Đó là một trong những nội dung gây tranh luận nhiều tại tọa đàm về dự thảo Luật tố tụng hành chính sửa đổi do TAND tối cao tổ chức tại TP.HCM ngày 11-4.
Theo Viện Khoa học xét xử TAND tối cao, tỉ lệ án hành chính sơ thẩm bị hủy án, sửa án là 4-5%/năm, cao gấp 4-5 lần so với các loại án khác.
Đa số quyết định, hành vi bị khiếu kiện của UBND cấp huyện và chủ tịch UBND huyện thuộc lĩnh vực quản lý đất đai, thường rất khó và phức tạp. Vì vậy, dự thảo giao những vụ việc thuộc loại này cho TAND cấp tỉnh giải quyết sơ thẩm.
Tuy nhiên, nhiều đại biểu tham dự tọa đàm (các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế trở vào phía Nam) cho rằng nên giữ thẩm quyền giải quyết vụ án hành chính của TAND cấp huyện theo quy định hiện hành, tức được giải quyết sơ thẩm các vụ khiếu kiện quyết định hành chính và hành vi hành chính của UBND cũng như chủ tịch UBND huyện.
Các thẩm phán cho rằng tòa cấp huyện xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật nên không ngại xét xử UBND hoặc chủ tịch UBND huyện thua kiện. Nếu đưa các vụ việc này lên tòa án cấp tỉnh là bất lợi hơn cho dân, làm khó người dân, buộc dân phải đi xa hơn, cực nhọc hơn.
Việc án hành chính sơ thẩm bị hủy, sửa nhiều do thẩm phán ở cấp huyện chưa đủ năng lực chứ không phải do thẩm phán “sợ” UBND huyện hay huyện ủy.
“Nếu dân dám kiện chủ tịch UBND huyện mà thẩm phán không dám “xử” thì sao dân tin được. Thẩm phán đại diện cho công lý, nhân danh Nhà nước mà không “đụng” được tới chủ tịch huyện thì ai làm được. Tôi đề nghị để TAND cấp huyện giải quyết sơ thẩm các vụ kiện này là hợp lý” - đại biểu đến từ TAND tỉnh Long An nêu ý kiến.
Bà Trịnh Thị Thanh Bình, chánh án TAND tỉnh Bến Tre, góp ý: “Có trường hợp quyết định của cơ quan hành chính sai nhưng đã được cưỡng chế thực hiện rồi. Khi bản án tuyên thì cơ quan thua kiện không chịu trách nhiệm về việc khắc phục hậu quả.
Huyện ủy mời tất cả các cơ quan, ban ngành họp nhưng không bàn ra cách giải quyết. Tôi kiến nghị buộc cơ quan ra quyết định trái pháp luật phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình, thi hành án theo bản án của tòa tuyên”.
Các đại biểu đến từ TAND các tỉnh khác cũng than phiền hiện nay luật không quy định cơ quan nào thi hành án hành chính. Một bản án hành chính có hiệu lực pháp luật, cơ quan hành chính “thua kiện” không chịu thi hành án thì không ai làm được gì cả.
Rốt cuộc người dân bị xâm phạm quyền lợi, vác đơn đi kiện, kiện được rồi kết quả cũng không được gì. Ông Huỳnh Văn Hạnh, giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM, đề nghị phải có quy định (có thể là pháp lệnh) về việc thi hành án hành chính như quy định về thi hành án dân sự hoặc hình sự hiện nay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận