Tiến hành lấy mẫu xét nghiệm cho cư dân tại khu Mả Lạng, TP.HCM ngày 31-5 - Ảnh: TTO
Tính từ 12h đến 18h ngày 31-5 có 85 ca mắc mới được đánh mã số BN7237 - BN7321.
Cụ thể, 82 ca ghi nhận trong nước gồm tại Bắc Giang (43), Bắc Ninh (34), Bình Dương (3), Hà Nội (1), Trà Vinh (1). 3 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Quảng Nam (2), Tây Ninh (1).
Như vậy trong ngày 31-5, Việt Nam ghi nhận thêm 214 ca mắc mới, trong đó nhiều nhất là tại Bắc Giang (134), Bắc Ninh (38), Hà Nội (28).
Có 12 tỉnh (Yên Bái, Quảng Ngãi, Đồng Nai, Nghệ An, Quảng Ninh, Quảng Nam, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đắk Lắk, Nam Định, Hòa Bình, Tuyên Quang) đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới.
Trong ngày có 80 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh.
Cũng theo Bộ Y tế, dự kiến lúc 8h sáng 2-6, Trung tâm hồi sức tích cực (ICU) tại Bệnh viện Tâm thần Bắc Giang sẽ hoàn thiện và tiếp nhận bệnh nhân nặng về đây.
Nhân sự dự kiến khoảng 44 bác sĩ, 88 điều dưỡng và các lực lượng hỗ trợ khác. Khi hoàn thiện, đây sẽ là đơn vị ICU lớn nhất miền Bắc với 100 giường.
Chiều 31-5, thông tin với Tuổi Trẻ Online, đại diện Bộ Y tế cho biết chiều cùng ngày, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có 39 bệnh nhân COVID-19 khỏi bệnh, được cho ra viện. Đây là 39 ca bệnh đầu tiên khỏi COVID-19 trong hơn 2.300 ca nhiễm COVID-19 tại Bắc Giang tính từ ngày 29-4.
Lễ ra viện diễn ra khoảng 16h chiều cùng ngày tại 2 địa điểm điều trị COVID-19 trên địa bàn tỉnh. 39 bệnh nhân được ra viện trên đa số đều là công nhân đang làm việc tại các khu công nghiệp ở Bắc Giang và một số em nhỏ. (PHẠM TUẤN)
Gần 30.000 cán bộ y tế, sinh viên y dược sẵn sàng hỗ trợ Bắc Giang, Bắc Ninh
Theo thông tin của Cục Khoa học công nghệ và đào tạo, Bộ Y tế tính đến chiều 31-5, tổng số cán bộ, giảng viên, sinh viên lên đường tham gia hỗ trợ phòng chống dịch COVID-19 tại Bắc Ninh và Bắc Giang là 2.743 người, gồm lực lượng y bác sĩ, kỹ thuật viên, điều dưỡng… đến từ nhiều bệnh viện, viện và y tế các tỉnh, thành phố; sinh viên các trường đại học, cao đẳng y dược và lực lượng y tế quân y, công an.
Trong đó, đợt 1 từ trước ngày 24-5 là 1.976 người; đợt 2 từ ngày 27 đến 30-5 là 367 người; đợt 3 (ngày 31-5) có 400 người là cán bộ, chuyên gia, học viên, sinh viên của Trường đại học Y Hà Nội, Đại học Y dược Thái Bình và Trường cao đẳng Y tế Hà Nội. Theo đó sẽ hỗ trợ tỉnh Bắc Ninh: 50 người (Trường đại học Y Hà Nội); hỗ trợ tỉnh Bắc Giang: 350 người (gồm Trường đại học Y dược Thái Bình là 70 người; Trường cao đẳng Y tế Hà Nội là 280 người).
Cục Khoa học công nghệ và đào tạo cũng cho biết thêm sau lời kêu gọi của GS.TS Nguyễn Thanh Long - bộ trưởng Bộ Y tế, đến nay đã có 24.413 cán bộ, giảng viên, học viên và sinh viên của 38 trường đại học, cao đẳng ngành y dược đăng ký tình nguyện tham gia phòng chống dịch COVID-19 tại điểm nóng Bắc Ninh, Bắc Giang.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, đây là đợt huy động tổng lực nhân lực y dược đông nhất, lớn nhất trong cả nước nhằm hỗ trợ ngành y tế Bắc Ninh, Bắc Giang chống dịch.
Số ca nhiễm trên thế giới đang giảm
Trong 7 ngày qua, số ca nhiễm mới trên toàn thế giới đã giảm 16%, trong đó châu Đại Dương giảm 41%, châu Âu giảm 25%, châu Á giảm 19% và Bắc Mỹ giảm 19%.
Riêng châu Phi và Nam Mỹ là 2 khu vực ghi nhận số ca nhiễm mới tăng lần lượt ở con số 9% và 1%.
Tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19 kiểu drive-in (ngồi ngay trên xe, tiêm xong rồi đi) ở Ahmedabad, Ấn Độ ngày 27-5. Đây là loại vắc xin do Viện Serum của Ấn Độ sản xuất theo đơn đặt hàng của các hãng dược - Ảnh: REUTERS
Tại Ấn Độ, sáng 31-5, Bộ Y tế cho biết nước này ghi nhận 152.734 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, mức thấp nhất trong 50 ngày trở lại đây, nâng tổng số bệnh nhân lên 28,04 triệu người. Tỉ lệ xét nghiệm dương tính tiếp tục ở mức dưới 10% trong ngày thứ 7 liên tiếp.
Nhưng số ca tử vong theo ngày do COVID-19 ở Ấn Độ vẫn ở mức cao (với 3.128 ca tử vong trong 24 giờ qua), đưa tổng số người không qua khỏi lên 329.100 người.
Đến nay Ấn Độ đã tiêm tổng cộng 213,15 triệu liều vắc xin ngừa COVID-19, tăng thêm 1,01 triệu liều so với ngày 30-5. Hiện chính phủ nước này đang xem xét lại chiến lược tiêm vắc xin của mình và có kế hoạch bắt đầu thử nghiệm tính khả thi của việc tiêm hai loại vắc xin khác nhau, để xem biện pháp này có giúp tăng cường phản ứng miễn dịch với virus hay không.
Chính quyền New Delhi cũng có thể xem xét tác động của việc kéo dài thời gian giữa các liều vắc xin Covishield. Ấn Độ trước đó đã kéo dài khoảng thời gian này từ 6 - 8 tuần lên 12 - 16 tuần.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận