05/01/2022 08:50 GMT+7

Tòa Mỹ kết tội nữ tỉ phú siêu lừa

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TTO - Bà Elizabeth Holmes, nhà sáng lập Công ty Theranos - 'kỳ lân' một thời của Thung lũng Silicon, vừa bị kết án bốn tội danh lừa đảo trong vụ việc được giới công nghệ và đầu tư ở Mỹ hết sức quan tâm.

Tòa Mỹ kết tội nữ tỉ phú siêu lừa - Ảnh 1.

Nhà sáng lập Công ty Theranos, tỉ phú Elizabeth Holmes, không thể hiện nhiều cảm xúc khi rời phiên tòa ở California ngày 3-1 - Ảnh: Reuters

Phiên tòa gây chấn động dư luận Mỹ đã đi đến hồi kết ngày 3-1 sau hơn bốn tháng xét xử đầy trắc trở, từ ảnh hưởng vì dịch COVID-19 cho đến việc thành viên bồi thẩm đoàn bị loại vì chơi Sudoku. 

Sau một tuần cân nhắc, bồi thẩm đoàn của phiên tòa tại TP San Jose, bang California, chính thức kết án 4 trên 11 tội danh bà Holmes bị cáo buộc.

Sai lầm hay lừa đảo?

Phiên xử cuối vào ngày 3-1 diễn ra khá im ắng. Nhiều người đã xếp hàng nhiều giờ để giành được chỗ ngồi theo dõi. Bà Holmes, 37 tuổi, dường như bất động khi nghe tòa phán quyết, sau đó bà ôm hôn người thân rồi lặng lẽ rời đi bằng cửa phụ.

Theo báo Guardian, bà Holmes bị kết án 3 tội lừa đảo qua điện thoại và 1 tội âm mưu lừa đảo khi nói dối nhà đầu tư để huy động vốn. Tuy nhiên, bồi thẩm đoàn không nhất trí được về 3 tội khác, tuyên trắng án 4 tội, trong đó có tội lừa dối bệnh nhân. Một tội còn lại bị bác trong quá trình xử.

Phán quyết cho thấy sự phức tạp của phiên tòa. Trong 4 tháng xét xử, bồi thẩm đoàn đã nghe hơn 30 nhân chứng để xác định liệu bà Holmes có phải một doanh nhân thiện chí nhưng đã mắc sai lầm khi khởi nghiệp, hay đã cố tình lừa dối các nhà đầu tư và bệnh nhân để trục lợi như các công tố viên cáo buộc.

Rất đông nhân chứng tố cáo việc bị nữ tỉ phú trẻ lừa đảo. Từ các lãnh đạo doanh nghiệp như Walgreen, Safeway cho đến những yếu nhân như cựu bộ trưởng quốc phòng James Mattis, và cố vấn của các nhà đầu tư đã rót hàng triệu USD vào Theranos. 

Bồi thẩm đoàn cũng nghe lời khai của các nhân viên công ty liên quan những cáo buộc che giấu vấn đề của thiết bị xét nghiệm máu và các bệnh nhân nhận kết quả sai từ thiết bị này.

"Đó là một tội ác ở Main Street và một tội ác ở Thung lũng Silicon", trợ lý công tố viên Robert Leach, nói tại tòa, nhắc tới thuật ngữ "Main Street" chỉ nhóm các doanh nghiệp nhỏ, độc lập ở Mỹ. 

Trong khi đó, công tố viên Stephanie Hinds khẳng định "các phán quyết trong trường hợp này cho thấy bà Holmes có tội trong vụ lừa đảo giới đầu tư với quy mô lớn và lúc này bà ấy phải đối mặt với bản án".

Trong suốt phiên xử, bà Holmes luôn khẳng định bà tin tưởng vào hiệu quả bộ xét nghiệm của Theranos, bà nói bị người tình cũ cưỡng ép và kiểm soát. Các luật sư của bà cũng ra sức bác bỏ các nhân chứng, cáo buộc ngược lại rằng các nhà đầu tư đã không tìm hiểu kỹ và cho rằng thất bại khi khởi nghiệp của bà không phải là tội ác.

Bà Holmes dự kiến sẽ kháng án. Nếu bị tuyên án trong tuần tới, bà Holmes có thể phải lãnh án tù tối đa 20 năm cho mỗi tội danh. Tuy nhiên, các án sẽ được thi hành cùng lúc, không phải cộng dồn số năm của từng tội.

Tòa Mỹ kết tội nữ tỉ phú siêu lừa - Ảnh 2.

Hành trình từ "kỳ lân" thành siêu lừa của Elizabeth Holmes - Nguồn: Reuters, CNN - Đồ họa: T.ĐẠT

Cảnh báo cho Thung lũng Silicon

Vụ việc của bà Holmes là phiên xét xử tội phạm lừa đảo hiếm hoi trong giới công nghệ và được coi là lời cảnh báo cho Thung lũng Silicon.

"Đây là phán quyết không chỉ quan trọng với Thung lũng Silicon mà còn đối với những người ca ngợi nó, đầu tư vào nó và sử dụng các sản phẩm của nó. Bà ấy (Holmes) thành công nhờ văn hóa kinh doanh của thung lũng là tôn vinh và khuyến khích những người còn rất trẻ, có ít kinh nghiệm", bà Margaret O'Mara - một sử gia ngành công nghệ và là giáo sư tại Đại học Washington - nhận định.

Trong khi đó, George Demos - cựu công tố viên của Ủy ban Giao dịch và chứng khoán Mỹ (SEC) - gọi phán quyết này là "một chiến thắng quan trọng cho chính phủ và gửi tín hiệu mạnh mẽ đến Thung lũng Silicon rằng không thể ngụy tạo gian lận thành sự đổi mới".

Phán quyết được đưa ra trong bối cảnh giới đầu tư đang phát cuồng với ngành công nghệ, tranh nhau các mối đầu tư béo bở và thường phớt lờ những tín hiệu rủi ro ở các công ty họ đang hăng hái rót tiền.

Bà Holmes trở nên nổi tiếng khi tung ra các thiết bị giống như chiếc hộp nhỏ có thể làm được hàng trăm xét nghiệm chỉ với một ít máu, được ví như một đột phá trong ngành chăm sóc sức khỏe. 

Sự thành công của thiết bị giúp Theranos thu hút sự quan tâm và đầu tư của nhiều doanh nghiệp, lãnh đạo. Bà nhận được nhiều giải thưởng, tận hưởng cuộc sống giàu sang của nữ tỉ phú tự thân trẻ nhất thế giới, theo đánh giá của Forbes năm 2015.

Tuy nhiên Công ty Theranos đã sụp đổ trong bê bối khi thiết bị xét nghiệm của họ bị phát hiện chỉ là "cú lừa" với độ chính xác kém và thậm chí gây nguy hiểm cho người bệnh.

Siêu lừa giới thượng lưu ở Mỹ tự hào với tên gọi Siêu lừa giới thượng lưu ở Mỹ tự hào với tên gọi 'kẻ có nhân cách phản xã hội'

TTO - 'Nữ thừa kế giả mạo' lừa đảo giới thượng lưu thành phố New York (Mỹ) cách đây 2 năm tuyên bố cô rất vui vì được gọi là 'kẻ có nhân cách phản xã hội', bởi Mark Zuckerberg, Elon Musk và Steve Jobs cũng từng được gán danh xưng này.

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp