Thông báo của Tòa phúc thẩm liên bang khu vực 9 về việc bác yêu cầu khôi phục ngay lập tức sắc lệnh cấm nhập cảnh của ông Trump trên toàn nước Mỹ - Ảnh chụp màn hình |
Động thái diễn ra chỉ vài tiếng ngay sau khi Bộ Tư pháp Mỹ nộp đơn kháng cáo, chống lại phán quyết ngày 3-2 của James Robart về việc đình chỉ thực thi sắc lệnh cấm nhập cảnh trên toàn nước Mỹ.
Trong đơn kháng cáo có nêu yêu cầu của Bộ Tư pháp rằng sắc lệnh này phải được khôi phục hiệu lực ngay lập tức.
Tuy nhiên, yêu cầu này đã bị Tòa phúc thẩm liên bang bác bỏ ngay sau đó. Như vậy, đơn kháng cáo của Bộ Tư pháp vẫn chưa bị bác bỏ hoàn toàn và vẫn còn phải chờ một phiên điều trần nữa sẽ diễn ra vào lúc 15g ngày 6-2 (giờ Mỹ).
Điều đó cũng đồng nghĩa với chuyện sắc lệnh cấm nhập cảnh của ông Trump đối với 7 quốc gia có dân Hồi giáo chiếm đa số vẫn sẽ tạm thời bị đình chỉ thực thi trong thời gian chờ phán quyết cuối cùng từ tòa án.
Tuyên bố ngắn gọn của Tòa phúc thẩm liên bang khu vực 9 có nhắc đến việc đang chờ đợi thêm thông tin từ các bang Washington và Minnesota trong ngày 5-2 (giờ Mỹ) và chính phủ Mỹ vào ngày 6-2.
Theo tài liệu TTO tiếp cận được, đơn kháng cáo dài hơn 120 trang của Bộ Tư pháp Mỹ đã đưa ra 6 luận điểm chính cùng nhiều trích dẫn và phụ lục để phản bác phán quyết đình chỉ thực thi của thẩm phán Robart. Đó là:
- Nhấn mạnh quyền lực của Tổng thống với tư cách là Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang, người hoạch định chính sách đối ngoại và là người được trao quyền ký sắc lệnh hành pháp mà không cần sự thông qua của Quốc hội.
- Nhập cư là một vấn đề thuộc về nhánh Hành pháp.
- An ninh quốc gia là lĩnh vực thuộc thẩm quyền của Tổng thống, không phải tòa án.
- Sắc lệnh cấm nhập cảnh chỉ ngăn công dân của các quốc gia nước ngoài đến Mỹ trong một giai đoạn tạm thời.
- Các quốc gia bị cấm là những nước đã từng bị xem là tài trợ khủng bố từ thời chính quyền tiền nhiệm (Barack Obama).
- Sắc lệnh của Tổng thống không mang tính phân biệt tôn giáo mà chỉ nhắm vào quốc tịch và nguồn gốc của những người đến Mỹ.
Bộ Tư pháp Mỹ là một cơ quan thuộc nhánh Hành pháp trong mô hình Tam quyền phân lập gồm Hành pháp - Lập pháp và Tư pháp. Trách nhiệm của bộ này là giám sát việc thực thi pháp luật và bảo vệ lợi ích của nước Mỹ. Trong khi đó, Tòa án tối cao, tòa án liên bang và các tòa cấp thấp hơn thuộc nhánh Tư pháp. Nói một cách khác, các tòa án như Tòa phúc thẩm liên bang khu vực 9 - nơi nhận đơn kháng cáo của Bộ Tư pháp, không thuộc quyền quản lý của bộ này. Trách nhiệm cao nhất của các tòa án là bảo vệ Hiến pháp của nước Mỹ. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận