Phát bộ xét nghiệm COVID-19 miễn phí tại Anh - Ảnh: AFP
Trong 7 ngày qua, theo Hãng tin AFP, 34 quốc gia đã ghi nhận số ca mắc mới hằng tuần cao nhất kể từ đầu dịch, trong đó có 18 quốc gia tại châu Âu và 7 quốc gia tại châu Phi.
Mặc dù dễ lây lan hơn song Omicron dường như gây bệnh nhẹ hơn các biến thể trước đây. Tính riêng tuần qua, toàn cầu đã ghi nhận 13,5 triệu ca mắc mới, cao hơn 64% so với 7 ngày trước đó. Trong khi đó, số ca tử vong trung bình toàn cầu lại giảm 3%.
Cùng ngày, giới chức y tế công cộng Pháp trích dẫn dữ liệu từ Mỹ, Vương quốc Anh, Canada và Israel cho biết nguy cơ nhập viện khi mắc Omicron thấp hơn các biến thể trước đây khoảng 70%.
Tuy nhiên, với trung bình 2 triệu ca mắc mới theo ngày trên toàn cầu trong tuần qua, các chuyên gia cảnh báo con số này hoàn toàn có thể đe dọa hệ thống y tế.
Người dân đeo khẩu trang trên đường phố Lyon, Pháp - Ảnh: SHUTTERSTOCK
WHO: Omicron lây lan nhanh do kết hợp nhiều yếu tố
Trước đó, Tổng giám đốc của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết Omicron không nên được phân loại là nhẹ, vì nó đang "làm mọi người nhập viện và đang làm chết người".
"Trên thực tế, cơn sóng thần các ca bệnh rất nhiều và nhanh, và đang áp đảo hệ thống y tế trên khắp thế giới", ông Tedros nói thêm.
Cũng trong ngày 7-1, bà Maria Van Kerkhove, trưởng nhóm chuyên gia về kỹ thuật của WHO, cho biết sự lây lan của biến thể Omicron là sự kết hợp của nhiều yếu tố, trong đó gồm có cấu tạo của biến thể này và sự mở cửa xã hội ngày càng tăng.
Đầu tiên, các đột biến của Omicron cho phép virus bám vào tế bào người dễ hơn. Thứ hai là sự lẩn tránh miễn dịch, có nghĩa là con người có thể tái nhiễm dù đã mắc bệnh trước đó hay đã tiêm chủng. Một yếu tố nữa là Omicron chủ yếu ảnh hưởng đến đường hô hấp trên, khác với các biến thể trước đây vốn chủ yếu ảnh hưởng đến đường hô hấp dưới, và trong phổi.
Do đó, theo bà Kerkhove, mọi người cần suy nghĩ về việc giảm phơi nhiễm với virus, và kiểm soát sự lây truyền của nó.
Chuẩn bị giường bệnh tại một trung tâm thương mại được chuyển đổi thành nơi cách ly ở thành phố Chennai, Ấn Độ - Ảnh: AFP
Tình hình dịch bệnh một số nước
Sự lây lan với tốc độ chóng mặt của biến thể Omicron trên toàn cầu kể từ khi được phát hiện 6 tuần trước buộc chính phủ nhiều nước đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng, trong khi một số khác siết các biện pháp phòng dịch.
Ngày 7-1, Đức hạn chế quyền lui tới các quán bar và nhà hàng trên cả nước, chỉ cho phép người đã tiêm đầy đủ, đã bình phục hoặc có giấy xét nghiệm âm tính được vào những nơi này. Người đã tiêm tăng cường sẽ được miễn xét nghiệm.
Tại nước láng giềng Áo, Thủ tướng Karl Nehammer dương tính với COVID-19. "Không có gì đáng lo lắng, tôi ổn. Tôi tiếp tục kêu gọi mọi người tiêm vắc xin", ông Nehammer cho biết.
Tại Pháp, Tổng thống Emmanuel Macron đang bị chỉ trích sau khi tuyên bố sẽ siết quy định hơn nữa với những người chưa chủng ngừa COVID-19 cho đến khi họ chịu tiêm.
Tại Ấn Độ, số ca bệnh do Omicron chiếm ưu thế đang làm dấy lên lo ngại về việc quay trở lại những ngày đen tối nhất của đất nước vào năm 2021, khi hàng nghìn người chết vì COVID-19 mỗi ngày.
Giáo sư Gautam Menon, làm việc tại Đại học Ashoka (Ấn Độ), nói "điều này có thể gây căng thẳng cho hệ thống y tế của chúng tôi ở mức tương đương hoặc tệ hơn làn sóng dịch thứ hai".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận