnh.

Trong khi Chính phủ Hà Lan không ngăn cấm người dân xuất cảnh dù đang trong mùa dịch, mà khó khăn chỉ là từ phía Mỹ không cho phép nhập cảnh. Ngược lại, Úc không nằm trong danh sách bị Mỹ cấm nhập cảnh, nhưng vấn đề ở chỗ là làm sao để được ra khỏi Úc khi tình hình ở đây đang trong cảnh "nội bất xuất, ngoại bất nhập"!?

Để làm thủ tục xin phép xuất cảnh, tôi cần phải viết "lá thư trần tình", nộp đầy đủ hồ sơ cần thiết làm sao để đủ sức thuyết phục Chính phủ Úc lý do xuất cảnh là chính đáng thì mới được cấp phép "bay trong mùa dịch".

Sống chung với virus: Con đường phía trước Sống chung với virus: Con đường phía trước

TTCT - Việc mở cửa nền kinh tế trong khi dịch bệnh phần nào được kiểm soát là điều bắt buộc mà bất cứ quốc gia nào cũng phải tiến hành. Bắt buộc từ nhu cầu tự thân lẫn từ yêu cầu của đối tác quan trọng nhất của mỗi cá nhân...

NGUYỄN CHI ANH ĐÀI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp