Chiều 10-8, báo Tuổi Trẻ đã tổ chức buổi tọa đàm "Tiêm vắc xin phòng chống các bệnh truyền nhiễm mùa hè".
Phát biểu tại buổi tọa đàm, nhà báo Lê Xuân Trung, phó tổng biên tập Báo Tuổi Trẻ, cho biết: "Chúng ta nghĩ mọi người biết về lợi ích của việc tiêm vắc xin nhưng không hẳn như vậy".
Nhà báo Xuân Trung mong rằng qua buổi tọa đàm này, các chuyên gia sẽ cung cấp được nhiều thông tin hữu ích cho các bạn đọc: khi nào cần tiêm vắc xin, nên tiêm loại vắc xin nào để phòng bệnh, lợi ích của các vắc xin mới...
Những thông tin này cần thiết với bạn đọc của Tuổi Trẻ, đặc biệt sắp tới trẻ em sẽ đến trường đi học trở lại.
Theo các chuyên gia, một trong các loại bệnh nguy hiểm và phức tạp là bệnh truyền nhiễm. Người dân đã hiểu đúng và đầy đủ về bệnh truyền nhiễm hay chưa?
Trong mùa hè này và mùa học sinh tựu trường sắp tới, phụ huynh cần trang bị các thông tin kiến thức gì để giúp cho trẻ có một sức khỏe tốt nhất? Những triệu chứng để nhận diện bệnh, cách phòng tránh?
Đây là những câu hỏi đang được nhiều bậc cha mẹ quan tâm. Mỗi năm có hơn 1,5 triệu trẻ chào đời, cần tiêm vắc xin phòng các bệnh truyền nhiễm, bảo vệ sức khỏe trong tương lai.
Nhiều chuyên gia uy tín tham dự buổi tọa đàm, bao gồm:
- PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, đại biểu Quốc hội, Trưởng Ban An toàn thực phẩm TP.HCM
- TS Phạm Văn Hùng, phó viện trưởng phụ trách chuyên môn Viện Kiểm định Quốc gia Vắc xin và Sinh phẩm y tế
- TS.BS Phạm Quang Thái - phó trưởng khoa kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương;
- ThS.BS Lê Hồng Nga - phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM
- BS. CKII Nguyễn Minh Tiến - phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1
- BS Trương Hữu Khanh - phó chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm TP.HCM,
- BS.CKI Bạch Thị Chính - giám đốc y khoa Hệ thống Trung tâm Tiêm chủng VNVC...
Diễn viên Ngọc Lan lo lắng trước dịch bệnh tay chân miệng đang gia tăng, nhiều ca nặng khi mùa tựu trường tới. Vậy khi nào mới có vắc xin tay chân miệng để cho những bà mẹ có con nhỏ như em an tâm?
Bà Lê Hồng Nga - phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM - trả lời: Hiện giờ chúng ta đang mong chờ vắcxin tay chân miệng. Trong lúc chờ vắcxin, các bà mẹ cần phải phòng bệnh cho trẻ, như thường xuyên rửa đồ chơi sạch sẽ bằng xà bông hoặc chất tẩy rửa thông thường.
Theo bà Nga, tại TP.HCM, "chúng tôi luôn luôn kiểm tra các hoạt động phòng chống dịch bệnh trong trường học, trong đó có dịch bệnh tay chân miệng. Để đảm bảo hạn chế thấp nhất sự lây nhiễm khi có triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh tay chân miệng thì không nên cho trẻ đi học, tránh lây bệnh cho trẻ khác và chăm sóc trẻ ở nhà sẽ tốt hơn".
TS Phạm Văn Hùng - Phó Viện trưởng Viện Kiểm định Quốc gia - cũng bày tỏ rằng, chưa khi nào vắc xin lại trở lên phổ biến đến như vậy. Trải qua những đại dịch như vậy càng thấy giá trị thật của vắc xin và giá trị thật của vắc xin trong việc phòng chống bệnh truyền nhiễm.
"Ở vai trò của chúng tôi, chúng tôi chia sẻ một chút với các bà mẹ và bác sĩ lâm sàng khi một liều vắc xin được triển khai tiêm cho cộng đồng cần trải qua sự kiểm tra nghiêm ngặt.
Việt Nam là vùng nhiệt đới gió mùa mùa. Mùa hè có nhiều bệnh truyền nhiễm có thể kiểm soát được vì đã có các vắc xin phòng bệnh được. Nhưng có hai bệnh đang nổi lên là sốt xuất huyết, chân tay chân miệng lại chưa có vắc xin.
Hiện nay chúng tôi đã nhận được một số đơn vị đã nộp hồ sơ về vắc xin sốt xuất huyết. Chúng tôi đang đánh giá và thử nghiệm lâm sàng trong thời gian sớm nhất, có thể chưa đến một năm nữa sẽ có vắcxin này.
Chúng tôi cũng đã nhận toàn bộ hồ sơ vắc xin tay chân miệng và kiểm định chất lượng, hi vọng sẽ có vắc xin này trong trong thời gian sớm nhất cho cộng đồng. Hy vọng sắp tới có thể sẽ có vắc xin tay chân miệng trong mùa tựu trường của các bé" - ông Hùng cho biết.
Trong vai trò một người mẹ, á hậu Dương Cẩm Lynh bày tỏ mối quan tâm: Tôi có con nhỏ, con tôi tiêm nhiều mũi vắc xin trễ, giờ tôi phải chích ngừa cho con như thế nào? Nên tiêm những loại nào?
Trả lời câu hỏi này, bác sĩ Trương Hữu Khanh cho biết: Tiêm vắc xin trễ thì phòng bệnh trễ. Nhưng dù phòng bệnh trễ cũng vẫn phải nên đưa trẻ đi tiêm, sớm ngày nào hay ngày ấy. Là một người thông thái, cần có kế hoạch đi tiêm vắc xin cho trẻ. Hiện có nhiều loại vắc xin nhưng cần tiêm loại nào trước, loại nào sau, cần đưa trẻ đến cơ sở tiêm chủng để được tư vấn.
Nhà báo Huy Thọ cũng đặt vấn đề: Sắp tới vào mùa tựu trường, trẻ cần được tiêm những loại vắc xin nào để đảm bảo sức khỏe tốt nhất cho trẻ khi quay trở lại trường học?
Bác sĩ Bạch Thị Chính, giám đốc y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC, cho biết ở độ tuổi học đường, trẻ cần được tiêm mới và tiêm nhắc lại nhiều loại vắc xin quan trọng để xây dựng hệ miễn dịch vững vàng, trước khi học sinh quay trở lại trường học, tiếp xúc với môi trường đông người.
Các tổ chức y tế trên thế giới đều khuyến cáo trẻ em cần được tiêm đúng lịch, đúng liều các vắc xin phòng bệnh và không được bỏ qua các mũi tiêm nhắc ở mỗi thời điểm từ giai đoạn mầm non cho đến đại học. Ngoài ra, hiện có nhiều loại vắc xin thế hệ mới ra đời mà trẻ chưa được thụ hưởng, cần thiết phải tiêm mới.
Cụ thể, trẻ cần tiêm các loại vắc xin như cúm, phế cầu, ho gà - bạch hầu - uốn ván, HPV, viêm não Nhật Bản...
Bên cạnh các bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết đang vào mùa, còn những bệnh truyền nhiễm khác cũng có nguy cơ và vô cùng nguy hiểm đang rình rập như viêm não Nhật Bản, phế cầu... Các bệnh này đã có vắc xin phòng ngừa.
Ngoài các vắc xin trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng, còn rất nhiều vắc xin khác phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Do đó, phụ huynh cần cho trẻ tiêm ngừa đầy đủ các loại vắc xin đang có.
Và Hệ thống tiêm chủng VNVC có nhiều chính sách hỗ trợ người dân được tiếp cận tốt nhất với vắc xin và tiêm chủng như: chương trình tiêm vắc xin trả góp không lãi suất, tiêm vắc xin trước trả tiền sau, bình ổn và ưu đãi giá vắc xin... để người dân được tiêm chủng đầy đủ nhất, bảo vệ sức khỏe sớm nhất.
Một quan tâm khác rất phổ biến với việc tiêm ngừa là trong một buổi đi tiêm vắc xin mà tiêm nhiều mũi như vậy thì có hại gì không?
TS.BS Phạm Quang Thái - phó trưởng khoa kiểm soát bệnh truyền nhiễm - trả lời: Mục đích chính của vắc xin là tạo bảo vệ tránh các bệnh có thể phòng ngừa bằng vắc xin qua việc tạo miễn dịch ngắn hạn và dài hạn. Nhiều nghiên cứu trên thế giới đã chứng minh trong một buổi vẫn có thể tiêm nhiều loại vắc xin và không ảnh hưởng gì đến người tiêm.
Các vắc xin mới liên tục được cập nhật, người dân và cán bộ y tế đều cần thông tin để biết để có nhiều lựa chọn hơn trong tương lai.
Nhà báo Huy Thọ cũng đặt câu hỏi đến cho các chuyên gia những thắc mắc khá phổ biến khác của nhiều gia đình: Nhiều người không thể nhớ mình đã tiêm những loại vắc xin gì, mũi cuối cùng là loại vắc xin nào? Giờ muốn phòng chống các bệnh thì phải làm sao?
Trước thắc mắc này, GS.TS.BS Trần Đắc Phu - nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng - cho hay hiện nay có khái niệm tiêm chủng trọn đời. Ngay từ khi mang thai, các bà mẹ đã phải tiêm các loại vắc xin nào. Cũng như ngay sau khi trẻ ra đời phải tiêm vắc xin viêm gan siêu vi B... Mỗi độ tuổi lại có lịch tiêm vắc xin phù hợp... Có những loại vắc xin muốn có miễn dịch là phải tiêm để có miễn dịch từ trước, còn vắc xin phòng chống dịch thì đến dịch mới tiêm.
"Chúng ta cần phải tiêm chủng suốt đời và cần phải đúng lịch" - ông Phu khẳng định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận