Chỉ trong thời gian ngắn tòa nhà với mặt ngoài đen lùi lũi, lừng lững xuất hiện vượt ngoài quy mô của hầu hết các tòa nhà lân cận.
Từ tháng 4-2024, cư dân lân cận tòa nhà đã phản ánh đến các cơ quan chức năng các cấp.
UBND phường An Phú thông tin từ ngày 2-4 đến 3-5, Thanh tra xây dựng Thủ Đức đã phối hợp phường sáu lần đến kiểm tra, lập biên bản ghi nhận sai phạm, yêu cầu ngưng thi công. Tuy nhiên, tòa nhà vẫn xây dựng vượt tầng, sai phép. Đến ngày 3-5, TP Thủ Đức ra quyết định xử phạt hành chính lần đầu.
Việc tòa nhà có thể tồn tại lừng lững thời gian dài tại TP như Thủ Đức, nhất là từ sau khi có chỉ thị 23 năm 2019 của Thành ủy TP.HCM về siết chặt kỷ cương, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về trật tự xây dựng, rõ ràng vấn đề vi phạm trong lĩnh vực xây dựng vẫn cứ công khai, "thanh thiên bạch nhật".
Đến nay (ngày 22-5), Thủ Đức đã có quyết định xử phạt, tước giấy phép, buộc chủ đầu tư tháo dỡ diện tích vi phạm. Với quyết định của Thủ Đức, cư dân trong khu vực phần nào giải tỏa được khúc mắc về việc thực thi pháp luật, xử lý vi phạm.
Tuy nhiên, trao đổi với Tuổi Trẻ, nhiều người dân cho hay vẫn sẽ theo dõi sự nghiêm ngắn của cơ quan chức năng Thủ Đức thông qua việc tổ chức thi hành quyết định, hoàn thành việc tháo dỡ diện tích vi phạm.
Sự hồ nghi của cư dân là khó tránh khi họ chứng kiến tòa nhà to đến năm tầng, diện tích sai phép hơn 1.000m2 chứ không phải nhỏ như con kiến, có dấu hiệu sử dụng sai mục đích, công năng như là phim trường, nơi tổ chức sự kiện, trong khi giấy phép được cấp là nhà ở riêng lẻ.
Sự hồ nghi đó càng đậm nét khi cư dân đã gửi đơn phản ảnh nhiều lần, liên tục đến các cơ quan chức năng ở TP.HCM, TP Thủ Đức, phường An Phú nhưng tòa nhà vẫn dần hoàn thiện dù thanh tra xây dựng cùng phường liên tục kiểm tra, lập biên bản và xử lý.
Gần đây, một số vụ vi phạm xây dựng, sử dụng đất quy mô diễn ra tại nhiều địa phương khiến dư luận không khỏi băn khoăn về tính chất, mức độ vi phạm cũng như hiệu lực quản lý nhà nước.
Thực tế cho thấy nhiều vụ việc vi phạm trật tự xây dựng được phát hiện thông qua báo chí. Khi người dân tìm đến cơ quan ngôn luận như là một cứu cánh nhằm chấn chỉnh vi phạm, bảo vệ quyền lợi của họ thay vì dựa vào sự bảo hộ đương nhiên của pháp luật cũng như của lực lượng thực thi thì khi đó người dân sẽ còn bị lạc lõng, người vi phạm thì lờn luật, còn hiệu lực quản lý nhà nước bị thách thức.
Vi phạm trật tự xây dựng, sử dụng đất luôn để lại hậu quả lớn và gây bức xúc cho người dân. Trách nhiệm cơ quan nhà nước là phải bảo đảm trách nhiệm và hiệu lực quản lý kịp thời, hiệu quả.
Muốn vậy, các vi phạm phải được các cơ quan chức năng theo dõi, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời, thay vì để tồn tại thời gian dài, mãi đến khi dân phản ảnh hay báo chí phát hiện mới ra tay xử lý.
Đó là chưa kể việc xử lý có nơi chưa rốt ráo, chưa đến nơi đến chốn. Tất cả những biện pháp xử lý không kịp thời hay không nghiêm ắt hẳn sẽ dẫn đến việc vi phạm tràn lan, kéo dài, lờn luật, đến khi giải quyết thì hậu quả vô cùng lớn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận