Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha - Ảnh: REUTERS
Theo phán quyết được đọc từ 15h ngày 30-9 (cùng múi giờ với Việt Nam), Tòa án Hiến pháp Thái Lan cho rằng thời gian cầm quyền của ông Prayut được tính từ ngày 6-4-2017, tức thời gian Hiến pháp mới của nước này có hiệu lực. Theo đó, thời hạn nhiệm kỳ của ông sẽ kéo dài đến năm 2025.
Tòa cho biết ông Prayut có thể trở lại làm việc sau 5 tuần bị đình chỉ chức vụ thủ tướng. Nhiệm kỳ hiện tại của ông dự kiến kết thúc vào năm 2023.
Quyết định của Tòa án Hiến pháp Thái Lan không nằm ngoài dự đoán trước đó của nhiều chuyên gia.
Theo Hiến pháp Thái Lan, nhiệm kỳ thủ tướng không được vượt quá 8 năm. Phe đối lập cho rằng nhiệm kỳ của ông Prayut phải tính từ khi ông lên nắm quyền sau cuộc đảo chính năm 2014. Nhóm này nhấn vào tinh thần của Hiến pháp là ngăn sự "độc quyền quyền lực".
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng nhiệm kỳ chỉ được tính sau khi ông Prayut chính thức làm thủ tướng năm 2019. Lại cũng có người nói thời gian cầm quyền của ông tính từ khi Hiến pháp mới có hiệu lực năm 2017.
Đây là thách thức lớn nhất với ông sau khi đã vượt qua nhiều sóng gió như 5 cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm, dịch COVID-19, biểu tình...
Ông Prayut đã bị đình chỉ chức vụ thủ tướng từ ngày 24-8 trong khi chờ phán quyết.
Trước lúc Tòa án Hiến pháp ra phán quyết, an ninh đã được siết chặt quanh khu vực tòa ở thủ đô Bangkok.
Trong khi đó, Hãng tin Reuters đưa tin ít nhất hai nhóm chống chính phủ đã lên kế hoạch tập trung tại khu trung tâm thương mại của Bangkok khi tòa án đọc phán quyết. Cảnh sát cho biết 300 sĩ quan sẽ được triển khai xung quanh tòa án.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận