Rạng sáng 14-4 theo giờ Việt Nam, Iran tấn công Israel bằng hàng trăm máy bay không người lái (drone) và tên lửa.
Diễn biến này đánh dấu lần đầu tiên Iran trực tiếp tấn công Israel, chấm dứt giai đoạn dài thể hiện sự thù địch thông qua các lực lượng ủy nhiệm.
Đây cũng là cái đỉnh mới nhất trong những bước leo thang gần đây, từ việc Israel tấn công tổ chức Hồi giáo Hamas của người Palestine, giao tranh giữa Israel với các tổ chức Hồi giáo thân Iran, cho tới việc Iran tố cáo Israel giết các tướng lĩnh Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC).
Phản ứng tiếp theo của Israel sau khi bị Iran tấn công sẽ mở ra tương lai của xung đột Trung Đông. Tuy nhiên, có vẻ các bên luôn hành động lý trí và có phương pháp để kiểm soát tình hình.
Iran tấn công Israel một cách "vừa phải"
Phái đoàn thường trực của Iran tại Liên Hiệp Quốc khẳng định việc Iran tấn công Israel là hợp pháp, dựa trên điều 51 Hiến chương Liên Hiệp Quốc.
Iran nhấn mạnh hành động quân sự vừa qua là "quyền tự vệ hợp pháp", xuất phát từ lời đáp trả dành cho vụ Israel tấn công tòa nhà ngoại giao Iran ở Syria trước đó.
Trình bày về vụ tấn công quy mô lớn nhắm vào Israel ngày 14-4, Iran đồng thời nhấn mạnh cuộc tấn công này coi như đã "kết thúc".
Phái đoàn Iran đã cảnh báo nếu Israel mắc thêm sai lầm nữa, phản ứng của Tehran sẽ khủng khiếp hơn nhiều. Ngoài ra, họ lưu ý đây là cuộc xung đột giữa Iran và Israel, vì vậy "Mỹ nên tránh ra xa".
Thông điệp của Iran đã rõ ở hai điểm.
Thứ nhất, chữ "kết thúc" đồng nghĩa Iran sẽ không tiếp tục tấn công Israel cho đến khi có diễn biến căng thẳng mới. Nói cách khác, lời đáp trả của Iran đã xong, không còn tiếp tục đe dọa trong ngắn hạn.
Thứ hai, nếu kịch bản sa lầy vào chiến tranh Trung Đông là điều Mỹ không mong muốn, Washington cũng nên đứng ra xa. Sẽ không có chuyện Iran tấn công người Mỹ lúc này.
Iran, Israel và Mỹ cùng đá "tiki-taka"?
Quân đội Israel cho biết vụ tấn công của Iran làm hư hại cơ sở hạ tầng quân sự của nước này. Tuy nhiên chưa có báo cáo thiệt hại nhân mạng, và phía quân đội cũng không ra bất kỳ khuyến cáo trú ẩn nào cho người dân. Mọi chuyện đơn giản tạm chấm dứt.
Kịch bản này diễn ra khá hợp lý với dự đoán từ trước của Mỹ. Washington tin rằng Iran sẽ hành động trong mức cho phép và không để xung đột leo thang dẫn tới chiến tranh diện rộng.
Do đó Mỹ sẽ cố gắng bảo vệ Israel trước các cuộc không kích và hy vọng Israel không đáp trả bằng cách tấn công lãnh thổ Iran.
Chưa rõ Israel thực sự sẽ phản ứng như thế nào theo cái mà quân đội nước này gọi là "đáng giá". Tuy nhiên, có những tín hiệu cho thấy khả năng dẫn tới chiến tranh khu vực khá thấp, theo nhận định của Trung tâm nghiên cứu Atlantic Council.
Iran đã giữ thể diện với màn tấn công quy mô lớn. Israel không chịu tổn thất đến mức "mất mặt". Mỹ có thể hài lòng với kịch bản đúng dự đoán. Câu chuyện này nếu kết thúc tại đây sẽ không gây ra hậu quả nghiêm trọng nào hơn.
Atlantic Council phân tích rằng Iran đã mắc sai lầm chiến lược nghiêm trọng, dù vẫn thành công trong việc thể hiện khả năng răn đe Israel.
Vụ tấn công này sẽ giúp củng cố lập trường của Israel trong việc tiêu diệt Hamas. Thay vì để Israel tự động trong tình trạng "chia rẽ" giữa việc cố đánh Hamas hay ưu tiên đàm phán cứu con tin, vụ tấn công của Iran là minh chứng, giúp Israel đoàn kết và quyết tâm diệt Hamas để "đề phòng hiểm họa".
Trong khi đó Israel có thể cũng hiểu rõ ưu tiên quét sạch Hamas ở Dải Gaza không nên bị phân tán bằng việc lao vào một cuộc chiến toàn diện với Iran và các lực lượng ủy nhiệm.
Sẽ còn nhiều biến số trong những ngày tới, nhưng tính đến nay có vẻ màn "ban bật" giữa Iran, Israel và Mỹ đang ổn thỏa.
Những phân tích như của Atlantic Council nêu trên, vô tình hay hữu ý, có thể là một cách truyền thông hiệu quả của các chiến lược gia Mỹ, tạo dư luận tốt giúp Israel giữ thể diện mà không cần một lời đáp trả quá gay gắt với Iran.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận