Sau khi UBND TP.HCM chấp thuận cho sử dụng bảng giá đất được ban hành theo Luật Đất đai năm 2013 (nhân với hệ số điều chỉnh giá đất theo quyết định 56/2023) để giải quyết nghĩa vụ tài chính, thuế về đất đai cho đến khi ban hành bảng giá đất mới, chỉ trong ngày 22-9, cơ quan thuế đã giải quyết xong cho 1.800 hồ sơ.
Như vậy vẫn còn 14.000 hồ sơ chờ được xử lý.
Thêm lực lượng, làm thêm giờ để giải quyết hồ sơ tồn đọng
Ngày 23-9, ghi nhận của Tuổi Trẻ tại một số chi cục thuế cho thấy nhiều người dân sốt ruột đã lên cơ quan thuế để hỏi về tiến độ giải quyết hồ sơ, nhưng lượng người đến không quá đông. Cơ quan thuế cũng thông tin đến người dân về ngày trả hồ sơ để người dân biết tiến độ.
Tại Chi cục Thuế quận Gò Vấp, sáng 23-9 có hơn 20 người dân đến làm thủ tục, trong đó có cả những người hỏi kết quả giải quyết hồ sơ, người nộp hồ sơ nhà đất mới và người nộp hồ sơ lệ phí trước bạ xe.
Ngay cửa ra vào và khu vực tiếp dân, cơ quan thuế đã dán thông báo lịch trả kết quả hồ sơ nhà đất.
Theo lịch này, hồ sơ nhà đất còn tồn sẽ được trả từ sáng 24-9 đến 1-10. Trong đó sáng 24-9 sẽ trả hồ sơ mà cơ quan thuế đã nhận từ ngày 1-8 đến 2-8.
Buổi chiều 24-9 sẽ trả hồ sơ mà cơ quan thuế đã nhận từ ngày 3-8 đến 5-8. Theo lịch như vậy đến ngày 1-10 cơ quan thuế trả hết hồ sơ đã nhận ngày 30-8.
Lãnh đạo Chi cục Thuế Gò Vấp cho biết việc niêm yết cụ thể như trên để minh bạch và để người dân biết trước thời điểm sẽ được trả hồ sơ.
Cơ quan này cũng tăng thêm lực lượng cho bộ phận trước bạ nhà đất để đẩy nhanh tiến độ xử lý hồ sơ nhà đất còn tồn đọng.
Chi cục Thuế quận Gò Vấp còn tồn 986 hồ sơ thuế nhà đất, trong đó có 555 hồ sơ nhận trong tháng 8 và 431 hồ sơ nhận trong tháng 9. Trong số này có 789 hồ sơ thuộc diện phải nộp thuế, số còn lại thuộc diện không phải nộp thuế (tặng cho, thừa kế...).
Trong khi đó, Chi cục Thuế quận Bình Thạnh cho biết do đã xử lý trước các hồ sơ thuộc diện không phải nộp thuế như cho tặng, di sản... nên chi cục đang tập trung xử lý các hồ sơ thuộc diện nộp thuế như chuyển nhượng, tính tiền sử dụng đất.
Sáng cùng ngày, có khoảng 10 cuộc gọi thông qua chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai để hỏi về tiến độ giải quyết hồ sơ. Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai cũng đã giải thích cho người dân.
Tại Chi cục Thuế quận 1, theo ghi nhận vào trưa 23-9 cũng có chưa đến 10 người đến nộp hồ sơ thuế. Tại phòng xử lý hồ sơ của Chi cục Thuế TP Thủ Đức, các công chức của bộ phận trước bạ nhà đất cho hay tích cực giải quyết hồ sơ cho người dân.
Trên bàn làm việc của mỗi công chức, các tập hồ sơ nhà đất còn tồn đọng xếp ngay ngắn chồng lên nhau cao quá đầu người. Trong khi đó các hồ sơ nộp dưới hình thức điện tử chưa kịp xử lý cũng còn rất lớn.
Theo các cán bộ tại đây, để đẩy nhanh xử lý hồ sơ cho người dân, một mặt cơ quan thuế sẽ tăng cường thêm lực lượng, một mặt cán bộ thuế sẽ làm thêm giờ.
Vì ngoài hồ sơ cũ còn tồn, còn phát sinh thêm các hồ sơ mới từ văn phòng đăng ký đất đai khiến khối lượng công việc tăng lên.
Người dân, doanh nghiệp vẫn "đứng ngồi không yên"
Tại khu vực tiếp nhận hồ sơ, những người dân và môi giới cũng sốt ruột lên Chi cục Thuế TP Thủ Đức để hỏi thăm về tiến độ xử lý hồ sơ.
Ông Đặng Hùng Khang (môi giới bất động sản) cho biết từ tháng 8 đến nay, ông trực tiếp làm hồ sơ chuyển nhượng cho ba khách hàng bán nhà và đất nền nhưng ách tắc thủ tục tính thuế nên cả ông và khách hàng đều mong ngày mong đêm.
Khi biết các thủ tục đã được khơi thông, ông Khang lên chi cục thuế để hỏi thăm tiến độ. Theo ông Khang, trong các hồ sơ đang chờ tính thuế, có bên mua nhà đang chờ giải ngân khoản vay 1 tỉ đồng nên khi được thông báo sẽ giải quyết nhanh thủ tục thuế, khách hàng "mừng rớt nước mắt".
Cũng theo ông Khang, do biết thủ tục vẫn "đứng hình" nên thời gian qua nhiều người không dám mua nhà trong khi người bán nhà lại không muốn giao dịch với những người ngỏ ý vay ngân hàng bởi tắc khâu giải ngân.
Do đó giới kinh doanh bất động sản kỳ vọng các thủ tục mua bán sẽ bớt ảm đạm hơn khi khâu thủ tục đất đai được thông suốt.
"Giờ hồ sơ còn ùn ứ lại khá nhiều, chúng tôi chỉ mong muốn ngành thuế sắp xếp nhân sự, giải quyết nhanh cho người dân bởi chờ đợi đã gần hai tháng trời. Ngày nào bên mua, bên bán cũng hỏi, hối rất sốt ruột và còn ảnh hưởng đến kế hoạch mua bán của người dân nữa", ông Khang nói.
Tương tự, ông Nguyễn Bình Nam (ngụ quận 7) cho biết hồ sơ mua căn hộ chung cư của ông đã "đứng" gần hai tháng nay trong khi số tiền gần 10 tỉ đồng đã chuyển gần hết cho bên bán.
Do đó ông Nam mong muốn chi cục thuế bố trí nhân lực, ưu tiên giải quyết những hồ sơ đã nộp từ giai đoạn đầu tháng 8, giúp ông sớm xong thủ tục sang tên trên sổ hồng để chính thức nhận nhà.
Còn ông Đặng Đức Bảo (TP Thủ Đức) cho hay ông đã đặt cọc 200 triệu đồng để mua nhà mới trong khi căn chung cư cũng đã bán. Thời gian qua ông đứng ngồi không yên khi bên mua không được ngân hàng giải ngân trong khi khoản tiền mua nhà mới sắp đến thời hạn phải chồng đủ 95% giá trị hợp đồng.
"Chỉ cần cơ quan thuế ra được thông báo đóng thuế thì chỉ cần mất khoảng hai ngày là căn nhà cũ của tôi sang tên được, ngân hàng sẽ giải ngân phong tỏa để tôi đóng tiền mua nhà mới.
Tôi chỉ cầu mong ra thông báo thuế sớm để tôi đi lên ngân hàng đóng tiền, nếu chậm trễ là nguy cơ mất 200 triệu tiền cọc của tôi", ông Nam nói.
Thông thủ tục để thị trường nhà đất ấm lại
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phạm Trọng Phú, giám đốc Công ty quản lý bất động sản Titanium, cho biết do hồ sơ đất đai gặp vướng nên thị trường mua bán nhà đất thứ cấp cũng có phần ảm đạm, chỉ có những dự án bán nhà hình thành trong tương lai là không chịu tác động.
Trong khi đó các giao dịch từ chung cư đã qua sử dụng, nhà riêng, đất nền, nhà phố... đều ảm đạm, thậm chí người dân không giao dịch bởi biết các thủ tục sẽ đứng hình chờ bảng giá đất mới.
Sau khi TP có hướng dẫn áp dụng bảng giá đất hiện hành để giải quyết hồ sơ thuế và thực hiện các thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất, ông Phú kỳ vọng thị trường sẽ vận hành trở lại.
Tuy nhiên, theo ông Phú, cơ quan thuế phải khắc phục những tồn tại thời gian qua, bố trí nhân sự để nhanh chóng giải quyết hồ sơ thuế cho người dân bởi số lượng hồ sơ thuế chưa xử lý tại những địa phương như TP Thủ Đức, huyện Hóc Môn, Củ Chi... còn rất lớn, lên đến hàng ngàn hồ sơ.
Về lâu dài, ông Phú cho rằng các cơ quan chức năng cần phải tính toán tác động của từng chính sách, bao gồm cả luật, nghị định và thông tư hướng dẫn đến thực tiễn cuộc sống, tránh lặp lại sự tắc nghẽn ở khâu thủ tục hành chính khiến mọi giao dịch dân sự của người dân nghẽn theo.
"Ngoài ra TP cũng cần nghiên cứu bảng giá đất để phù hợp với thực tiễn cũng như nhận được sự đồng thuận của người dân trước khi ban hành", ông Phú đề xuất.
Chuyên gia bất động sản Trần Khánh Quang cho rằng việc UBND TP đã ban hành quy định cho phép các cơ quan áp dụng bảng giá đất cũ nhân hệ số điều chỉnh giá đất (hệ số K) để tính thuế cho các hồ sơ nhà đất tiếp nhận từ ngày 1-8 trong lúc chờ ban hành bảng giá đất điều chỉnh mới sẽ giúp khơi thông các thủ tục đất đai.
Đây cũng là động thái giúp tháo gỡ điểm nghẽn trong thực thi công vụ, giúp người dân giải quyết được hồ sơ tính nghĩa vụ thuế, hồ sơ chuyển đổi mục đích sử dụng đất bị "đứng hình" gần hai tháng qua.
"TP đã có văn bản gỡ vướng cho các thủ tục liên quan đến nghĩa vụ đất đai cho các hồ sơ từ 1-8 đến nay tuy chậm nhưng cũng đã thể hiện sự cầu thị, giúp thị trường được vận hành trở lại, người dân cũng sớm hoàn thành các thủ tục", ông Quang nói.
Tuy nhiên, trong quá trình thực thi ba luật gồm: Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản chắc chắn sẽ còn những vướng mắc, phát sinh bởi nhiều nghị định, thông tư vẫn chưa ban hành hết.
"Do đó các cơ quan ban hành và thực thi cần lường trước các tình huống, giải quyết nhanh những vướng mắc, tránh lặp lại những tắc nghẽn kéo dài hàng tháng trời bởi người dân và thị trường sẽ là người chịu ảnh hưởng sau cùng", ông Quang góp ý.
Chỗ được khơi thông, nơi vẫn đang vướng
Ông Nguyễn Bình Thuận, giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bạc Liêu, cho biết ngày 4-9 vừa qua, UBND tỉnh Bạc Liêu đã có văn bản chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tiếp tục căn cứ bảng giá đất đã được UBND tỉnh ban hành năm 2021 có sửa đổi năm 2023 để xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai.
Sở TN&MT cũng được yêu cầu khẩn trương phối hợp với sở, ngành, đơn vị có liên quan rà soát để điều chỉnh bảng giá đất của tỉnh, sớm trình UBND tỉnh xem xét, cho ý kiến xử lý. "Từ khi có chủ trương này đến nay chưa thấy phát sinh các khó khăn, vướng mắc liên quan việc áp dụng giá đất để thực hiện các nghĩa vụ tài chính về đất đai", ông Thuận cho biết.
Theo tham mưu của Sở TN&MT tỉnh Bạc Liêu, bảng giá các loại đất ở tỉnh giai đoạn 2020 - 2024 được áp dụng đến ngày 31-12-2025 (quy định tại điều 257 Luật đất đai năm 2024), trước mắt áp dụng bảng giá đất năm 2021 có điều chỉnh năm 2023 như nêu trên. Cơ quan này cũng đang lập thủ tục xây dựng điều chỉnh bảng giá đất giai đoạn 2020 - 2024 để thực hiện các bước tiếp theo.
Ông Đỗ Thanh Thảo, giám đốc Sở TN&MT Cần Thơ, cho biết trong chiều 24-9 sẽ có buổi làm việc với Cục Thuế, Sở Tài chính TP về vấn đề áp dụng bảng giá đất thế nào để tính thuế, trên cơ sở tham khảo cách làm của TP.HCM. "Sau khi thống nhất, chúng tôi sẽ tham mưu UBND TP Cần Thơ", ông Thảo cho biết.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Thống, đội trưởng Đội tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế trước bạ và thu khác, Chi cục Thuế quận Ninh Kiều, cho biết do chưa có văn bản nào của UBND TP về giá đất theo Luật Đất đai 2024 nên có vướng một số hồ sơ và cơ quan này đã thông báo cho người dân lý do chậm giải quyết.
Đợi cơ quan thuế
Ngày 23-9, ghi nhận của Tuổi Trẻ tại Văn phòng đăng ký đất đai chi nhánh TP Thủ Đức (TP.HCM) cho thấy số người đến thực hiện thủ tục không gia tăng, đông đúc như giai đoạn trước ngày 1-8.
Bên trong văn phòng này có bố trí dãy quầy thu thuế và ngân sách nhà nước của một ngân hàng. Tuy nhiên cả buổi sáng chỉ có vài trường hợp đóng tiền tại quầy này với hồ sơ xóa thế chấp nhà đất đã đăng ký giao dịch bảo đảm.
Một nhân viên tại quầy cho hay thông thường quầy sẽ tiếp nhận, để người dân đóng các khoản thuế, nghĩa vụ tài chính liên quan đất đai sau khi cơ quan thuế đã tính ra con số tiền thuế, nghĩa vụ tài chính liên quan.
"Tuy nhiên từ 1-8 đến nay, do vướng mắc giá đất nên cơ quan thuế chưa tính toán được để người dân đóng tiền. Tôi nghĩ vài ngày tới, khi cơ quan thuế tính tiền xong mới có cơ sở để người dân đóng tiền tại quầy", nam nhân viên nói.
Theo một nhân viên tại Văn phòng đăng ký đất đai chi nhánh TP Thủ Đức, thông thường bình quân mỗi ngày chi nhánh này tiếp nhận hơn 200 hồ sơ.
Trong đó phần nhiều là các trường hợp đi làm thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm, còn lại là các hồ sơ đăng bộ, cấp giấy chứng nhận.
"Các hồ sơ đăng bộ từ văn phòng đăng ký đất đai được chuyển sang cơ quan thuế tính nghĩa vụ tài chính bị vướng tại cơ quan thuế từ 1-8 đến nay. Sau chỉ đạo của UBND TP, chúng tôi cũng đang đợi cơ quan thuế để giải quyết hồ sơ đăng bộ", nhân viên này nói.
Tại Văn phòng đăng ký đất đai TP cũng không có biến động số lượng người đến làm thủ tục. Theo ông Nguyễn Thanh Phong - phó chủ tịch UBND huyện Củ Chi, không có nhiều người đến huyện làm thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất dù địa phương này có nhiều hồ sơ chuyển mục đích nhất bị vướng thuế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận