Hội đồng xét xử đã công nhận bản án sơ thẩm số 436 (ngày 30-3-2020) của Tòa án nhân dân TP.HCM về trả lại nhà 317 Trần Bình Trọng cho chủ sở hữu là ông Công - giám đốc Công ty Bitroco, người 25 năm kêu oan đòi nhà mà Tuổi Trẻ Online đã thông tin.
Tuyên hủy các lần bán lòng vòng, trả lại nhà
Tháng 3-1990, Bitroco ký khế ước vay của Hợp tác xã tín dụng Bưu Điện tổng cộng 500 triệu đồng để làm ăn. Ông Công không thế chấp nhà cho Hợp tác xã Bưu Điện.
Tính đến cuối năm 1990, nợ gốc và lãi của ông Công là 814 triệu đồng. Tuy vậy, tháng 12-1990, Hợp tác xã Bưu Điện gửi công văn cho UBND quận 5, kê khống nợ của Bitroco lên đến hơn 1,7 tỉ đồng và đề nghị cho phát mãi nhà ông Công để thu hồi nợ. Mặc dù từ tháng 3-1990 đến tháng 1-1991, ông Công đã trả Hợp tác xã Bưu Điện hơn 1,52 tỉ đồng và 194 lượng vàng (trả dư so với số nợ là gần 800 triệu đồng và 194 lượng vàng).
Hợp tác xã Bưu Điện một mặt chuyển vụ việc ông Công sang cho công an xử lý hình sự. Mặt khác đơn vị này bán phát mãi nhà 317 Trần Bình Trọng cho bà Trịnh Tú Toàn giá 875 triệu đồng và khấu trừ số tiền vào nợ vay của ông Công. Bên cạnh đó, ông Công cũng bị ép ký giấy bán nhà cho bà Toàn với giá 240 triệu đồng.
Dù ông Công liên tục khiếu nại việc bán nhà sai trái của Hợp tác xã Bưu Điện nhiều nơi, nhiều cấp nhưng chưa được giải quyết dứt điểm. Dẫu vậy, năm 2008, bà Toàn vẫn được UBND quận 5 cấp sổ cho nhà đất 317 Trần Bình Trọng.
Ngay sau khi được cấp sổ, bà Toàn bán nhà cho Công ty TNHH Hải Đường. Công ty Hải Đường bán tiếp cho ông Quách Chánh Sang (năm 2009), ông Sang bán cho ông Nguyễn Hữu Đặng (năm 2019).
Bản án sơ thẩm đã tuyên công nhận căn nhà vẫn là tài sản hợp pháp của ông Công (nguyên đơn), hủy các văn tự bán nhà giữa ông Công và Hợp tác xã Bưu Điện với bà Toàn (bị đơn) do vô hiệu. Từ đó, tòa cũng tuyên hủy các giao dịch, giấy tờ liên quan của căn nhà phát sinh sau đó vì giao dịch đầu tiên đã vô hiệu.
Có dấu hiệu tẩu tán tài sản
Sau phiên tòa sơ thẩm, ông Đặng, ông Sang, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan) có kháng cáo và Viện kiểm sát nhân dân TP.HCM cũng có kháng nghị.
Bản án phúc thẩm số 242 (tháng 7-2020) đã chấp nhận kháng cáo, tuyên căn nhà thuộc quyền sở hữu của ông Đặng. Ngay sau khi có phán quyết phúc thẩm, ông Đặng đã bán căn nhà trên cho ông Trương Công Minh.
Tháng 8-2022, quyết định giám đốc thẩm của TAND tối cao đã hủy bản án phúc thẩm số 242 vì cho rằng bản án này tuyên căn nhà thuộc ông Đặng là không đúng. Quyết định giám đốc thẩm yêu cầu xét xử phúc thẩm lại và cần làm rõ việc phát sinh người mua mới là ông Minh có ngay tình hay không để bảo đảm quyền lợi cho ông Công.
Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 27-6, hội đồng xét xử nhận thấy ông Minh cho rằng mua căn nhà trên từ ông Đặng giá 220 tỉ đồng bằng nguồn tiền tự có (80 tỉ đồng) và đang thế chấp cho một ngân hàng vay 140 tỉ đồng để mua nhà. Tuy nhiên tại phiên tòa và nhiều lần tòa yêu cầu cung cấp chứng cứ trước đó, ông Minh và đại diện ngân hàng cho vay không có tài liệu, chứng cứ chứng minh.
Vì vậy, hội đồng xét xử cho rằng việc bán nhà từ ông Đặng sang ông Minh là không ngay tình, có dấu hiệu tẩu tán tài sản (là căn nhà của ông Công).
Đồng thời, hội đồng xét xử cũng nhận định rằng thời điểm năm 2019, khi ông Đặng mua nhà từ ông Sang thì vụ việc đang được tòa án thụ lý, nhưng ông Đặng vẫn mua nhà là không ngay tình, hợp pháp.
Từ đó, hội đồng xét xử tuyên hủy các giao dịch mua bán nhà giữa ông Đặng và ông Minh. Công nhận bản án sơ thẩm, bác kháng cáo của ông Đặng, ông Sang, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông, kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân TP. Buộc ông Minh và ngân hàng đang nhận thế chấp căn nhà trả lại nhà cho ông Công.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận