Mùa Nobel bắt đầu vào tháng 10 mỗi năm khi các ủy ban ở Thụy Điển và Na Uy xướng tên những người đoạt giải trong nhiều hạng mục khoa học, văn chương, kinh tế, và hòa bình, cho những nhà khoa học, tác giả, và nhà hoạt động đóng góp lớn lao cho sự tiến bộ chung của nhân loại.
Giải đầu tiên được xác định là Y sinh vào thứ hai, ngày 5-10, rồi đến các giải Vật lý, Hóa học, Văn chương, rồi Kinh tế, và cuối cùng là Hòa bình.
Thông lệ mỗi năm là những người được trao giải sẽ có mặt ở Stockholm và Oslo vào tháng 12 để đọc diễn từ và nhận giải. Nhưng năm nay vì dịch virus corona, cách làm có khác.
Một số sự kiện ở Stockholm sẽ bị hủy, thay vào đó là một lễ trao giải qua mạng, với huân chương Nobel và chứng chỉ được chuyển cho đại sứ quán các nước có công dân đoạt giải.
Những người đoạt giải năm nay có thể được mời tới lễ trao giải năm 2021, nếu khi đó tình hình cho phép.
Lễ trao giải Nobel Hòa bình ở Oslo năm nay cũng sẽ nhỏ hơn, với số người tham dự hạn chế.
Năm nay, ủy ban Nobel còn tuyên bố thêm một thay đổi: Mỗi giải sẽ kèm khoản tiền thưởng 10 triệu krona Thụy Điển (khoảng 1,12 triệu đôla), cao hơn 1 triệu krona so với năm trước.
TTO - Ủy ban Nobel của Viện Karolinska (Thụy Điển) ngày 5-10 công bố giải Nobel y sinh 2020 cho 2 nhà khoa học người Mỹ và 1 người Anh, với các công trình nghiên cứu về virus viêm gan C.
Ba người này gồm nhà nghiên cứu, nhà virus học và bác sĩ người Mỹ Harvey J. Alter, nhà khoa học người Anh Michael Houghton, và nhà virus học người Mỹ Charles M. Rice.
Ủy ban Nobel cho biết những phát hiện của họ đã tiết lộ nguyên nhân của những trường hợp viêm gan mãn tính, giúp thực hiện các xét nghiệm máu cần thiết và các loại thuốc mới để cứu sống hàng triệu người.
Ủy ban cho biết cả 3 nhà khoa học được vinh danh "vì những đóng góp mang tính quyết định trong cuộc chiến chống lại bệnh viêm gan C lây truyền qua đường máu - một vấn đề sức khỏe toàn cầu gây ra xơ gan và ung thư gan".
"Lần đầu tiên trong lịch sử, virus viêm gan C có thể được chữa khỏi" - Ủy ban Nobel nói khi công bố quyết định vào chiều 5-10 (giờ Việt Nam).
Bệnh viêm gan C được xem là nguyên nhân gây ra nhiều ca tử vong hơn đại dịch virus corona hiện tại. Đây là một vấn đề lớn và các khám phá này là một bước tiến dài" - giáo sư Gilbert Thompson của ĐH Hoàng gia London (Anh) nhận định.
Theo đó, nghiên cứu của nhà khoa học Alter đã chứng minh rằng một loại virus không xác định là nguyên nhân phổ biến của bệnh viêm gan mãn tính. Ông Houghton đã giúp phân lập bộ gen của loại virus mới và đặt tên là virus viêm gan C. Nhà khoa học Rice đã cung cấp bằng chứng cuối cùng cho thấy riêng mình virus viêm gan C cũng có thể gây ra bệnh viêm gan.
Giải Nobel y sinh được trao cho những khám phá quan trọng và nổi bật trong lĩnh vực khoa học sự sống và y học. Nobel Y sinh được trao lần đầu vào năm 1901. Đến nay, Ủy ban Nobel đã trao tổng cộng 111 giải cho 222 nhà khoa học trên thế giới.
Tất cả các giải thưởng Nobel đều được trao tại Thụy Điển vào tháng 12 hằng năm, trừ giải Nobel hòa bình ở Na Uy. Giá trị giải thưởng năm nay là 10 triệu krona Thụy Điển (hơn 1.118.000 USD), tăng thêm 1 triệu krona so với năm ngoái.
Sự kiện trao giải này thường được tổ chức vào ngày 10-12 hằng năm để tưởng niệm ngày mất của người sáng lập ra giải thưởng Nobel là nhà bác học Alfred Nobel.
Tuy nhiên, do đại dịch COVID-19, Quỹ Nobel - cơ quan quản lý các giải thưởng Nobel - ngày 21-7 thông báo hủy tổ chức bữa tiệc trao giải truyền thống năm nay. Chủ nhân của giải Nobel năm nay sẽ nhận giải tại nhà riêng hoặc tại các đại sứ quán.
TTO - Thời điểm công bố đã bị lùi lại chút ít nhưng rồi thì 3 nhà khoa học Roger Penrose, Reinhard Genzel và Andrea Ghez đã được xướng tên cùng nhận giải Nobel vật lý 2020 vì các công trình nghiên cứu hố đen vũ trụ.
Ba nhà khoa học Roger Penrose, Reinhard Genzel và Andrea Ghez đã cùng được vinh danh giải Nobel vật lý 2020 vì những đóng góp quan trọng trong lĩnh vực vật lý thiên văn.
Theo các thành viên trong ủy ban công bố giải Nobel, các nhà khoa học được trao Nobel vật lý năm nay là để tôn vinh những khám phá của họ về một trong những hiện tượng kỳ thú nhất của vũ trụ: hố đen.
ác nhà khoa học sẽ cùng chia sẻ giải thưởng 10 triệu crown Thụy Điển (1,1 triệu USD). Trong đó, một nửa giải thưởng dành cho ông Penrose (người Anh) vì đã chứng minh thuyết tương đối tổng quát (hay thuyết tương đối rộng) dẫn tới việc hình thành các hố đen.
Một nửa giải thưởng dành cho hai nhà khoa học Genzel (nhà vật lý thiên văn người Đức) và Ghez (người Mỹ) vì đã khám phá ra "vật thể vô hình siêu nặng, chi phối quỹ đạo các ngôi sao ở trung tâm ngân hà của chúng ta".
Ông Roger Penrose là nhà vật lý toán, toán học thường thức và triết học người Anh. Ông là thành viên của Hội Hoàng gia London. Ông Penrose nổi tiếng trên thế giới với các công trình nghiên cứu về vật lý toán, đặc biệt là những đóng góp của ông đối với thuyết tương đối tổng quát và vũ trụ học. Ông nhận nhiều giải thưởng lớn, trong đó có giải Wolf năm 1988, nhận cùng với nhà vật lý lừng danh Stephen Hawking.
Bà Andrea Ghez là nhà thiên văn học người Mỹ và là giáo sư tại khoa vật lý và thiên văn học tại UCLA. Năm 2004, tạp chí Discover đã bầu chọn bà Ghez là một trong 20 nhà khoa học hàng đầu tại Mỹ có sự am hiểu lớn trong lĩnh vực chuyên môn tương ứng của họ. Năm 2012, bà được trao giải Crafoord.
Trước đó, nhật báo Dagens Nyheter của Thụy Điển dự đoán hai nhà vật lý thiên văn Shep Doeleman của Mỹ và Heino Falcke của Đức có thể được trao Nobel vật lý 2020 vì công trình nghiên cứu của họ giúp quan sát trực tiếp hình ảnh lỗ đen trong tháng 4-2019.
Trong khi đó, Đài SR của Thụy Điển đoán giải sẽ được trao cho nhà toán học người Mỹ Peter Shor, người đã mở đường cho nghiên cứu hôm nay về máy tính lượng tử; hoặc sẽ trao cho nhà vật lý Alain Aspect của Pháp vì công trình nghiên cứu về rối lượng tử (quantum entanglement).
Giải Nobel vật lý đã trao 113 lần cho 213 nhà khoa học trong giai đoạn 1901-2019, trong đó ông John Bardeen là nhà khoa học duy nhất được hai lần trao Nobel vật lý vào các năm 1956 và 1972.
Năm ngoái Nobel vật lý được trao cho ba nhà khoa học James Peebles, Michel Mayor và Didier Queloz "vì sự đóng góp cho hiểu biết của chúng ta về sự tiến hóa của vũ trụ và vị trí của Trái đất trong thiên hà".
Theo Hãng tin AFP, các trường đại học Mỹ chiếm vị thế áp đảo trong số các tổ chức, đơn vị học thuật có người đoạt giải Nobel khoa học.
Kể từ khi có các giải Nobel vật lý, hóa học và y học từ năm 1901, kinh tế từ năm 1969, theo trang web của giải thưởng Nobel (Nobelprize.org), có tới 703 nhà nghiên cứu đã được tôn vinh trong tổng cộng 441 công trình.
Số nhà khoa học người Mỹ đoạt giải Nobel hiện vẫn chiếm tỉ lệ lớn nhất với 248 người (35%) sinh tại Mỹ.
Đó là nhìn về phương diện cá nhân các nhà khoa học. Còn khi nhìn vào số trường đại học Mỹ có người đoạt giải Nobel, tỉ lệ còn lớn hơn nữa: 57% giải thưởng Nobel (251/441 giải) đã được trao cho các nhà nghiên cứu có liên quan tới một ĐH Mỹ tại thời điểm trao giải.
TTO - Nobel hóa học 2020 đã về tay 2 nhà khoa học nữ nghiên cứu phát triển công nghệ chỉnh sửa gen là tiến sĩ Emmanuelle Charpentier và tiến sĩ Jennifer A. Doudna.
"Giải thưởng năm nay dành cho việc viết lại bộ mã của sự sống", ông Goran K. Hansson, tổng thư ký Viện hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển, phát biểu khi vinh danh các nhà khoa học hôm 7-10.
Cả 2 nữ tiến sĩ đều là người khám phá ra Crispr-Cas9, một công cụ chỉnh sửa gen cho phép các nhà nghiên cứu thay đổi ADN của động vật, cây cối và vi sinh vật với độ chính xác cao."
Công nghệ này đã tạo ra ảnh hưởng tiên phong trong các ngành khoa học nghiên cứu về cuộc sống, đóng góp cho các phương pháp điều trị ung thư mới và có thể biến giấc mơ chữa trị các căn bệnh di truyền thành hiện thực", ủy ban công bố giải Nobel nhận định.
Bà Emmanuelle Charpentier, 52 tuổi, là tiến sĩ và chuyên gia nghiên cứu người Pháp làm việc trong ngành vi sinh, di truyền và hóa sinh. Kể từ năm 2015, bà đã trở thành giám đốc của Viện Sinh học nhiễm trùng Max Planck tại Berlin, Đức. Năm 2018, bà đã thành lập một viện nghiên cứu độc lập - Đơn vị Max Planck chuyên nghiên cứu về mầm bệnh.
Bà Jennifer Anne Doudna, 56 tuổi, là một nhà nghiên cứu sinh hóa người Mỹ được biết đến nhờ vai trò dẫn đầu trong công nghệ chỉnh sửa gen (CRISPR). Bà là giáo sư đầu ngành tại Trung tâm khoa học y tế và sinh học Li Ka Shing của ĐH California, Berkeley, Mỹ.
Tiếp theo, giải Nobel văn học 2020 sẽ được công bố vào ngày 8-10 tại Thụy Điển, trong khi giải Nobel hòa bình sẽ được công bố một ngày sau đó ở Na Uy.
Năm 2019, các nhà khoa học John B. Goodenough, M. Stanley Whittingham và Akira Yoshino đến từ Mỹ, Anh và Nhật Bản đã được vinh danh nhờ công trình phát triển pin lithium-ion.
Pin lithium-ion đã cách mạng hóa cuộc sống hiện đại và được sử dụng trong mọi thứ, từ điện thoại di động, laptop đến xe điện. Các nhà khoa học đoạt giải đã đặt nền tảng cho một xã hội không dây, không nhiên liệu hóa thạch.
TTO - Trong diễn từ về chủ nhân Nobel văn chương 2020 Louise Glück, ông Anders Olsson - chủ tịch Ủy ban Nobel - đã nói về bà, người viết nên thứ thi ca mơ màng, gợi lên những ký ức và những hành trình...
Thi sĩ người Mỹ Louise Glück sinh năm 1943 ở New York và hiện sống ở Cambridge, Massachusetts. Ngoài sáng tác, bà còn là giáo sư Anh ngữ ở Đại học Yale, New Haven, Connecticut.
Tác phẩm đầu tay của bà in năm 1968, Firstborn (tạm dịch: Khởi sinh), và bà nhanh chóng trở thành một trong những nhà thơ lớn nhất của văn chương Mỹ đương đại. Bà từng được trao một số giải thưởng uy tín, bao gồm giải Pulitzer (1993) và giải Sách quốc gia Hoa Kỳ (2014).
Louise Glück đã xuất bản 12 tuyển tập thơ và một số tuyển tập phê bình thơ. Tất cả đều có đặc điểm là niềm khát khao sự sáng rõ. Thời thơ ấu và cuộc sống gia đình, mối quan hệ gần gũi với cha mẹ và anh chị em là một chủ đề trung tâm của bà.
Trong thơ bà, bản ngã lắng nghe những gì còn lại từ những giấc mơ và ảo mộng của nó, và không có ai cứng cỏi như bà khi đối mặt với những ảo ảnh của bản ngã ấy. Nhưng ngay cả khi Glück không bao giờ chối bỏ tầm quan trọng của cuộc tự truyện về mình, khó thể coi bà là một nhà thơ tự bạch.
Glück tìm kiếm sự phổ quát, và trong hành trình đấy bà lấy cảm hứng từ những huyền truyện và môtip kinh điển, hiện hữu trong hầu hết tác phẩm của bà.
Tiếng nói của Dido [nữ hoàng Carthage cổ đại - nay là Tunisia, bị người hùng thành Trojan Aeneas ruồng bỏ], Persephone [con gái của thần Zeus và nữ thần nông nghiệp Demeter, bị thần địa ngục Hades bắt cóc về làm vợ] và Eurydice [vợ của nhạc công và thi sĩ huyền thoại Orpheus, người tìm cách đưa cô trở về dương gian từ địa phủ] - những kẻ bị ruồng bỏ, bị trừng phạt, bị bội phản - là những chiếc mặt nạ cho một bản ngã đang đổi thay, cũng mang tính cá nhân nhiều như tính phổ quát.
Với những tuyển tập như The Triumph of Achilles (Khúc khải hoàn của Achilles, 1985) và Ararat (1990), Glück đã tìm được độc giả ở Hoa Kỳ và nước ngoài. Trong Ararat, ba đặc điểm hợp nhất để rồi sau này tái hiện trong sáng tác của bà: chủ đề về đời sống gia đình, trí khôn giản dị và một cảm nhận bố cục hài hòa cho tổng thể cuốn sách.
Bằng những bài thơ ấy, Glück cũng đã chứng minh rằng ta hoàn toàn có thể biến cách diễn đạt bình thường trở thành thi ca. Âm điệu tưởng chừng thật tự nhiên ấy thật đáng kinh ngạc.
Chúng ta bắt gặp những hình ảnh thẳng thừng gần như tàn bạo về những mối quan hệ đớn đau trong gia đình. Đấy là những lời thành thật và không khoan nhượng, chẳng cần chi sơn thơ vẽ phú.
Những gì Glück trích dẫn trong các tiểu luận phê bình thơ của bà cũng nói lên rất nhiều về thi ca của bà: giọng thơ khẩn trương của Eliot, nghệ thuật lắng nghe nội tâm của Keats hay sự im lặng tự nguyện của George Oppen.
Nhưng với sự khốc liệt và cương quyết không chịu chấp nhận những tín điều đức tin đơn giản, hơn ai hết, bà thật giống Emily Dickinson.
Louise Glück không chỉ bị thu hút bởi những lầm lẫn và tình trạng thay đổi liên tục của cuộc đời, bà còn là nhà thơ của sự đổi thay và tái sinh cực đoan, khi bước nhảy vọt về phía trước xuất phát từ cảm nhận mất mát sâu sắc.
Trong tuyển tập được ca ngợi nhiều của bà, The Wild Iris (Diên vĩ dại, 1992), tác phẩm giúp bà được trao giải Pulitzer, bà đã mô tả sự sống trở lại diệu kỳ sau mùa đông trong bài thơ Snowdrops (Những giọt tuyết):
I did not expect to survive,
earth suppressing me. I didn’t expect
to waken again, to feel
in damp earth my body
able to respond again, remembering
after so long how to open again
in the cold light
of earliest spring –
afraid, yes, but among you again
crying yes risk joy
in the raw wind of the new world.
Tôi chẳng trông chờ được sống sót,
mặt đất nén chặt thân tôi. Tôi chẳng trông chờ
lại tỉnh giấc, để cảm thấy
trong đất ẩm cơ thể tôi,
rồi lại biết trả lời, sau biết bao lâu
vẫn nhớ, lại hồi sinh
trong ánh sáng giá lạnh
của buổi lập xuân thứ nhất -
ừ thì sợ hãi, nhưng lại là tôi
ừ thì than khóc, nhưng cả niềm vui
trong trận gió giao mùa của đất trời ngày mới.
Cũng phải nói thêm rằng khoảnh khắc thay đổi quyết định thường cũng được đánh dấu bởi tiếng cười hài hước và khôn ngoan.
Tuyển tập Vita Nova (1999) kết lại với những dòng: "I thought my life was over and my heart was broken. / Then I moved to Cambridge" (Tôi nghĩ đời mình đã hết và con tim đã nát tan. / Rồi đây Cambridge tôi lại chuyển sang).
Tựa đề đấy nhại lại bài thơ kinh điển của Dante La Vita Nuova (Cuộc đời mới), vốn mừng vui cho cuộc đời mới trong hình dạng nàng thơ Beatrice. Còn Glück lại chúc tụng cho sự mất mát một tình yêu đã tan vỡ.
Averno (2006) là một tuyển tập bậc thầy, là sự diễn giải sâu sắc về huyền thoại nàng Persephone bị tử thần Hades bắt cóc xuống địa ngục.
Tựa đề đấy đặt theo tên miệng núi lửa ở phía tây thành phố Naples vốn được người La Mã cổ đại coi là đường vào âm ti. Một thành tựu ngoạn mục khác là tuyển tập mới nhất của bà, Faithful and Virtuous Night (Đêm thủy chung và đức hạnh, 2014), tác phẩm giúp Glück được trao giải Sách quốc gia.
Độc giả một lần nữa ngỡ ngàng bởi sự hiện diện của giọng nói và cách tiếp cận kiểu Glück với môtip cái chết bằng sự duyên dáng và nhẹ nhàng đáng khâm phục.
Bà viết nên thứ thi ca mơ màng, gợi tả, gợi lên những ký ức và những hành trình, nhưng thỉnh thoảng dừng lại lưỡng lự trước những tri kiến mới. Thế giới đấy được giải thoát trôi dạt đi, chỉ để rồi xuất hiện trở lại như một phép lạ.
TTO - Sau nhiều đồn đoán, giải Nobel Hòa bình năm nay gây bất ngờ khi được trao cho Chương trình Lương thực Thế giới (The World Food Programme - WFP).
Theo đài CNN, Chương trình Lương thực Thế giới - chương trình viện trợ lương thực của Liên Hiệp Quốc, và là tổ chức nhân đạo lớn nhất thế giới giải quyết nạn đói - được trao giải Nobel Hòa bình vì "những nỗ lực chống lại nạn đói; những cống hiến cho hòa bình ở những khu vực tranh chấp và vì đã hành động để ngăn chặn việc sử dụng nạn đói như vũ khí của chiến tranh và xung đột".
Phát ngôn viên WFP Tomson Phiri nói giải Nobel Hòa bình là vinh dự và là "một khoảng khắc đáng tự hào" đối với tổ chức của LHQ.
"Một trong những nét đẹp của các hoạt động của WFP là chúng tôi không chỉ cung cấp lương thực cho hôm nay và ngày mai, chúng tôi còn trang bị cho mọi người kiến thức, phương tiện để nuôi sống bản thân cho mai sau", Phiri nói.
Tổ chức được thành lập năm 1961 có trụ sở ở Rome, Ý cho biết họ giúp khoảng 97 triệu người ở khoảng 88 quốc gia mỗi năm trong bối cảnh cứ 9 người trên thế giới thì có 1 người không đủ ăn. Năm ngoái WFP đã phân phối 15 tỉ suất ăn cho người dân ở 88 quốc gia.
Con số thống kê tuy lớn nhưng cũng chỉ là một phần nhỏ so với nhu cầu thực của người dân trên thế giới. Theo các chuyên gia, mặc dù đã đạt được nhiều tiến bộ trong ba thập kỷ qua, nhưng mục tiêu xóa sổ nạn đói vào năm 2030 của LHQ có thể sẽ không đạt được.
"Nhu cầu đoàn kết quốc tế và hợp tác đa phương là điều rõ ràng hơn bao giờ hết", chủ tịch Berit Reiss-Andersen của Ủy ban Nobel Na Uy phát biểu. "Với giải thưởng năm nay, Ủy ban Nobel Na Uy muốn thế giới hướng mắt về phía hàng triệu người đang phải chịu đựng hoặc đối mặt với hiểm họa của nạn đói".
Bằng việc vinh danh WFP với giải Nobel Hòa bình 2020, Ủy ban Nobel Na Uy gửi thông điệp tới các chính phủ trên thế giới, kêu gọi không cắt giảm đóng góp tài chính cho các tổ chức nhân đạo quốc tế.
"Đây cũng là lời kêu gọi cộng đồng quốc tế không cắt giảm đóng góp tài chính cho WFP. Theo suy nghĩ của tôi, đây là nghĩa vụ của các nước trên thế giới để đảm bảo mọi người không chết đói", chủ tịch Berit nói.
Giải thưởng trị giá khoảng 1,1 triệu USD sẽ được trao tại Oslo, thủ đô Na Uy vào ngày 10-12, ngày mất của người sáng lập giải thưởng Alfred Nobel. Năm nay, lễ trao giải sẽ nhỏ gọn hơn mọi năm vì dịch COVID-19.
TTO - Giải Nobel Kinh tế 2020 đã về tay hai nhà kinh tế người Mỹ là Paul R. Milgrom và Robert B. Wilson với nghiên cứu “sáng tạo những công thức đấu giá mới”.
Các nhà kinh tế thắng giải năm nay đã nghiên cứu cách thị trường đấu giá hoạt động. Họ cũng sử dụng hiểu biết của mình để thiết kế các mô hình đấu giá mới cho các loại hàng hóa và dịch vụ khó bán theo cách cổ điển, ví dụ như sóng phát thanh.
Các thương gia, người mua và cơ quan thuế trên toàn thế giới đều hưởng lợi từ những đóng góp trên.
Vì mỗi người luôn muốn bán với giá cao hơn và mua với giá rẻ nhất, mọi vật hiện nay đều được qua tay với hình thức đấu giá. Không chỉ các vật dụng trong gia đình, đồ cổ hay tác phẩm nghệ thuật, cả chứng khoán, khoáng sản và năng lượng đều có thể mua bán bằng hình thức này.
Sử dụng lý thuyết đấu giá, các nhà nghiên cứu cố gắng tìm hiểu hệ quả từ các quy định khác nhau về ngã giá và chốt giá.
Các chuyên gia đoạt giải Nobel Kinh tế năm nay đã bắt đầu với một lý thuyết nền tảng, sau đó sử dụng các kết quả thu được vào ứng dụng thực tiễn, giúp nó lan tỏa toàn thế giới. Các phát hiện của họ đã đem lại lợi ích lớn cho xã hội.
Chủ tịch Ủy ban giải Nobel Kinh tế Peter Fredriksson
Nhà kinh tế Robert Wilson đã phát triển lý tuyết đấu giá đối với các vật dụng có giá trị chung (common value), tức các giá trị không được xác định từ đầu nhưng được tất cả mọi người đồng ý sau khi chốt.
Điển hình, giá hợp đồng tương lai của sóng phát thanh hoặc sản lượng quặng tại một địa điểm cụ thể. Ông Wilson cho thấy các nhà đấu giá thường ra giá thấp hơn so với giá trị chung họ ước lượng.
Khi xã hội dần phát triển, nhiều loại hàng hóa phức tạp hơn ra đời, chẳng hạn như vị trí trong bãi đậu máy bay.
Để đáp ứng nhu cầu định giá cho chúng, các nhà kinh tế Paul R. Milgrom và Robert B. Wilson đã sáng tạo ra hình thức đấu giá mới, trong đó bán đấu giá đồng thời nhiều hàng hóa có liên quan với nhau.
Phương pháp này dựa trên lý thuyết rằng người bán được động viên bởi các lợi ích xã hội lớn hơn doanh thu tối đa.
Vào năm 1994, Mỹ là chính quyền đầu tiên sử dụng phương pháp trên đế bán sóng phát thanh cho các nhà mạng viễn thông. Kể từ đó, nhiều quốc gia khác đã học theo cách làm này.
Giải Nobel kinh tế có tên chính thức là Giải thưởng của Ngân hàng Thụy Điển cho khoa học kinh tế để tưởng nhớ Nobel.
Giải Nobel Kinh tế thường được trao cho các nghiên cứu về bất bình đẳng, tâm lý học trong kinh tế, các mô hình đấu giá, sức khỏe nền kinh tế hay thị trường lao động. Đây là giải thưởng cuối cùng trong mùa giải Nobel năm nay.
Năm 2019, giải Nobel Kinh tế đã được trao cho ba kinh tế gia vì những nghiên cứu nhằm cải thiện tình trạng nghèo đói toàn cầu.
Các nhà kinh tế Abhijit Banerjee, Esther Duflo và Michael Kremer cho biết nghiên cứu của họ nhằm "đảm bảo công cuộc chiến đấu với đói nghèo có căn cứ khoa học".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận