Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình khi kiểm tra tình hình tại chốt kiểm soát ở cửa ngõ về miền Tây - Ảnh: ĐAN THUẦN
Hôm qua 29-3, tin dữ ngay đầu giờ sáng khiến ông Giang và nhiều đồng nghiệp bất ngờ. Các y bác sĩ Hà Nội đã có gần 3 tháng chiến đấu với COVID-19 ở TP.HCM nửa cuối năm 2021. Trong số người đồng hành của họ khi ấy có Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoà Bình.
Ông Giang kể: "Tôi vào TP.HCM ngày 28-7-2021 cùng 5 đồng nghiệp Việt Đức, gọi là "tiền trạm" để xây dựng Trung tâm hồi sức bệnh nhân COVID-19. Khi ấy dịch ở TP.HCM đang rất nóng, mỗi ngày có hàng ngàn ca mới, hàng trăm ca nặng và hàng chục ca tử vong.
Ngay khi bước chân rời sân bay Tân Sơn Nhất, chúng tôi đã bất ngờ. TP đáng sống và nhộn nhịp mọi ngày giờ vắng tanh, đường phố không bóng người mà toàn xe cấp cứu cứ một lát lại chạy qua và hú còi.
Chiều hôm ấy chúng tôi được dẫn đi khảo sát địa điểm được giới thiệu là một chung cư ở Thủ Đức. Đặc thù trung tâm cấp cứu đòi hỏi mặt bằng rộng, hành lang và thang máy lớn để vận chuyển bệnh nhân, có hệ thống cung cấp oxy lỏng đến từng giường bệnh... thì tòa chung cư này không đủ điều kiện.
Chúng tôi lại được dẫn đến Bình Chánh, ở đó có một khu vực được TP xây dựng cho bệnh nhân COVID-19 thông thường, với nhiều vách ngăn thành phòng nhỏ, cần phá đi để có mặt bằng, gần như là xây dựng lại, chưa có hệ thống cung cấp oxy... Hàng núi công việc phía trước mà thời gian cần gấp để đón bệnh nhân.
Lúc đó anh Lê Hòa Bình nói: "Chúng tôi sẽ đáp ứng được tất cả yêu cầu của bác sĩ, 5 ngày nữa các bác sĩ có thể đón những bệnh nhân đầu tiên". 5 ngày với bằng ấy công việc, tôi đã nghĩ là rất khó khăn, thậm chí không thể, nhưng anh Lê Hòa Bình, các cộng sự, nhà tài trợ đã cùng xắn tay vào, anh Bình trực tiếp chỉ huy công trình.
Và đúng 5 ngày sau, chúng tôi đã đón được những bệnh nhân đầu tiên. Toàn bộ trung tâm đã được hoàn tất trong thời gian kỷ lục là 11 ngày. Trong gần 3 tháng chúng tôi đã tiếp nhận trên 1.000 người bệnh, tất cả đều rất nặng.
Bệnh viện Việt Đức đã điều động y bác sĩ vào trung tâm theo 2 đợt, với tổng cộng gần 700 người, trung tâm thường xuyên có 500 y bác sĩ làm việc (ngoài y bác sĩ của Bệnh viện Việt Đức còn có Bệnh viện Phụ sản trung ương và Bệnh viện Bưu Điện), rất nhiều người bệnh được cứu sống.
Sáng 29-3, khi nghe tin tôi đã choáng mất một lúc, giờ trong phòng làm việc của tôi vẫn đang treo bức tranh làm từ những hạt gạo mà lãnh đạo TP.HCM mang tặng cho các bác sĩ.
Hôm chia tay, các anh chị ấy đã gọi chúng tôi là "ân nhân của thành phố", nhưng thật ra đó cũng là những ngày chúng tôi không bao giờ quên, và không quên cả những người đồng hành, trong đó có anh Lê Hòa Bình".
Ông Lê Hòa Bình, ông Trần Bình Giang và các cộng sự tính toán trên sơ đồ xây dựng Trung tâm hồi sức người bệnh COVID-19 - Bệnh viện Việt Đức tại TP.HCM - Ảnh: FB ông Trần Bình Giang
Ông Vũ Mạnh Cường, phó vụ trưởng Vụ Truyền thông và thi đua khen thưởng Bộ Y tế, kể: "Tôi gặp anh Lê Hòa Bình lần đầu cách đây 6 năm, khi anh còn là phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM. Chúng tôi tháp tùng lãnh đạo đi kiểm tra tiến độ xây dựng các bệnh viện ở TP.HCM.
Bẵng đi 6 năm, lúc cao điểm dịch tháng 7 và 8-2021 tôi mới gặp lại anh Bình, lúc này anh đã là phó chủ tịch UBND TP.HCM. Vẫn phong cách nhanh nhẹn, nắm sát công việc, chỉ đạo hiệu quả, anh đã hợp tác chặt chẽ với Bộ Y tế và bệnh viện tuyến trung ương để triển khai xây dựng 4 trung tâm hồi sức tích cực điều trị bệnh nhân COVID-19.
Các trung tâm này được thiết lập từ con số 0 trong thời gian ngắn kỷ lục, góp phần làm giảm mạnh số lượng ca tử vong do COVID-19, nhanh chóng đưa thành phố trở lại trạng thái bình thường mới.
Thật bàng hoàng và tiếc thương khi hay tin anh ra đi sáng 29-3 sau tai nạn giao thông. Mong anh an nghỉ".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận