Lê Quang Toán (áo xanh) cùng mang vác hàng trong các chuyến cứu trợ - Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Toán nhìn lại mình: yếu ớt, đôi chân khập khiễng, hai tay nắm đồ vật không vững, cái đầu thì cơ cổ bị co rút nên luôn nghiêng nghiêng bất kể lúc đứng hay đi...
Thân hình nhỏ mang ý chí lớn
Lúc sinh ra ở Huế, Toán nặng chẵn... 1kg nên phải nằm trong lồng ấp. Hai năm đầu Toán nằm một chỗ, đến nỗi đầu anh to dần ra, chân tay nhỏ lại. Mãi 5 tuổi anh mới đứng được và lẫm chẫm bước đi. Ba làm cho Toán chiếc xe gỗ bốn bánh để vừa tập đi vừa làm cũi đỡ thân hình yếu ớt. Tuổi thơ anh gắn liền với chiếc xe tự chế đó. Lên 10 tuổi, Toán đòi ba mạ cho đi học như các bạn trong làng.
Vào học, cô giáo vất vả với các bạn trong lớp một thì khó nhọc với Toán mười. Bởi Toán cầm bút không vững nên chữ viết ra chẳng khác... gà bươi, giọng đọc không rõ tiếng được tiếng mất... “Bù lại nhờ có trí nhớ tốt nên mình học thuộc lòng hầu hết các bài học trong sách giáo khoa. Đêm mô mình cũng thức rất khuya để học bài cho thuộc vì sợ học dở sẽ bị buộc nghỉ học” - Toán kể.
Ngày nào ba mạ bận việc Toán phải chống nạng đến trường. Cứ vài ngày chân tay Toán lại có thêm những vết sướt, vết sẹo vì ngã. Vậy mà thoắt cái Toán hoàn tất chương trình trung học phổ thông trong sự mừng vui của ba mạ, nhà trường. Gia đình chuyển ra Quảng Bình sinh sống, Toán chọn học tin học ở Trường trung cấp Kỹ thuật công nông nghiệp Quảng Bình. Rồi Toán thi đỗ vào hệ tại chức Trường ĐH Công nghệ (ĐH Quốc gia Hà Nội) học tiếp về công nghệ thông tin. Chiếc máy vi tính trở thành bạn Toán.
“Hiệp sĩ tình nguyện”
Từ cảnh ngộ bản thân nên Toán luôn đồng cảm với những người tàn tật hay có hoàn cảnh khó khăn. Khi biết trên mạng Internet có diễn đàn Quảng Bình Online (QBO) - nơi gặp gỡ của những người trẻ tuổi hoạt động thiện nguyện vì cộng đồng - Toán đăng ký thành viên. 10 năm qua, đôi chân khập khiễng, cái đầu nghênh nghênh của Toán hiện diện khắp những vùng xa, vùng khó khăn...
Toán có mặt trong hầu hết các hoạt động từ thiện của QBO, làm cầu nối cho nhiều cá nhân, tổ chức từ thiện đến với Quảng Bình. Trong đó chương trình mà Toán và QBO thực hiện thành công nhất là “Sách cho miền cát trắng”, “Áo ấm mùa đông”... Toán bộc bạch: “Thấy cảnh những đứa trẻ người dân tộc thiểu số Ma Coong, Arem, Mày co ro trong gió lạnh giữa núi rừng, hay cầm những cuốn sách quăn queo vì bão lũ, mình không khỏi xót xa...”. Tình thương ấy Toán thể hiện qua những lần cùng anh chị em QBO đôn đáo tìm nguồn tài trợ mua sách vở, áo quần, lương thực rồi tự tay mang vác đi phát cho các em. Ông Đinh Hợp, chủ tịch UBND xã Thượng Trạch, không giấu được sự cảm phục: “Chú Toán lên với xã tui nhiều lần lắm rồi. Lúc khó khăn mà người dân miềng nhận được quà thì mới là quý”. Những đứa trẻ ở Tân Trạch, Thượng Trạch (Bố Trạch), Dân Hóa, Trọng Hóa (Minh Hóa), Ngư Thủy Nam, Ngân Thủy (Lệ Thủy)... đều nhớ mặt Toán, gọi Toán là “chú hiệp sĩ”.
Vượt ra khỏi Quảng Bình, Toán mang áo ấm lên với trẻ em vùng cao Mèo Vạc (Hà Giang), tặng quà bệnh nhân phong ở Phú Bình (Thái Nguyên), cùng nhóm Ước mơ xanh (Hà Nội) làm Tết yêu thương ở Bệnh viện Phong - da liễu Thái Bình, đến Nam Trà My (Quảng Nam), Kỳ Anh (Hà Tĩnh), Mai Châu (Hòa Bình), Ba Sao (Hà Nam), Thụy An (Ba Vì, Hà Nội)... Đến đâu Toán cũng mang vác hàng như mọi người khỏe mạnh. Toán quả quyết: “Mình yếu thì vác nhẹ hơn, miễn là cố làm được việc chi đó với sức mình”.
Sau những chuyến đi làm từ thiện, Toán phụ ba mạ nuôi gà vịt kiếm tiền trang trải cho mình. Năm 2012 Toán được nhận vào làm tại Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ em mồ côi Quảng Bình. Ông Mai Xuân Thu, chủ tịch hội, cho biết: “Khuyết tật như Toán đáng được mọi người giúp đỡ rồi, vậy mà cháu nó còn hết lòng giúp đỡ người khác thì thật đáng quý”.
Năm 2012, Toán được trao giải xuất sắc giải thưởng tình nguyện Chim Én do Tập đoàn FPT tổ chức nhằm tôn vinh những người có nhiều đóng góp cho cộng đồng, được Liên Hiệp Quốc trao tặng chứng nhận Tình nguyện viên quốc tế. Năm 2013 Toán dự hội nghị biểu dương người tàn tật và trẻ mồ côi toàn quốc tại Hà Nội, được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen.
Mời bạn dự thi “Hạt giống tâm hồn Việt” Những con người trẻ tuổi sống nhân ái, giúp đỡ mọi người với tinh thần trong sáng, lạc quan là những hạt giống gieo cảm hứng sống đẹp cho mọi người. Tuổi Trẻ mời bạn đọc viết bài hoặc quay clip giới thiệu những “hạt giống tâm hồn” quanh bạn và gửi về địa chỉ báo Tuổi Trẻ 60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM (ngoài bì thư ghi rõ Dự thi “Hạt giống tâm hồn Việt”) hoặc địa chỉ mail [email protected], hoặc đăng nhập trực tiếp vào microsite cuộc thi để gửi bài. Hạn chót là 31-8-2014. Bài viết 1.000 chữ giới thiệu một nhân vật là người thật việc thật kèm file hình ảnh, thông tin nhân vật gồm họ tên, địa chỉ, số điện thoại để Tuổi Trẻ xác minh. Với mỗi bài viết được chọn đăng hằng tuần trên báo Tuổi Trẻ, tác giả nhận 2 triệu đồng nhuận bút, bộ sản phẩm Bibica và 200 quyển sách Hạt giống tâm hồn của First News. Với cuộc thi clip, những clip được chọn đăng trên microsite cuộc thi là clip ghi lại khoảnh khắc đẹp, xúc động truyền cảm hứng sống của người thật, việc thật, độ dài 3-5 phút. Ở cả hai hạng mục bài viết và clip, những tác phẩm truyền cảm nhất sẽ được chọn trao giải nhất, nhì, ba chung cuộc gồm giải thưởng cho cả tác giả và nhân vật được giới thiệu. Thông tin cơ cấu giải thưởng, bạn đọc tham khảo . Ngoài ra, những nhân vật có câu chuyện xúc động sẽ được chọn làm người thụ hưởng trong game show Vì bạn xứng đáng của VTV. Cuộc thi do báo Tuổi Trẻ tổ chức, Công ty Bibica và First News tài trợ. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận