Lãnh đạo một doanh nghiệp chuyển phát Việt Nam nắm gần 20% thị phần nói rằng cuộc cạnh tranh khốc liệt này diễn ra nhiều năm, nhưng vẫn luôn rất cao trào.
Và có lúc ông đã tự hỏi: Không biết doanh nghiệp trong nước tồn tại ra sao khi hàng ship từ Trung Quốc về tay người dùng Việt Nam rất nhanh, lại mất chỉ 10.000 đồng?
Quả thật, bây giờ đến cái dây buộc tóc hay chai dầu gội, người Việt cũng đặt mua từ gian hàng bên kia biên giới. Liệu có ngày, đến cả vài kg gạo, mớ rau, thịt cũng được ship từ nước láng giềng về?
Nói về ngành logistics Trung Quốc, họ đã tạo ra những bước tiến rất mạnh sau khi đặt ra chuẩn cho ngành thương mại điện tử là "giao hàng ở bất kỳ đâu tại Trung Quốc trong vòng 24 giờ và trên toàn cầu trong 72 giờ".
Có lẽ vì vậy mà ngay cả những gói bột giặt, chai nước rửa chén vốn dĩ bước chân ra khỏi nhà có thể mua được nhưng vẫn được nhiều người Việt đặt về từ bên Trung Quốc.
Trong bối cảnh đó, câu chuyện của ngành giao vận trong nước hiện nay không đơn thuần là sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp chuyển phát.
Nhìn rộng ra còn là vấn đề sản xuất. Sự tiện lợi, nhanh chóng và giá cả quá thấp từ các đối thủ nước ngoài đã và đang tác động rất lớn đến sự phát triển của sản xuất trong nước.
Vậy Việt Nam cần làm gì?
Khi nằm ngay cạnh sát vách một quốc gia có hệ thống logistics vượt trội như Trung Quốc, bài toán cạnh tranh đặt ra rất khốc liệt và cấp thiết.
Dù lý thuyết hay thực tế, doanh nghiệp nào có tốc độ chuyển hàng nhanh hơn, giá cạnh tranh hơn sẽ dễ chiếm ưu thế hơn. Do vậy, làm chủ hệ thống giao hàng, trong đó cốt lõi giải bài toán về công nghệ, sẽ là "quân át chủ bài".
Chính vì thế, một số doanh nghiệp chuyển phát trong nước đã và đang đẩy mạnh đầu tư hạ tầng và công nghệ trong vài năm trở lại đây. Trong đó, áp dụng tối đa việc tự động hóa trong quy trình chia chọn. Đồng thời đầu tư hạ tầng cứng với các kho bãi có quy mô lớn, phủ khắp cả nước.
Bên cạnh những yếu tố mang tính nội tại của doanh nghiệp, nhiều đơn vị trong nước thời gian qua cũng đề nghị hoàn thiện hành lang pháp lý và đẩy mạnh phát triển hạ tầng logistics.
Một số doanh nghiệp cho rằng việc chỉ định đơn vị giao hàng trên các sàn thương mại điện tử có dấu hiệu cạnh tranh không lành mạnh. Bởi đa số các sàn nước ngoài hiện nay ở Việt Nam không cho phép người bán, người mua lựa chọn đơn vị vận chuyển.
Thay vào đó, họ tự thành lập các đơn vị chuyển phát riêng trực thuộc sàn và đẩy hết sản lượng qua. Việc này chưa được luật quy định rõ ràng, trong khi có ảnh hưởng rất lớn tới doanh nghiệp trong nước.
Hôm 27-11, một diễn đàn doanh nghiệp bưu chính năm 2023 với chủ đề "Cạnh tranh lành mạnh, phát triển bền vững thị trường bưu chính" đã diễn ra tại TP.HCM.
Các chủ đề được bàn luận sôi nổi là vấn đề cạnh tranh giá cước, chương trình khuyến mãi cũng như việc lựa chọn đơn vị vận chuyển của các sàn thương mại điện tử.
Các doanh nghiệp đều kỳ vọng vào việc hoàn thiện chính sách, hành lang pháp lý sắp tới để nâng cao sức cạnh tranh của hệ thống giao vận trong nước, đồng thời lấy lại những ưu thế về sản xuất nội địa.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận