Quyển cuối cùng trong Toàn tập Nhật ký Hitler còn sót lại được bán đấu giá năm 2004 tại Berlin - Ảnh: AFP
Dù kỹ thuật viết lỏng lẻo, chất liệu giấy rất mới, cả chữ viết tắt tên cũng không đúng... nhưng Toàn tập Nhật ký Hitler này đã qua mặt hàng loạt sử gia tên tuổi khiến tòa soạn Stern, Đức mua đứt với giá 2,35 triệu bảng Anh - tương đương 9,3 triệu Mark Đức.
Chính Konrad Kujau đã ngụy tạo tất cả 60 quyển trong Toàn tập Nhật ký Hitler. Với sự giúp sức của một nhà báo chuyên nghiệp, những nội dung ngụy tạo này đã lần lượt đăng trên tạp chí Stern của Đức, Sunday Times tại Anh và Newsweek tại Mỹ.
Toàn tập Nhật ký Hitler được "nông dân giấu trong gác mái"
Năm 2013, tờ Die Zeit nhắc lại bê bối Toàn tập Nhật ký Adolf Hitler nhân kỷ niệm 30 năm sự vụ vỡ lở - Ảnh: GETTY IMAGES
Ngày 13-5-1981, ba đồng tổng biên tập tạp chí Stern là Felix Schmidt, Rolf Gillhausen và Peter Koch đi vào phòng xuất bản, trong đó Gerd Heidemann - phóng viên của tạp chí vốn là kẻ thạo tin và có thiên hướng sưu tầm đồ phát xít - và một biên tập viên đã chờ sẵn với chồng quyển sách cũ kỹ được cho là Toàn tập Nhật ký Hitler.
Felix Schmidt kể lại rằng ông háo hức nghe việc làm sao phát hiện Toàn tập Nhật ký và cực kỳ ấn tượng câu chuyện làm sao vận chuyển toàn bộ số nhật ký qua biên giới, giấu trong cây đàn dương cầm.
Gerd Heidemann kể với tòa soạn rằng vào tháng 4-1945, một chiếc máy bay chở vật dụng của Hitler bị rớt gần Dresden. Khi đó, các nông dân gần đó hôi của và phát hiện bộ nhật ký rồi cất giấu trong mái nhà. Sau đó, bộ nhật ký lọt vào một sĩ quan bí mật trong quân đội Đông Đức. Và giờ đây gã sĩ quan này cần tiền nên bán.
Tổng biên tập Felix Schmidt nhớ lại: "Vào tháng 4-1982, tức khoảng một năm sau khi bắt đầu thương thảo mua nhật ký, các quyển sách bắt đầu dày hơn và giá ngày càng cao".
Suốt hai năm sau đó, Heidemann tiếp tục mua những quyển khác để hoàn tất Toàn tập Nhật ký. Tổng cộng, Stern chi 9,3 triệu Mark Đức mua 60 quyển.
Suốt quá trình mua bán, Schmidt bằng cách này hay cách khác nhiều lần yêu cầu Heidemann cung cấp nguồn bán sách nhưng tay này một mực không nói, vin vào luật "bảo vệ nguồn tin".
Vừa thương thảo mua các quyển nhật ký, Stern vừa tiến hành kiểm định giả thật của các quyển này.
Các biên tập viên gửi vài đoạn trong nhật ký cho các chuyên gia thẩm định chữ viết ở Mỹ và Thụy Sĩ. Kết luận đều khẳng định đó là chữ của Adolf Hitler. Bởi đơn giản bản chữ gốc Hitler mà Stern gửi đi cũng do chính Kujau và Heidemann viết ra.
Đồng thời, tạp chí Stern đưa các quyển sách cho hai sử gia kiểm định. Nhiều sử gia, trong đó có Hugh Trevor-Roper - người nổi danh với các tác phẩm liên quan đến Hitler, được đưa sang Thụy Sĩ xem Toàn tập Nhật ký Hitler đang được cất giữ trong một ngân hàng Thụy Sĩ.
Ông trùm truyền thông Rupert Mudoch giúp phát tán nhật ký giả
Năm 2012, ông trùm Rupert Murdoch nói rằng việc cho in nhật ký Hitler là sai lầm lớn đi theo ông đến suốt đời - Ảnh: BBC
Đầu năm 1983, Stern bắt đầu gặp gỡ những tờ báo hàng đầu thế giới như Newsweek, Time, Times of London, Sunday Times, Paris Match... Stern bán lại bản quyền khai thác câu chuyện cho Sunday Times trong các bản báo phát hành ở Anh và Khối thịnh vượng chung với giá 200.000 bảng Anh.
Với lời tựa và nhận xét "đây là một tài liệu có tầm quan trọng lịch sử" của sử gia cừ khôi Hugh Trevor-Roper, tờ Sunday Times với 8 cột trích đăng Toàn tập Nhật ký Hitler số ngày 23-4-1983 đã bán hết 1 triệu bản.
Thắng lớn, Sunday Times tiếp tục triển khai đề tài cho các số báo sau, dù chính Trevor-Roper bắt đầu tỏ ra hoài nghi độ chân thật của nhật ký.
Trong khi các biên tập viên của Sunday Times đang ăn mừng thắng lợi của số báo, chính Trevor-Roper lại đưa ra lời hoài nghi, trái ngược hoàn toàn với khẳng định chắc như đóng đinh trước đó.
Cuộc đối thoại "huyền thoại" giữa biên tập viên Frank Giles và Trevor-Roper được kể lại như sau: "À, tự nhiên thôi, Hugh, ai cũng có nghi ngờ. Trong đời này không có gì chắc chắn. Nhưng những nghi ngờ này không đủ chắc chắn để anh quay ngoắt 180 độ như vậy. Ồ, tôi hiểu rồi. Ông đang quay ngoắt 180 độ".
Sự hoài nghi của Trevor-Roper được đưa đến chủ Sunday Times, ông trùm truyền thông Rupert Mudoch. Mudoch nặng lời với Trevor-Roper và chỉ đạo tiếp tục trích đăng.
Số ngày 24-4-1983 của Sunday Times vẫn đắt như tôm tươi.
Thủ tướng Đức Helmut Kohl vào cuộc
Sử gia Hugh Trevor-Roper - Ảnh: GETTY IMAGES
Tuy nhiên, hôm sau 25-4-1983, mọi thứ không còn diễn ra suôn sẻ với Sunday Times.
Tại Hamburg, tạp chí Stern họp báo công bố sở hữu Toàn tập Nhật ký Hitler.
Trevor-Roper có mặt tại đó và ông đã nói lên hoài nghi của mình. "Tôi hối hận rằng các phương pháp kiểm định lịch sử thông thường đã bị bỏ qua, có lẽ vì cần thiết cho một tác phẩm báo chí gây chấn động".
Trong buổi họp báo, hàng loạt câu hỏi về tính xác thực của Toàn tập Nhật ký được đưa ra. Ví dụ như thời điểm sau ngày 20-7-1944, Hitler bị thương ở tay thì làm sao vẫn viết được nhật ký hay kết quả kiểm định mực viết...
Thủ tướng Đức khi đó Helmut Kohl cũng phải lên tiếng, yêu cầu công bố về tính xác thực của bộ nhật ký này.
Chỉ hơn 10 ngày sau, sự thật được phơi bày sau khi kết quả xét nghiệm được trả về. Mực viết là loại hiện đại, không phải loại mực cách đó hơn 40 năm. Lượng clo bốc hơi khỏi văn bản cho thấy toàn bộ những quyển này được viết cách đó hai năm.
Hai tổng biên tập mất chức, án tù cho Heidemann và Konrad
Heidemann trong buổi họp báo ngày 25-4 đại diện Stern giới thiệu Toàn tập Nhật ký Adolf Hitler - Ảnh: SPIEGEL
Ông Schmidt kể lại khi tòa soạn nhận được tin này: "Căng phòng lặng như tờ". Vài giờ sau, Schmidt và Koch từ chức khỏi Stern.
Sự việc vỡ lở, Heidemann cung cấp nguồn tin của mình tên Konrad Fischer và chỉ trong vài giờ, cảnh sát Đức nhanh chóng xác định được đó là Konrad Kujau.
Heidemann và Kujau bị bắt.
Trước tòa, Kujau bị khởi tố tội nhận vài triệu Mark Đức từ Heidemann và nói rằng gã phóng viên kia là đối tác thân tín để cả hai cùng rút ruột tạp chí Stern.
Đáp lại, Heidemann nhận xét Kujau: "Tôi chưa từng thấy ai nói dối nhiều như hắn ta" và khẳng định bản thân vô tội, mà chỉ là nạn nhân bị Kujau lừa đảo như mọi người khác.
Theo cáo trạng, Heidemann đại diện Stern đề nghị trả 9,3 triệu Mark Đức (tương đương 2,35 triệu bảng Anh) để mua 60 quyển trong Toàn tập Nhật ký Adolf Hitler, được giới thiệu là viết suốt giai đoạn 1932-1945. Trong số này, Heidemann bỏ túi đến 4,4 triệu Mark Đức.
Cuối cùng, phiên tòa xử tù giam 4 năm 8 tháng cho cả Kujau lẫn Heidemann tội tung tin thất thiệt.
Chân dung "tác gia giả mạo vĩ đại" Konrad Kujau
Konrad Kujau những năm cuối đời - Ảnh: REUTERS
Bắt đầu từ những năm 1970, Kujau sáng tác những bức tranh của Adolf Hitler, kẻ muốn làm nghệ sĩ nhưng cuối cùng trở thành nhà độc tài. Trong các bức tranh, Kujau đều có một dòng chữ kiểu như: "Tôi vẽ bức này để tưởng nhớ những đồng đội đã ngã lại trên chiến trường" rồi lấy nước trà đổ lên để bức tranh nhìn thật cũ kỹ.
Công việc của Kujau bắt đầu phát đạt vì những kẻ sưu tầm kỷ vật phát xít, đặc biệt là của Hitler, vẫn còn khá nhiều. Hơn nữa, những người này thường mua lén lút nên ít nhờ chuyên gia thẩm định giả thật.
Không dừng lại ở vẽ tranh mạo tranh Hitler, đến năm 1978, Kujau thực hiện cú đột phá lớn, "biến thành" Adolf Hitler, viết ra Toàn tập Nhật ký Hitler tổng cộng 60 quyển.
Trên bìa mỗi cuốn đều có chữ viết tắt tên Hitler theo kiểu gotic, hai chữ cái FH. Đúng ra hai chữ cái đầu tên của Hilter phải là AH nhưng Kujau đã lẫn lộn, viết FH trên toàn bộ các quyển. Nhưng không một ai trong số những sử gia sừng sỏ, những biên tập viên kỳ cựu, những tổng biên tập máu mặt phát hiện.
Kujau đã "đầu tư" không quá nghiêm túc cho tác phẩm để đời của mình. Kujau lấy tư liệu từ một cuốn kỷ yếu của Đảng Phát xít năm 1935 và về giai đoạn năm 1945 khi đồng minh sắp giành chiến thắng trước phát xít, tác gia giả mạo này lọc thông tin trong loạt bài Những ngày cuối cùng của Thế chiến thứ hai đăng trên tờ Bild.
Với nguồn cảm hứng rất ít ỏi đó, Kujau nhanh chóng lâm vào bế tắc. Có đoạn trong "nhật ký" "Adolf Hitler" viết: "Phải đi ra bưu điện để gửi một vài cái điện tín". Cuối năm đó, quyển đầu tiên được Kujau bán cho một kẻ sưu tầm kỷ vật phát xít.
Năm 1979, tin này tới tai Gerd Heidemann và bắt đầu diễn ra màn kịch bê bối nhất lịch sử báo chí Đức.
Cuối đời, Kujau sống tại Majorca và thường kể với du khách Đức về nghệ thuật viết giả. Năm 2000, Kujau qua đời ở tuổi 62. Trong điếu văn, tờ Guardian viết rằng: "Có lẽ ông ấy vẫn còn sống đâu đó và đang thực hiện cú lừa cuối cùng".
Năm 2003, sử gia Hugh Trevor qua đời ở tuổi 89. Dù có nhiều đóng góp cho ngành nghiên cứu lịch sử, nhưng tên tuổi của ông "đóng đinh" với bê bối Nhật ký Hilter. Tờ Independent viết rằng: "Sử gia của Nhật ký Hitler đã qua đời".
Năm 2008, ở tuổi 77, Heidemann chết trong căn hộ chật chội tại Hamburg với mức thu nhập chỉ 280 USD/tháng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận