Quyết định này của tòa án tối cao đánh dấu sự kết thúc trong cuộc chiến pháp lý kéo dài 18 tháng của ông Assange tại Anh.
Phóng to |
Ông Julian Assange đến dự một phiên điều trần tại Tòa án tối cao Anh ngày 1-2-2012 - Ảnh: Reuters |
Trước đó tháng 11-2011, Tòa thượng thẩm Anh đã giữ nguyên phán quyết của Tòa án quận Belmarsh cho rằng ông Assange nên được dẫn độ về Thụy Điển để điều tra và hành động này không có gì là không công bằng hay bất hợp pháp. Ông Assange đã kháng án lên Tòa án tối cao Anh.
Chính quyền Thụy Điển muốn ông Assange phải được điều tra ở nước này về cáo buộc cưỡng hiếp hai phụ nữ tại Stockholm tháng 8-2010 khi ông đến đây thuyết giảng.
Các luật sư của ông Assange đã đề nghị Tòa án tối cao bác bỏ quyết định dẫn độ ông Assange, cho rằng lệnh bắt giữ toàn châu Âu (EAW) nhằm vào ông Assange là “không hợp lệ và không thể thực thi” vì nó do công tố viên Thụy Điển đưa ra. Tuy nhiên, ủy ban gồm bảy thẩm phán của Tòa tối cao đã phán quyết yêu cầu dẫn độ là “hợp pháp” vì cơ quan công tố Thụy Điển hoàn toàn có thẩm quyền.
Do bị kẹt xe nên ông Assange không có mặt tại phiên tòa để nghe phán quyết. Ông đã bị quản thúc nghiêm ngặt tại nơi ở thuộc miền đông nước Anh hơn 540 ngày.
Luật sư của ông, Dinah Rose, đã yêu cầu hoãn thi hành quyết định dẫn độ trong hai tuần để cô xem xét bản án và có thể yêu cầu mở lại thủ tục tố tụng. Tòa án tối cao chấp nhận yêu cầu này.
Mặc dù Tòa án tối cao là cơ quan tư pháp cấp cao nhất ở Anh, nhưng các công tố viên Anh cho biết ông Assange có thể kêu gọi sự can thiệp của Tòa án nhân quyền châu Âu ở Strasbourg, Pháp. Nếu tòa này từ chối xét xử vụ việc của ông Assange thì ông không còn cách nào khác ngoài việc quay về Thụy Điển.
Một ngày trước khi Tòa tối cao phán quyết, WikiLeaks đăng thông báo: “Chính phủ Mỹ, Anh, Thụy Điển và Úc đang nỗ lực phối hợp để dẫn độ tổng biên tập của chúng tôi đến Mỹ, nơi ông sẽ bị buộc tội gián điệp vì các hoạt động truyền thông của mình”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận