Mở đầu cuộc tọa đàm, ông Võ Hùng Thuật - giám đốc Trung tâm Dịch vụ truyền thông, báo Tuổi Trẻ - chia sẻ người được tiêm chủng đầy đủ sẽ tự tin hơn trong tiếp xúc với cộng đồng, có nhiều cơ hội hơn trong công việc và cuộc sống.
Tuy nhiên không vì vai trò quan trọng của tiêm chủng mà không chú ý đến an toàn tiêm chủng, ngược lại, càng phải chú ý hơn đến yếu tố an toàn, thông qua việc bảo quản, chất lượng tiêm chủng… "Mong các chuyên gia mang đến nhiều kiến thức tốt cho bạn đọc của chúng tôi" - ông Thuật nói.
Theo PGS.TS Lê Việt Dũng, phó cục trưởng Cục Quản lý dược: "Người dân không xa lạ với vắc xin và tiêm chủng, từ năm 1981 chương trình tiêm chủng mở rộng được mở ra, mang đến nhiều cơ hội chống lại các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, là một phần quan trọng của chăm sóc cơ bản, để người lớn, trẻ em chống lại bệnh tật.
Cuộc tọa đàm có sự tham gia của nhiều đồng nghiệp chúng tôi sẽ đem đến nhiều kiến thức xung quanh an toàn tiêm chủng".
Quy trình an toàn tiêm chủng được thực hiện nhiều bước
Trả lời câu hỏi thế nào là an toàn tiêm chủng, bà Đặng Thanh Huyền, phó trưởng Văn phòng tiêm chủng mở rộng quốc gia, cho hay chưa bao giờ số lượng cơ sở tiêm chủng tăng nhanh chóng trong thời gian qua, người dân tiêm chủng cũng có số lượng chưa từng có.
Như vừa qua, hơn 80 triệu người dân đã được tiêm vắc xin phòng COVID-19, đây là cơ hội chúng ta mở rộng tiêm chủng không chỉ cho trẻ em mà còn cho người lớn.
Bộ Y tế tới đây sẽ nghiên cứu để phát triển tiêm chủng trong quy định. Để đảm bảo an toàn tiêm chủng, tất cả các nhân viên y tế phải được đào tạo về tiêm chủng. Đặc biệt người khám sàng lọc phải được đào tạo từ trung cấp trở lên. Quy định này hằng năm được rà soát và yêu cầu thực hiện.
Ngoài ra, phải đảm bảo về cơ sở vật chất, đủ phòng ban. Vắc xin là một chế phẩm rất đặc biệt, đảm bảo quy trình bảo quản đến điểm tiêm. Đồng thời phải đảm bảo vai trò của nhân viên y tế. Bên cạnh đó, cha mẹ cần khai báo đầy đủ những mũi tiêm chủng con đã tiêm, hướng dẫn nhận biết phản ứng sau tiêm cho con...
Ông Phạm Quang Thái, phó trưởng khoa kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, cũng cho biết thêm về quy trình tiêm chủng an toàn là quy trình 4 bước, trong đó có:
- Xác định đối tượng cần được tiêm, loại vắc xin được chỉ định, khám sàng lọc (ngay vấn đề khám sàng lọc, Bộ Y tế đã phải sửa rất nhiều lần, mới đây đã có hướng dẫn mới hướng dẫn trẻ dưới 1 tuổi và trên 1 tuổi với các hạng mục đầy đủ. Nếu trẻ có bất kỳ vấn đề gì sẽ được chuyển đến bệnh viện tiêm chủng, nếu an toàn đủ điều kiện mới được thực hiện tiêm);
- Sau đó là tư vấn sau tiêm, để đảm bảo trẻ khi tiêm xong được theo dõi an toàn. Các điểm tiêm đã được trang bị những tờ hướng dẫn, phụ huynh sẽ biết để theo dõi trẻ tại nhà. Tất cả những điều này chúng ta làm được sẽ đảm bảo an toàn, hạn chế rủi ro sau tiêm.
Cung cấp thông tin về quy trình tiêm chủng an toàn Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC đang áp dụng, bà Bạch Thị Chính, giám đốc y khoa Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC, cho biết ở đây đang áp dụng theo 7 bước: bước 1 là phân loại khách hàng, bước 2 là ngồi chờ khám sàng lọc theo dõi bằng màn hình ngoài phòng khám, bước 3 là khám sàng lọc; bước 4 là qua thu tiền tiêm chủng; bước 5 là hướng dẫn khách hàng đến phòng tiêm chủng, kế đến được tiêm chủng; sau đó, theo dõi tại chỗ 30 phút.
Cuối cùng, khách hàng sẽ được kiểm tra và hướng dẫn theo dõi sau tiêm trước khi ra về.
Khám sàng lọc an toàn như thế nào?
Bà Đặng Thanh Huyền nhấn mạnh chỉ có những trường hợp đủ điều kiện sức khỏe mới được tiêm chủng. Mới đây, Bộ Y tế đã có hướng dẫn khám sàng lọc mới nhất, đây là lần thứ 4 ban hành cập nhật sàng lọc tiêm chủng.
Từ năm 2022 đến nay, chương trình tiêm chủng mở rộng đã phối hợp, hướng dẫn tập huấn 63 tỉnh, thành phố để thực hiện theo quy trình. Tất cả các đối tượng tiêm chủng đều được khám sàng lọc.
Người được tiêm chủng phải nói rõ những vấn đề như các mũi tiêm đã tiêm, các phản ứng trước đây từng gặp phải. Đối với trẻ nhỏ, có triệu chứng sốt,... sẽ nằm trong diện hoãn tiêm. Những trường hợp mắc bệnh nền sẽ được chuyển lên tuyến trên để được khám sàng lọc nhằm đảm bảo an toàn tiêm chủng.
Đối với trẻ nhỏ, khi trẻ có vấn đề sức khỏe, trước khi ra viện, sẽ được tư vấn những mũi tiêm chủng còn sót để được tiêm chủng đầy đủ.
Trước đây, nhiều bệnh nhi mắc tim bẩm sinh, HIV, có hệ suy giảm miễn dịch,… bị bỏ lỡ mũi tiêm, thì đến nay đã có những hướng dẫn cụ thể, chuyển tuyến khám sàng lọc để trẻ được đảm bảo tiêm chủng.
Trả lời câu hỏi về việc khám sàng lọc với những trường hợp nhỏ tuổi, lưu ý gì khi khám sàng lọc đối tượng cần thiết tiêm HPV, bác sĩ Đinh Bích Thủy, trưởng khoa khám theo yêu cầu, Bệnh viện Phụ sản trung ương, cho hay phụ nữ ở lứa tuổi 45-50 có tỉ lệ mắc ung thư cổ tử cung cao. Nguyên nhân gây ung thư cổ tử cung là do vi rút HPV.
Để phát hiện sớm, cần khám sàng lọc sớm. Hiện vắc xin HPV khuyến cáo từ 9 - 26 tuổi. Phụ nữ đến khám rất muốn tiêm khi đã 30-40 tuổi, lứa tuổi này vẫn tiêm được, nhưng lứa tuổi chưa quan hệ tình dục, trẻ tuổi sẽ mang lại hiệu quả cao hơn. Khi lớn tuổi, có thể vắc xin vẫn có tác dụng nhưng sẽ không được cao, tuy nhiên vẫn có thể phòng được các chủng HPV chưa mắc.
Tiếp ý cho câu hỏi này, bà Bạch Thị Chính cho biết theo hướng dẫn, tuổi tiêm từ 9 -26 tuổi, hiện nay đã tiêm cho cả hai giới. Còn nước ngoài đã có hướng dẫn tiêm cho tuổi lớn hơn. Nếu người dân nghĩ rằng mình có nguy cơ cao mắc, nên được sự tư vấn của các chuyên gia.
Hiện có người băn khoăn con mới 9-10 tuổi có cần tiêm không? Thực tế, chúng ta có thể bị nhiễm từ rất trẻ, diễn tiến bệnh mất 10-20 năm sau mới mắc ung thư. Mục tiêu đề ra là phòng ung thư cổ tử cung, phòng âm hộ hậu môn, hầu họng,… Ở nam giới là ung thư dương vật…
Vắc xin phòng viêm gan B và vắc xin HPV đang được coi là hai loại vắc xin phòng được ung thư.
Việc cấp phép, vận chuyển vắc xin cần kiểm soát chặt chẽ
TS Lưu Thị Dung, phó trưởng khoa quản lý hệ thống chất lượng, Viện Kiểm định quốc gia vắc xin và sinh phẩm y tế, cho hay vắc xin có hai loại là nhập khẩu và sản xuất trong nước. Tất cả vắc xin khi được sử dụng đã được kiểm định an toàn. Việc này giúp người dân tin tưởng về chất lượng, an toàn, hiệu quả.
Để có được các loại vắc xin lưu hành, khi các nhà sản xuất bắt tay vào sản xuất đã phải kiểm soát nghiêm ngặt, giai đoạn chuyên gia, bán thành phẩm, thành phẩm được kiểm tra kỹ lưỡng. Đối với những vắc xin nhập khẩu, sẽ được các nước sở tại cấp giấy chứng nhận cho phép lưu hành.
Khi về đến Việt Nam, vắc xin sẽ được chuyển đến viện kiểm định để xác định rà soát hồ sơ pháp lý liên quan đến chất lượng, bảo quản vắc xin. Đảm bảo tất cả các yếu tố đó mới được thông qua kiểm định.
Vắc xin trong nước cũng được kiểm soát như vậy, toàn bộ hồ sơ cũng được kiểm định nghiêm ngặt trước khi sử dụng.
Bà Đặng Thanh Huyền nhấn mạnh trong hệ thống tiêm chủng, hệ thống dây chuyền lạnh là điều kiện không thể thiếu. Khi vận chuyển vắc xin bằng các phương tiện chuyên dụng đến kho quốc gia. "Chúng tôi đã có những thiết bị bảo quản hơn 260 triệu liều vắc xin, các thiết bị này được theo dõi tự động, khi có những sự cố nào sẽ có tin nhắn đến người phụ trách.
Chúng tôi vận chuyển vắc xin 2 tháng/lần bằng xe chuyên dụng đến 28 tỉnh thành phía Bắc. Tại kho tuyến tỉnh đã trang bị tủ lạnh để bảo quản vắc xin. Nhiệt độ ổn định, theo dõi bằng các thiết bị tự động để theo dõi toàn bộ quá trình từ khi đưa vắc xin vào tủ lạnh đến khi đưa ra khỏi tủ lạnh, nhắn tin cho người quản lý khi có sự cố.
Với tuyến huyện, các trung tâm y tế huyện đã được trang bị tối thiếu 2 tủ lạnh vắc xin đạt tiêu chuẩn của WHO về bảo quan vắc xin. Tại tuyến xã đã có hàng ngàn xã được trang bị, tới đây sẽ huy động để bao phủ tủ lạnh bảo quản vắc xin để đảm bảo an toàn tiêm chủng".
Trên thực tế, sau khi được cấp chất lượng rồi thì vấn đề bảo quản, vận chuyển vắc xin có tác động rất lớn.
Sau khi xuất xưởng, sẽ có những khâu giám sát hậu kiểm, giám sát bảo quản lạnh, lấy mẫu ngẫu nhiên để kiểm tra để phát hiện sớm những loại vắc xin không đảm bảo để báo cáo Bộ y tế, không để các loại vắc xin này được tiêm chủng.
Ông Lê Việt Dũng, cũng khẳng định vắc xin khi lưu hành trên thị trường phải đảm bảo an toàn.
"Chúng tôi là cơ quan đầu mối thường xuyên trao đổi, tập huấn để đảm bảo chất lượng vắc xin, liên tục giám sát, kiểm định vắc xin lưu hành trên thị trường.
Kể cả các vắc xin nhập khẩu phải được cấp phép ở nước sở tại, khi về Việt Nam phải kiểm định lại, đạt tiêu chuẩn một lần nữa mới được đưa vào sử dụng. Vì vậy, người dân có thể yên tâm về chất lượng vắc xin được sử dụng hiện nay".
Bà Ngô Thị Tuyết Sương, giám đốc chất lượng Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC, cho biết Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC đã được trang bị dây chuyền lạnh bảo quản vắc xin ở 3 miền, mỗi miền 1 kho bảo quản.
Mỗi trung tâm tiêm chủng có tủ lạnh bảo quản vắc xin, cuối ngày vắc xin tủ lạnh được chuyển về kho lạnh.
Tại kho lạnh, công tác bảo quản rất nghiêm ngặt 2-8 độ C. Đầu tiên là giám sát tại chỗ bằng các đầu dò trong kho lạnh, VNVC có quản lý từ xa, ngồi ở bất kỳ vị trí nào cũng có thể kiểm tra bất kỳ vị trí nào trong kho.
Dữ liệu có thể ghi nhận từ vài ngày đến vài tháng. Nếu nhiệt độ ở ngưỡng nguy hiểm, hệ thống sẽ kịp thời có cảnh báo tại chỗ và trực tuyến gồm 3 lớp: cảnh báo tại chỗ bằng tín hiệu còi và đèn, cảnh báo từ xa qua tin nhắn SMS và cảnh báo qua email đến những người có trách nhiệm (như thủ kho, quản lý kho, quản lý trung tâm, giám đốc kho và giám đốc vận hành toàn quốc).
Ngoài đảm bảo an toàn vắc xin, VNVC cũng đảm bảo các quy trình khám sàng lọc, tư vấn phản ứng sau tiêm, hướng dẫn sau tiêm… nhằm đảm bảo "an toàn trong khâu tiêm, đảm bảo đúng người bệnh, đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng thời điểm, đúng đường tiêm".
Làm sao để người dân biết được đúng vắc xin an toàn, đúng thời điểm?
Ông Phạm Quang Thái cho rằng cần chú ý đến câu chuyện truyền thông của người làm y tế. Giữa người thầy thuốc đưa ra chỉ định và người dân đến điểm tiêm. Mỗi điểm tiêm không đơn giản chỉ là tiếp đón con người cụ thể, mà còn liên quan đến truyền thông. Hoạt động truyền thông phải được diễn ra trước khi tiêm, trong tiêm và sau tiêm.
"Chỉ cần chúng ta sao nhãng là sẽ thấy thông tin vắc xin hết hạn, tiêm nhầm đường tiêm,… đó là những vấn đề liên quan đến quản lý. Chúng ta đảm bảo an toàn tiêm chủng là chúng ta bảo vệ chính chúng ta và bảo vệ mỗi người được tiêm chủng" - ông Thái lưu ý.
Bà Ngô Thị Tuyết Sương cho biết ngoài hướng dẫn của cơ quan chức năng về tiêm chủng đã đầy đủ, VNVC đã tuân thủ đầy đủ, bên cạnh đó bảng kiểm khám sàng lọc của VNVC có thêm những câu hỏi như "trong 4 tuần qua anh chị có tiêm vắc xin sống nào không?" để sàng lọc kỹ hơn.
Sang công đoạn của điều dưỡng VNVC cũng có bảng kiểm, mỗi khu vực đều có bảng kiểm để "checklist" từng thao tác, đảm bảo chuẩn mực từng khâu.
Thông tin thêm, bác sĩ Bạch Thị Chính cho hay một điểm riêng của VNVC là sử dụng mũi kim làm sao thật tốt, khi tiêm chuẩn và ổn. "Tiêm chủng là quy trình 2 chiều, khách hàng và bên cung cấp dịch vụ, chúng tôi cung cấp đầy đủ thông tin quy trình để người dân giám sát, để đẩy mạnh vấn đề phòng bệnh bằng vắc xin ngày càng tốt hơn".
Nói về phản ứng bất lợi sau tiêm chủng, ông Phạm Quang Thái cũng chia sẻ rằng vắc xin khi được đưa vào cơ thể sẽ kích thích cơ thể sinh ra miễn dịch, nên sẽ tạo ra những phản ứng như sốt, mệt mỏi, nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn… Nếu là những phản ứng thông thường thì báo hiệu cơ thể đã có tác dụng từ vắc xin để tạo ra miễn dịch. Nếu phản ứng quá lại là dấu hiệu bất lợi cho một số người.
Phản ứng sốt, sưng đau tại chỗ là phản ứng thường gặp, nhưng có thể trở thành phản ứng bất lợi tùy từng trường hợp. Ví dụ đối với một số người chỉ sốt 38 độ đã có thể bị động kinh…
Có những phản ứng hiếm gặp nhưng khi chúng ta tiêm tới hàng triệu liều vắc xin, số trường hợp có phản ứng sẽ thành không ít. Ví dụ như phản ứng sốc phản vệ khi tiêm vắc xin COVID-19, một ngày chúng ta tiêm tới 2 triệu liều thì có 20 trường hợp sốc phản vệ sau tiêm có thể xảy ra. Nếu chúng ta xác định đó là sốc phản vệ và có sự chuẩn bị phương án cấp cứu xử lý phù hợp thì sẽ kịp thời xử lý.
Liên quan đến các phản ứng sau tiêm là thông thường hay hiếm gặp còn tùy thuộc vào cơ địa của mỗi người. Nhưng qua theo dõi thì những phản ứng hiếm gặp, phản ứng nghiêm trọng thường xảy ra trong vòng 24 giờ, vì vậy cần theo dõi chặt chẽ 24 giờ sau khi tiêm.
Có những trường hợp đã được ghi nhận có những phản ứng bất lợi, bất thường xảy ra sau khi tiêm 12 giờ. Trong 12 giờ đầu chưa có phản ứng nhưng sau đó có thể xảy ra khi chúng ta đã không còn chú ý, đấy chính là những trường hợp thường có diễn tiến nặng do không được phát hiện, xử trí kịp thời.
Những phản ứng mạnh nhất thường xảy ra ngay trong vòng 30 phút sau tiêm, nên 30 phút sau khi tiêm chủng cần được theo dõi ngay tại địa điểm tiêm chủng.
Trên thực tế, cũng đã ghi nhận có những phản ứng vẫn có thể xảy ra trong vòng 3-7 ngày sau khi tiêm chủng. Vì vậy sau khi tiêm về, cần theo dõi chặt chẽ ít nhất 24 giờ, không nên ở một mình, hoặc đối với trẻ em thì không được để trẻ ở một mình. Để nếu xảy ra dấu hiệu hay phản ứng bất thường nào có thể có người hỗ trợ, kịp thời phát hiện và xử lý.
Bà Đặng Thanh Huyền khẳng định các vắc xin được đưa vào sử dụng sau khi trải qua một quy trình kiểm tra chặt chẽ, tuy nhiên vắc xin sử dụng cho từng cá thể, phản ứng xảy ra tùy theo cơ địa của từng cá thể.
"Đối với chương trình tiêm chủng, chúng tôi hướng dẫn sàng lọc theo hướng không chặt quá nguy cơ bỏ sót trẻ không được tiêm chủng, không lỏng quá nguy cơ xảy ra phản ứng. Bên cạnh đó là tập huấn để xử trí khi xảy ra phản ứng.
Bên cạnh đó, điều chúng tôi ghi nhận là những năm gần đây tỉ lệ xảy ra phản ứng đã giảm đi rất nhiều, đó là nhờ kỹ năng xử trí của hệ thống y tế.
Tại các gia đình, người chăm sóc trẻ như cha mẹ, ông bà sẽ là người gần gũi trẻ nhất, có thể phát hiện sớm những trường hợp nguy cơ như trẻ khóc thét bất thường, sốt cao… để có thể đưa trẻ đến cơ sở y tế sớm" - bà Huyền cho biết.
Còn theo bác sĩ Chính, tất cả nhân viên của VNVC đều tuân thủ nguyên tắc, sau khi khách hàng đến tiêm chủng sẽ được tính giờ, đúng 30 phút sau tiêm mới để khách hàng ra về. "Sau khi khách hàng ra về, chúng tôi vẫn giữ liên lạc để theo dõi phản ứng, trong cuốn sổ tiêm chủng cũng có đường dây nóng để khách hàng gọi lại trường hợp cần theo dõi. Chúng tôi cũng có đội bác sĩ để xử trí vấn đề này".
Bà Vũ Thị Thu Hà, giám đốc cung ứng Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC:
Việc đảm bảo an toàn chất lượng vắc xin là điều VNVC đặc biệt quan tâm
Về hệ thống đảm bảo chất lượng và quy trình thực hiện giám sát chất lượng vắc xin của VNVC, chúng tôi có hệ thống tiêm chủng bao phủ trên 44 tỉnh thành, ở 115 trung tâm trong toàn quốc nên việc đảm bảo an toàn về chất lượng là một bài toán mà VNVC đặc biệt quan tâm.
VNVC thành lập được 7 năm, các hoạt động đảm bảo chất lượng vắc xin và tiêm chủng tuân thủ chặt chẽ theo các hướng dẫn của Bộ Y tế. VNVC đã có hệ thống xe lạnh vận chuyển vắc xin chuyên dụng. Tất cả các xe vận chuyển trước khi đưa vào sử dụng đều được thẩm định xác nhận đạt tiêu chuẩn đảm bảo chất lượng vắc xin trong quá trình vận chuyển.
VNVC đã triển khai thử nghiệm phương án vận chuyển vắc xin trên đường ở các tình huống khác nhau, thử nghiệm các tình huống có thể xảy ra, có phương án dự phòng, xử lý các sự cố... để đảm bảo vắc xin đến các trung tâm tiêm chủng đảm bảo chất lượng.
Bên cạnh hệ thống bảo quản, vận chuyển, yếu tố con người cũng được VNVC đảm bảo bằng việc xây dựng quy trình đào tạo chuẩn, quy trình làm việc với khách hàng chuẩn.
Ở ba vùng, chúng tôi có ba kho tổng chính tại Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng và ba kho lạnh tổng, cùng với các kho trung chuyển, đảm bảo đủ điều kiện bảo quản vắc xin cho tất cả các trung tâm tiêm chủng trong hệ thống VNVC.
Đến thời điểm này, không chỉ xây dựng quy trình, phương án cho 115 trung tâm hiện có, chúng tôi đã có phương án cho hệ thống đến 200-300 trung tâm tiêm chủng.
Nói về việc kiểm soát chất lượng vắc xin từ khi sản xuất đến nhập khẩu và sử dụng tiêm chủng, ông Lê Việt Dũng khẳng định Cục Quản lý dược là đơn vị theo dõi chất lượng vắc xin, cấp phép lưu hành, kinh doanh, kiểm soát thông tin, theo dõi phản ứng sau tiêm… cùng các đơn vị khác của bộ.
"Chúng tôi cũng thông tin để quý vị yên tâm là hệ thống quản lý an toàn vắc xin của Việt Nam đang ở cấp độ 3, là cấp độ rất cao. Chúng ta chỉ thiếu 1 điểm để đạt cấp độ 4 như các nước phát triển là thiếu dược sĩ tại cửa khẩu nơi nhập khẩu vắc xin.
Về việc cung ứng vắc xin, do đặc thù từ khi có đặt hàng đến khi nhận được vắc xin cần một thời gian, nên vẫn còn sự "lệch pha" giữa nhu cầu và cung ứng. Bên cạnh đó có một số nguyên nhân khác như mua sắm, sản xuất… Đây đều là các lý do tức thời, cục bộ".
Ông cũng cho biết thế giới đang nghiên cứu nhiều vắc xin mới, đã có vắc xin như ngừa ung thư cổ tử cung có trên thị trường, đồng thời đang nghiên cứu vắc xin ngừa ung thư gan, tay chân miệng…
"Đối với một số bệnh dịch mới như chân tay miệng, Bộ Y tế đã chỉ đạo các đơn vị có liên quan tìm nguồn cung ứng. Ngày 30-5 đã có đơn vị nộp hồ sơ đăng ký, chúng tôi đã đưa hồ sơ này vào nhóm ưu tiên để xem xét, cấp phép lưu hành".
Theo ông Dũng, Bộ Y tế sẽ phối hợp với các đơn vị nhập khẩu, các cơ sở nghiên cứu lâm sàng thực hiện các khâu đánh giá chặt chẽ để đảm bảo vắc xin đến tay người dùng một cách an toàn nhất.
Tiếp lời về câu chuyện vắc xin ngừa bệnh tay chân miệng, bà Bạch Thị Chính bày tỏ: "Bệnh không có chờ chúng ta, nên chúng ta nếu có điều kiện để phòng bệnh thì cần triển khai sớm nhất việc phòng bệnh cho trẻ. Hệ thống VNVC hiện đã có nhiều loại vắc xin mới có thể phòng các bệnh mới, phòng bệnh từ trẻ em đến người lớn tuổi.
VNVC luôn đồng hành cùng với Nhà nước, chương trình tiêm chủng mở rộng, để đối với những loại vắc xin chưa được đưa vào chương trình Tiêm chủng mở rộng, chúng tôi có các chương trình giảm giá, hỗ trợ người lớn tuổi, người có hoàn cảnh khó khăn để cùng phòng dịch bệnh".
Để nâng cao nhận thức của cộng đồng về tiêm chủng vắc xin an toàn, trả lời những câu hỏi tiêm vắc xin có làm ảnh hưởng đến hệ miễn dịch tự nhiên của trẻ; việc khám trước và theo dõi sau tiêm chủng sẽ thực hiện ra sao; tại sao trẻ cần tiêm chủng đủ liều, đúng lịch..., báo Tuổi Trẻ với sự đồng hành của Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC tổ chức buổi tọa đàm và giao lưu trực tuyến"Tiêm chủng vắc xin an toàn và nâng cao nhận thức cộng đồng" tại khách sạn Sheraton Hà Nội.
Câu hỏi của bạn đọc sẽ được các khách mời - là những chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực tiêm chủng, y tế dự phòng - giải đáp:
- Bà Đặng Thanh Huyền, phó trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng quốc gia.
- Ông Phạm Quang Thái, phó trưởng khoa kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương.
- Bà Bạch Thị Chính, giám đốc y khoa, Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC.
- BS Đinh Bích Thủy, trưởng khoa khám theo yêu cầu, Bệnh viện Phụ sản trung ương.
- TS Lưu Thị Dung, phó trưởng khoa quản lý hệ thống chất lượng, Viện Kiểm định quốc gia vắc xin và sinh phẩm y tế.
Chương trình còn có sự tham gia của các khách mời là ông Lê Việt Dũng, phó cục trưởng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế); bà Vũ Thị Thu Hà, giám đốc cung ứng Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC; bà Ngô Thị Tuyết Sương, giám đốc chất lượng Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC và đại diện UNICEF tại Việt Nam.
Nội dung buổi tọa đàm và phần trả lời giao lưu trực tuyến được cập nhật trên tuoitre.vn từ 9h - 11h sáng 10-7, kính mời bạn đọc đón xem.
Tiêm ngừa - Chuyện chưa kể
Báo Tuổi Trẻ với sự đồng hành của Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC đang tổ chức cuộc thi viết "Tiêm ngừa - Chuyện chưa kể". Đây là cơ hội để mọi người chia sẻ câu chuyện của mình, truyền cảm hứng và nâng cao ý thức về tầm quan trọng của tiêm chủng trong bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Ban tổ chức cho biết cuộc thi mở cho tất cả mọi người từ 16 tuổi trở lên, không giới hạn quốc tịch hay nghề nghiệp. Cán bộ, nhân viên báo Tuổi Trẻ và Công ty cổ phần Vacxin Việt Nam (VNVC) được phép viết bài để hưởng ứng cuộc thi nhưng không được chấm giải.
Về dung lượng, tác phẩm dự thi là bài viết ngắn bằng tiếng Việt, tối đa 800 từ, khuyến khích tác phẩm có hình ảnh, chùm ảnh hoặc video clip minh họa.
Nội dung là một câu chuyện liên quan đến chủ đề "tiêm chủng" và tầm quan trọng của tiêm chủng trong việc duy trì, nâng cao sức khỏe cộng đồng, như kỷ niệm đẹp về tiêm chủng của bạn hoặc người thân;
Kỷ niệm về việc bạn đã cân nhắc lý do và đưa ra quyết định tiêm chủng; Cảm nhận và trải nghiệm cá nhân trong, sau khi tiêm chủng hoặc những ảnh hưởng của tiêm chủng đối với cuộc sống cá nhân và cộng đồng xung quanh.
Người tham gia có hai cách để nộp bài viết dự thi: Gửi email đến địa chỉ [email protected]. Trong email, cần cung cấp thông tin cá nhân đầy đủ: tên, tuổi, quốc gia, địa chỉ email và số điện thoại liên lạc; Hoặc vào chuyên trang của cuộc thi ở địa chỉ tuoitre.vn, sau đó điền thông tin và tải file chứa bài dự thi theo yêu cầu.
Những tác phẩm dự thi tốt sẽ được ban tổ chức chọn lựa, đăng tải trên các ấn phẩm của Tuổi Trẻ (bài được chọn đăng không đồng nghĩa là bài sẽ đoạt giải). Thời gian nhận bài viết: Ngày 10-6 đến 30-7-2023, bất kỳ tác phẩm nào gửi sau thời hạn này 30-7-2023 sẽ không được xem xét.
Các tác phẩm dự thi sẽ được đánh giá bởi ban giám khảo gồm các chuyên gia y tế, nhà báo, nhân vật có tầm ảnh hưởng xã hội.
Giải thưởng gồm 2 giải đặc biệt trị giá 30 triệu đồng/giải; 10 giải nhất trị giá 10 triệu đồng/giải; 15 giải nhì trị giá 5 triệu đồng/giải; 20 giải ba và 100 giải khuyến khích.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận