Trụ sở của 2 Sở trước đây là dinh Thượng Thơ - Ảnh: TỰ TRUNG
Thông tin này được đưa ra tại cuộc họp báo do UBND TP.HCM tổ chức trưa 2-5.
Ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc cho biết sau hai tuần triển lãm phương án mở rộng và nâng cấp trụ sở UBND TP.HCM, đã nhận được khoảng 110 phiếu ý kiến góp ý.
Qua các ý kiến này, có một vấn đề người dân quan tâm là việc bảo tồn khối nhà cổ phía sau UBND TP ở số 59-61 Lý Tự Trọng, trước đây là dinh Thượng Thơ, hiện là trụ sở của một số cơ quan là Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Công thương.
Ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP.HCM phát biểu - Video: TỰ TRUNG
"TP cũng đã xem xét kỹ, công trình này không nằm trong danh mục kiểm kê di tích của ngành văn hóa thể thao. Chỉ cần trong danh sách, dù chưa được kiểm kê cũng sẽ được đối xử như di tích. Nhưng nó không có trong danh mục nên bước đầu không đưa vào bảo tồn", ông Nhã cho biết.
Ông Nhã nói việc nuối tiếc các công trình cổ là điều dễ hiểu. Nhưng về chuyên môn kỹ thuật thì có nhiều cách giữ lại, có thể chỉ giữ lại một số nét kiến trúc, hoặc tái lập một số mô hình để lại. Theo ông Nhã, hiện thế giới đang triển khai theo hướng đó. Chỉ những cái nào được công nhận là di tích thì mới phải giữ gìn nguyên trạng.
Giải thích thêm, ông Võ Văn Hoan, Chánh Văn phòng, người phát ngôn UBND TP.HCM cho biết, tòa nhà phía sau trông bên ngoài bề thế như vậy nhưng đã cũ kỹ lắm rồi, nhiều chỗ phải chống dột, cần phải nâng cấp, cải tạo lại để phục vụ tốt cho công việc.
Buổi họp báo về tình hình kinh tế xã hội TP tháng 4-2018, diễn ra trong buổi trưa 2-5 tại UBND TP - Ảnh: TỰ TRUNG
"Có phương án nói rằng tòa nhà Sở Thông tin và Truyền thông phải di dời kiểu thần đèn vào khu vực trung tâm đường Lý Tự Trọng, rồi từ đó xây dựng thêm. Nhưng khi lục lại mọi hồ sơ thì thấy tòa nhà đó không nằm trong danh mục di tích", ông Hoan nói thêm.
"Chúng tôi nhận thức rằng việc nâng cấp sửa chữa trụ sở này rất nhạy cảm. Nên chúng tôi rất tôn trọng các ý kiến khác nhau để xử lý cho hài hòa", ông Hoan nói.
Ông cũng cho biết thêm, để có thể giữ nguyên trạng bề mặt tòa nhà 86 Lê Thánh Tôn, nhưng vẫn có thêm không gian làm việc, phương án cải tạo là làm thêm 4 tầng hầm phía dưới.
Khu công viên phía sau tòa nhà sẽ để cho người dân tự do đi lại, tham quan, trừ khi UBND TP.HCM có những hoạt động đông người, cần không gian.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận